Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Ngoài những đặc điểm lạ lùng, thú mỏ vịt còn có thể phát sáng

Thú mỏ vịt là một trong những sinh vật lạ lùng nhất trên hành tinh. Tuy là động vật có vú, sinh vật có nguồn gốc từ Châu Úc này lại đẻ trứng và có những gai độc mọc ở chân sau. Chúng cũng có đuôi giống hải ly và mỏ giống vịt dùng để cảm nhận con mồi khi nhắm mắt đi săn vào buổi đêm.

Giờ đây, các nhà khoa học lại tìm ra thêm một nét độc đáo của loài vật này: bộ lông phát huỳnh quang.



Thú mỏ vịt phát huỳnh quang sinh học xanh - Ảnh: Jonathan Martin

Trong một bài nghiên cứu gần đây được đăng trong tạp chí Mammalia, các nhà khoa học đã phát hiện rằng, khi chiếu tia cực tím - một quang phổ mà mắt người không thể nhìn thấy - lên lông của thú mỏ vịt, thì chúng sẽ phát ra ánh sáng màu lục-lam.

“Tôi khá kinh ngạc khi phát hiện thú mỏ vịt có thể phát huỳnh quang sinh học,” Paula Anich, tác giả chính của bài nghiên cứu cho biết, đặc biệt là khi nó đã là “một loài sinh vật rất độc đáo” rồi.

Phát hiện này mở rộng thêm kiến thức khoa học về huỳnh quang sinh học, một hiện tượng phổ biến trong giới động vật hơn những gì các nhà nghiên cứu từng nghĩ.

Từ sóc bay đến thú mỏ vịt

Hiện tượng huỳnh quang sinh học là khi một loại vật chất, ở đây là bộ lông thú, hấp thụ ánh sáng ở một bước sóng và phát ra với bước sóng khác. Những màu sắc huỳnh quang sinh học thường thấy bao gồm xanh lá, đỏ, cam, và xanh dương.

Chỉ trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số loại mai rùa, nấm và sóc bay có khả năng phát ra huỳnh quang sinh học. Tuy lý do cho hiện tượng này vẫn còn là một ẩn số, các giả thuyết được đưa ra bao gồm ngụy trang hoặc hỗ trợ giao tiếp giữa các cá thể khác nhau trong cùng loài.

Năm 2019, Anich - nhà nghiên cứu động vật có vú tại Northland College, Ashland, Wisconsin, và các đồng nghiệp đã phát hiện sóc bay phát huỳnh quang màu hồng ở lông bụng dưới ánh đèn UV.

Trước khi bài nghiên cứu của Anich được xuất bản không lâu, có một báo cáo phát hiện một con thú mỏ vịt vừa bị giết trên đường ở Úc phát sáng dưới đèn đen - một dạng đèn phát ra tia UV.

Theo lời Gilad Bino - chuyên gia về thú mỏ vịt tại Đại học New South Wales ở Sydney, Úc không tham gia vào nghiên cứu của Anich, điều này càng minh chứng cho phát hiện của Anich, thú mỏ vịt không chỉ phát huỳnh quang khi đã chết mà cả những con còn sống cũng gần như chắc chắn sẽ phát huỳnh quang.

“Thú mỏ vịt chưa bao giờ ngừng làm cho tôi ngạc nhiên,” Bino chia sẻ về bài nghiên cứu mới này.

Mục đích của bộ lông phát sáng là gì?

Người ta vẫn chưa rõ lý do tại sao thú mỏ vịt lại phát sáng. Vì thú mỏ vịt là một loài ăn đêm và chúng nhắm mắt khi bơi, đặc tính này không có vẻ gì là quan trọng trong việc hỗ trợ chúng giao tiếp với các cá thể khác, theo lời Anich.

Có lẽ bộ lông này giúp chúng tránh khỏi những kẻ săn mồi nhìn được ánh sáng UV; việc hấp thụ UV và phát ra ánh sáng xanh có thể coi như là một hình thức ngụy trang của chúng, Anich nói.

Bino đồng ý với ý kiến này. Nhiều loài động vật, bao gồm các loài chim, có thể nhìn thấy UV. Những “kẻ thù” của thú mỏ vịt bao gồm những loại cá lớn như cá tuyết, chim săn mồi và chó dingo.

Nhưng cũng có khả năng bộ lông huỳnh quang không có chức năng cụ thể nào, mà chỉ là một đặc điểm mà thú mỏ vịt thừa hưởng từ tổ tiên chúng, tương tự như việc đẻ trứng.
Cả Anich lẫn Bino đều bày tỏ mong muốn có cơ hội được nghiên cứu một con thú mỏ vịt sống để có thể xác minh khả năng phát quang và tìm hiểu thêm về chức năng của đặc điểm này.

“Nhờ những phát hiện này, chắc chắn tôi sẽ mang theo một cái đèn UV trong những lần đi điền dã sắp tới”, Bino nói.

Theo nationalgeographic.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán