Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Các lỗi nên tránh trong bài tuyển sinh môn văn

Bên cạnh những thay đổi theo hướng chú trọng vận dụng kỹ năng, tăng cường những câu hỏi gợi mở, gắn liền với những vấn đề thực tiễn đời sống… đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn tại TPHCM năm nay còn có sự tích hợp kiến thức của nhiều môn học khác từ tự nhiên cho đến xã hội.



Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo đó, đề thi gồm 3 câu: đọc hiểu văn bản, làm văn xã hội và nghị luận văn học (4 điểm).

Ở câu nghị luận văn học, HS được lựa chọn một trong 2 câu: câu có sự tích hợp giữa 2 hoặc 3 tác phẩm văn học; hoặc câu tích hợp giữa văn học và xã hội.

Trước hết, HS cần nắm vững cấu trúc đề thi; hệ thống câu hỏi, các cách đặt câu hỏi thường gặp; thang điểm của từng phần, từng câu. Phải hệ thống những kiến thức cơ bản về tiếng Việt cho phần đọc hiểu, những tác phẩm bắt buộc nào ở phần nghị luận văn học để chủ động ôn tập. Với 120 phút làm bài, nên chú ý phân chia thời gian làm bài hợp lý các phần.

Trong các lần chấm thi tuyển sinh 10, giám khảo bắt gặp những lỗi phổ biến sau:

Ở phần đọc hiểu, HS thiếu kỹ năng phân tích đề thi. Thiếu ý thức phải trả lời thành các ý gạch đầu dòng hay viết thành đoạn văn. Lỗi thường gặp ở phần này là hoặc HS trả lời sơ sài, qua quýt, không đủ ý theo yêu cầu đáp án, hoặc quá lan man, quá dài dòng. Cần nhớ nữa là, năm nay, văn bản đọc hiểu có thể là một môn học khác, tuy nhiên cốt lõi của việc làm bài vẫn là kỹ năng đọc hiểu. Vì vậy, không nên quá sa đà vào kiến thức của nó sẽ mất thời gian và lạc đề.

Với câu nghị luận xã hội (viết khoảng 1 trang giấy thi), do cách yêu cầu vô cùng đa dạng, phong phú (như bàn luận về một ý kiến, đưa ra một mẩu truyện, một bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa…), vì vậy nhiều HS hiểu sai, xác định sai vấn đề dẫn đến bài làm lạc đề. Nhiều bài làm thiếu sự giải thích thấu đáo. Quan điểm, chính kiến thiếu xác đáng, thuyết phục. Không làm chủ về thao tác lập luận, thiếu dẫn chứng thuyết phục. Hoặc không rút ra bài học gì ý nghĩa cho xã hội, cho bản thân.

Ở câu nghị luận văn học, do đề có tính tích hợp nên nhiều HS mất điểm do bố cục bài làm thiếu hợp lý. Phần so sánh, nhận xét, đánh giá rút ra kết luận từ vấn đề tích hợp chưa sâu, nên chưa làm rõ được vấn đề. Nhiều HS mất điểm ở các mặt, như: què cụt trong cấu trúc bài làm; chưa làm rõ được luận đề; thiếu sáng tạo về dùng từ, đặt câu, dẫn chứng liên hệ; và lỗi về chữ viết, chính tả...

Theo TRẦN NGỌC TUẤN
(Thanh niên)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán