Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Vẫn đủ sách giáo khoa theo đúng tiến độ

Sau khi Bộ trưởng GD&ĐT chính thức thông tin phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia, vấn đề dư luận quan tâm là làm thế nào để đảm bảo có đủ sách thực hiện chương trình mới theo đúng tiến độ.



Bộ GD&ĐT đảm bảo sẽ đủ sách giáo khoa chương trình mới. Ảnh: Phạm Hùng

Không sử dụng ngân sách để biên soạn SGK

Cùng với việc cho phép thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số SGK cho mỗi môn học, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK”.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là sau khi trả lời chính thức về việc Bộ sẽ không thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK do không đủ ứng viên tham gia viết SGK, thì việc thực hiện trách nhiệm của Bộ GD&ĐT về việc biên soạn một bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88 sẽ ra sao? PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết: Nghị quyết 88 giao trách nhiệm “tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” cho Bộ GD&ĐT là để đảm bảo không thiếu SGK của môn học hay lớp học nào khi thực hiện chương trình SGK mới theo đúng tiến độ đã được quy định. Việc Bộ không trực tiếp mời tác giả biên soạn SGK như phương án ban đầu cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ một bộ SGK của tất cả các môn học, lớp học.

Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học.

Không có khái niệm “SGK của Bộ”

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, cho rằng việc Bộ GD&ĐT không trực tiếp tuyển chọn biên soạn SGK và không “đóng dấu” tên Bộ GD&ĐT vào một bộ SGK là xu hướng tiến bộ.

Nếu thành lập nhóm tác giả gọi là “của Bộ”, sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước để tổ chức viết SGK thì sẽ rất khó giải thích là các bộ SGK đều đảm bảo cạnh tranh công bằng với nhau. Việc triển khai một bộ SGK đòi hỏi những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp), do vậy ông Hùng cũng cho rằng Bộ sẽ không thể lựa chọn một số cuốn trong mỗi bộ SGK sẵn có để “lắp ghép” thành một bộ SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ SGK theo đúng nghĩa.

Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, khi thực hiện nhiều SGK theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, dù Bộ có trách nhiệm “tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” nhưng sẽ không có khái niệm “bộ SGK của Bộ”. Trách nhiệm quan trọng nhất của Bộ khi có nhiều bộ/cuốn SGK là thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đảm bảo SGK nào được thẩm định, phê duyệt và cho phép sử dụng đều đảm bảo chất lượng và Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng của tất cả SGK đã được thẩm định, phê duyệt ấy.

Công khai, công bằng trong thẩm định các bộ SGK

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng sau khi được Hội đồng thẩm định phê duyệt thông qua thì các bộ SGK đều có giá trị sử dụng công bằng, không có sự phân biệt. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK; đồng hành cùng các nhà xuất bản các bộ/cuốn SGK để đảm bảo chất lượng của từng SGK; hỗ trợ, tạo điều kiện trong các khâu như thử nghiệm, phát hành, tập huấn… để giảm chi phí cho tất cả các bộ SGK để giảm giá thành cho người sử dụng SGK.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa khi có nhiều SGK là Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền.

Theo TUỆ NGUYỄN
(Thanh niên)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán