Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Gen của con người và loài chó tiến hoá song song với nhau

Sợi dây gắn kết giữa con người và loài chó đã tồn tại tự xa xưa, đến nay vẫn còn rất bền chặt. Người bạn trung thành bốn chân luôn cuộn mình vào chăn ngủ với ta mỗi tối, chơi đùa bên cạnh ta khi đi dạo, và nằm chễm chệ vào lòng ta một cách cực kỳ đáng yêu. Và những nghiên cứu mới đây đã cho thấy mối quan hệ này còn sâu sắc hơn nữa, tới tận mức độ vi mô như bộ gen.



Theo một nghiên cứu mới đây, mối liên hệ giữa con người và loài chó rất sâu sắc - Ảnh: ADRIAN MOSS / YOUR SHOT

Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Chicago và một số viện nghiên cứu quốc tế khác đã phát hiện một vài nhóm gen của cả người và chó - trong đó có các gen liên quan đến chế độ ăn uống và tiêu hoá, các quá trình thần kinh, và bệnh dịch - đã tiến hoá song song suốt hàng ngàn năm nay. Nguyên do có lẽ đến từ môi trường nơi người và chó chung sống, theo lời các tác giả bài nghiên cứu đăng ngày 14 tháng 5 trong tập san “Nature Communications”.

Ví dụ, bởi cùng sinh sống với quần thể người đông đúc, những con sói bắt đầu bớt hung dữ, dần dà sinh ra những chú cún biết nghe lời và cuối cùng là những vật nuôi có ánh mắt đáng yêu đến chết người và tình thương vô điều kiện dành cho chúng ta.

Các tác giả bài nghiên cứu cho rằng chó được thuần hoá lần đầu vào khoảng 32.000 năm trước, sớm hơn nhiều với phần lớn những ước tính hiện nay (khoảng từ 15.000 đến 16.000 năm về trước). Bài nghiên cứu cũng cho rằng quá tình thuần hoá chó khởi nguồn từ khu vực Đông Nam Á, thay vì Trung Đông như những nghiên cứu khác.

“Mắt xích bị mất” trong chuỗi tiến hoá của loài chó?

Những nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu này đã giải trình tự bộ gen của 4 con sói xám từ Nga và Trung Quốc, 3 con chó hoang ở Trung Quốc và 3 loài chó được thuần hoá - gồm Becgie Đức, Malinois Bỉ, và Ngao Tây Tạng. Sau đó họ lọc ra xem gen nào có liên quan tới quá trình thuần hoá và xác định thời điểm các thay đổi diễn ra. Kết quả sẽ được đem so sánh với bộ gen người.

Weiwei Zhai, nhà khoa học về gen ở Viện Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả bài nghiên cứu, trả lời trong một email: “Lịch sử thuần hoá loài chó thường được chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên là sói tiến hoá thành chó. Tiếp theo chó phân hoá thành nhiều giống khác nhau.

Chó cỏ Đông Nam Á, bao gồm cả chó cỏ Trung Quốc, rất có thể là “mắt xích còn thiếu” trong chuỗi tiến hoá từ sói lên đến những giống chó thuần, do mức độ đa dạng về gen của chúng nhiều hơn những giống chó cỏ khác trên thế giới.”

Cùng nhau tiến hóa

Khi Zhai và các đồng nghiệp so sánh trình tự gen của chó với bộ gen người, họ phát hiện ra các chuỗi gen liên quan đến ung thư, quy định việc vận chuyển chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, hay xử lý cholesterol… đã được chọn lọc ở cả hai loài.

Các điểm tương đồng trong quá trình chọn lọc tự nhiên giữa hai loài cho thấy đây là hiện tượng tiến hoá hội tụ hiếm gặp. Nhưng Zhai không ngạc nhiên lắm, bởi dù sao thì người và chó đã chung sống trong một khoảng thời gian rất dài.

Ngoài những chuỗi gen liên quan đến chế độ ăn uống và hành vi, bộ gen người và bộ gen chó còn có những tương đồng về các bệnh tiềm năng như béo phì, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), động kinh, và một số loại ung thư như ung thư vú.

Theo Zhai, nguyên do có thể là vì mỗi gen quy định nhiều tính trạng khác nhau, cả có ích lẫn có hại. Tuy số lượng tính trạng có ích nhiều hơn, không gì ngăn cản quá trình chọn lọc tự nhiên giữ lại những tính trạng có hại. Các gen liên quan đến ung thư có thể là một trong những trường hợp đó, theo Zhai cho biết.

Hồi kết còn xa

Nghiên cứu lần này là một bước tiến lớn nhờ dựa trên bộ gen hoàn chỉnh thay vì các dữ liệu rời rạc từ các tế bào (ty thể chẳng hạn) như trong các nghiên cứu trước. Nhưng việc so sánh gen người và chó cũng phải cẩn trọng, cần thu thập thêm dữ liệu về trình tự gen của chó ở những khu vực khác, ngoài Trung Quốc và Nga, ta mới xác định chính xác hơn mốc thời gian và địa điểm quá trình thuần hoá bắt đầu.

Đó là chưa kể đến bộ gen của những loài vật thuần hoá khác như dê và ngựa. Cần đối sánh chúng với bộ gen người để xem mối quan hệ giữa con người và loài chó có phải là độc nhất hay không.

Nhưng dù sao đi nữa, nghiên cứu này cũng mở ra một chương mới trong câu chuyện thuần hoá của loài người chúng ta - một câu chuyện mà hồi kết hãy còn xa.

Theo National Geographic

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán