Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Charlie Chaplin - ông vua của kỷ nguyên phim câm

Hình ảnh người đàn ông thấp bé có ria mép hình bàn chải, đội mũ hình quả dưa, mặc bộ vest đuôi tôm rộng thùng thình bước đi nhanh nhẩu, vui mắt với cây gậy tre… trong những bộ phim câm đã trở thành huyền thoại trong lòng người hâm mộ khắp thế giới.

Charles Spencer Chaplin (1889-1913) là diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh nổi tiếng trong thời kỳ đầu của Hollywood và điện ảnh Mỹ. Ông là người sáng tạo và có ảnh hưởng nhất trong kỷ nguyên phim câm khi cùng một lúc đảm nhận vai trò viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, soạn nhạc và là diễn viên chính trong phim của mình.



Charlie Chaplin - Ảnh: wikipedia.org

Charlie Chaplin xuất thân từ một gia cảnh khốn khó. Cha ông chết vì nghiện rượu ở tuổi 38. Mẹ ông mắc bệnh phải vào trại tâm thần. Ông hai lần bị gửi vào trại tế bần, phải lang thang kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau và ngủ ngoài đường. Tuy nhiên, cậu bé 13 tuổi Charlie Chaplin vẫn ấp ủ giấc mơ trở thành diễn viên. Năm 14 tuổi, Charlie Chaplin đăng kí vào hãng sân khấu ở West End của London.

Vai diễn đầu tiên của Charlie Chaplin là một đứa trẻ bán báo hài hước trong vở Jim, a Romance of Cockayne. Sau đó, ông vào vai cậu bé hầu phòng Billy trong vở Sherlock Holmes do Charles Frohman dàn dựng. Từ đây, cuộc đời ông đã rẽ sang hướng khác. Ông từng bước chinh phục khán giả với lối diễn xuất tự nhiên và gây được sự chú ý hài hước bằng cách trượt ngã… Năm 1910, ở tuổi 19 ông gia nhập công ty danh tiếng Fred Karno, và có chuyến đi đầu tiên tới Hoa Kỳ, nơi phát triển sự nghiệp của ông. Chaplin bắt đầu tham gia đóng phim, và trình làng với phim Making a Living vào năm 1914. Ông tiếp tục tham gia vô số bộ phim, có lúc tới 4 phim chỉ trong một tháng.

Vai diễn để đời và được yêu thích nhất của Chaplin là vai Kẻ Lang Thang (The Tramp). Nhân vật ra mắt lần đầu vào năm 1914 trong một bộ phim ngắn 5 phút. Chính Chaplin là người hình thành nên nhân vật huyền thoại trong thể loại phim câm. Trong quyển tự truyện của mình, Chaplin viết: “…Trên đường đến phòng hóa trang, tôi nghĩ mình có thể mặc một chiếc quần rộng thùng thình, mang một cây gậy và một chiếc mũ quả dưa. Tôi muốn mọi thứ phải thật mâu thuẫn, chiếc quần thùng thình đi với chiếc áo khoác chật, chiếc mũ nhỏ đi với đôi giày quá khổ, già dặn hơn, tôi thêm một bộ ria nhỏ. Tôi cũng không có ý tưởng gì về tính cách nhân vật của mình, nhưng vào thời điểm tôi hóa trang đã làm tôi cảm thấy anh ta phải là người thế nào. Tôi bắt đầu biết mình sẽ phải diễn thế nào, và khi tôi bước ra trường quay, anh ta đã thực sự ra đời.”



Tạo hình vai diễn huyền thoại Kẻ Lang Thang - Ảnh: modaecinema.wordpress.com

Vai diễn Kẻ Lang Thang (hay Vua hề Saclo) đã tạo nên một lượng lớn người hâm mộ khắp thế giới. Người ta tạo ra những con búp bê, mũ, tất, bộ bài và kẹo cao su mang hình ông, bán ở khắp nơi. Trẻ em trên thế giới hát các bài hát về ông ở sân chơi.



Một cảnh trong dòng phim hài do Chaplin thủ vai chính - Ảnh: Kobal Collection (Nguồn: telegraph.co.uk)

Với sự thành công của nhân vật, Chaplin dần bước vào vị trí sản xuất và đạo diễn cho phim ông đóng chính. Năm 1919, Chaplin đồng sáng lập công ty United Artists để kiểm soát hoàn toàn quy trình sản xuất phim của riêng mình. Phim thời lượng dài đầu tiên của ông là The Kid (1921), rồi đến A Woman of Paris (1923), The Gold Rush (1925), The Circus (1928). Ông từ chối chuyển sang làm phim có tiếng vào những năm 1930, thay vào đó tiếp tục sản xuất các phim câm. Những bộ phim của ông thường đặc trưng bởi tính pha trò kết hợp với tính cảm động, thể hiện trong cuộc đấu tranh của Tramp chống lại sự thù địch bên ngoài. Nhiều phim chứa những chủ đề chính trị và xã hội, cũng như những yếu tố tự truyện. Vào đầu kỷ nguyên của những bộ phim có tiếng, Chaplin đã làm hai bộ phim câm nổi tiếng City Lights (1931) và Modern Times (1936). City Lights (Những ngọn đèn thành phố) kể về tình yêu của Tramp dành cho một cô gái mù bán hoa, được coi là tác phẩm của Chaplin đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa hài kịch và phim tình cảm.  



City Lights được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Chaplin - Ảnh: wikipedia.org

Vào những năm cuối đời, những đóng góp của ông đối với ngành điện ảnh được nhìn nhận. Năm 1972, Chaplin nhận giải Oscar danh dự cho “tác động không thể đo đếm được của ông trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỷ này”. Ông qua đời ở tuổi 88 tại Vevey, Thụy Sĩ.



Chaplin (bên phải) nhận Giải Oscar danh dự từ Jack Lemmon năm 1972 - Ảnh: pixgood.com

Thùy Giang
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán