Truyện ngắn

Nhẫn

Mới lên 6 tuổi, An đã trở thành cậu bé mồ côi mẹ. Mẹ An mất vì bạo bệnh. Suốt ngày An cứ lầm lì. Hiếm khi tìm thấy nụ cười trên khuôn mặt trẻ thơ của An.

Một năm sau bố An tái hôn. Mẹ kế là người làng bên, một nông dân thuần phác. Bà hứa với chồng sẽ chăm sóc An, coi An như con đẻ. Bà lo cho An từng miếng ăn ngon. Bà mua quần áo mới cho An. Những buổi chợ phiên, bà đi chợ và mua cho An những thứ bánh kẹo và trái cây mà An thích nhất. Đổi lại, bà chỉ mong được An gọi mình là "mẹ" chứ không phải là "dì" như An vẫn thường gọi.

Hơn một năm đã trôi qua, điều bà muốn vẫn chưa hề đạt được. Thậm chí có lúc bà còn nghe An gọi mình là "dì ghẻ". Chẳng biết ai dạy cho nó mà có lúc bà còn nghe thấy nó hát bi bô:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng

Nghe An hát, bà thấy xót xa, não cả lòng. Chợt bà nghĩ ra, trong làng có một nhà thông thái. Bà quyết chí đến gặp nhà thông thái để xin lời khuyên, làm cách nào đạt ước nguyện là được An gọi mình bằng "mẹ".




Ảnh minh họa


Nghe xong chuyện, nhà thông thái chậm rãi:

- Ở cánh rừng gần làng có một con sư tử đực rất to lớn. Chị hãy tìm cách lấy về cho ta một chiếc lông bờm của sư tử. Lúc đó ta sẽ chỉ cho chị cách làm để đạt được mong muốn.

Chao ôi! Để có được một lời khuyên của nhà thông thái, để được mách bảo cách làm cho con riêng của chồng gọi mình bằng "mẹ", bà phải lấy được lông bờm của sư tử đực trong rừng? Bà khiếp đảm, vẻ mặt đầy thất vọng.

Nhìn nhà thông thái rũ áo đứng lên và chậm rãi bước vào nhà trong, bà biết ông không thay đổi điều kiện. Bà đành lủi thủi ra về, vừa đi vừa suy nghĩ rất mông lung. Khát vọng cháy lòng mong được đứa con riêng của chồng gọi mình bằng "mẹ" đã thôi thúc và mách bảo bà tìm ra kế sách.

Không hề nói chuyện với chồng, sáng hôm sau bà ra chợ thật sớm, mua một tảng thịt lợn cho vào giỏ rồi đi vào rừng. Thì kia, "ngài" sư tử đực thật to với đám lông bờm thật dài đang nằm ườn trên tảng đá. Nhác thấy bà, "ngài" đã đứng lên, giũ bờm rồi ngáp dài, để lộ ra 2 chiếc răng nanh dài và nhọn hoắt. Bà rùng mình, nghĩ rằng phen này cầm chắc cái chết. Thu hết dũng khí, khi còn cách sư tử chừng trăm mét, bà lôi tảng thịt lợn ra và để trên thảm cỏ, đoạn thoăn thoắt quay về. Khi đã đi được một đoạn xa, bà nấp sau bụi cây và ngoái nhìn lại. Sư tử đủng đỉnh bước về phía thảm cỏ, ngoạm lấy tảng thịt và "ngài" đã có được một bữa sáng thật nhàn nhã và ngon lành.

Sáng hôm sau bà lại làm tương tự. Có điều lần này bà thấy tự tin hơn. Bà mang tảng thịt tới gần sư tử hơn rồi mới đặt xuống và đi về. Nhiều ngày trôi qua, mỗi ngày bà lại tiến gần hơn tới sư tử. Cho tới một ngày kia, bà mua tảng thịt to gấp đôi và lần này bà bê tảng thịt tới sát sư tử đực. Sư tử nhìn bà với ánh mắt thân thiện, ít ra bà cũng cảm thấy thế. Bà nhẹ nhàng đặt tảng thịt ngay sát đầu sư tử, rồi ngồi xuống, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên lưng sư tử. Còn sư tử, "ngài" đang say sưa bữa sáng với tảng thịt lợn tươi, do con người tốt bụng và thân thiện kia tự nguyện mang đến. Người đàn bà và sư tử đã trở nên gần gũi và thân thiết. Bà vuốt nhẹ lên bờm của sư tử, như mời bảo "ngài" hãy cố gắng ăn cho hết tảng thịt. Và cũng rất nhanh, bà đã có được vài chiếc lông bờm của sư tử. Bà cung kính đứng lên, cúi chào và xách chiếc giỏ tre ra về.

Khi đã ra khỏi bìa rừng, bà mới hay rằng đũng quần mình đã ướt sũng. Nhưng bà vui khôn xiết, bởi trong tay đã có được vài chiếc lông bờm của sư tử. Bà chạy ào về phía ngôi nhà của nhà thông thái. Thì kia, nhà thông thái đã đứng trước cửa như chờ đợi sẵn. Không cần nghe bà trình bày, nhà thông thái đã cất giọng trầm trầm:

- Để được đứa con riêng gọi mình bằng "mẹ", chị hãy làm theo cách như chị đã làm để có được chiếc lông bờm của sư tử.

Trần Tân Phong
Theo Tales and Legends of Africa

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán