Âm nhạc

Sáu quốc gia suýt rút khỏi đêm Chung kết Eurovision 2024

Sáu quốc gia lọt vào Chung kết Eurovision 2024 suýt rút khỏi đêm quan trọng nhất mùa giải chỉ 25 phút trước khi sự kiện lên sóng trực tiếp trên truyền hình.



Ca sĩ Nemo đại diện cho Thụy Sĩ với ca khúc “The Code” ăn mừng chiến thắng chung cuộc tại Eurovision 2024 - Ảnh: Getty Images

Đêm chung kết diễn ra hôm 11/5 tại Malmö, Thuỵ Điển - quê nhà của ca sĩ Loreen, quán quân năm 2023 - vấp phải nhiều tranh cãi với sự hiện diện của thí sinh từ Israel trong lúc xung đột Hamas-Israel vẫn còn tiếp diễn.



Bambie Thug (ứng viên Ireland) biểu diễn tại đêm Chung kết Eurovision 2024 - Ảnh: Martin Sylvest Andersen/Getty Images

Nhiều thí sinh như Bambie Thug từ Ireland hay Olly Alexander từ Anh chịu sức ép phải tẩy chay cuộc thi để thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine. Hai nghệ sĩ này sau đó đã ra thông báo chung thể hiện lập trường ủng hộ Palestine song quyết định không tẩy chay chương trình.

Nhiều quốc gia cũng lên tiếng đòi tẩy chay mùa thi năm nay trước khi đêm chung kết diễn ra. Hơn 1.000 nghệ sĩ Thụy Điển đồng lòng kêu gọi cấm cửa Israel; trong số họ có những tên tuổi khá nổi như Robyn, Fever Ray, và First Aid Kit. Còn tại Phần Lan, 1.400 cá nhân hoạt động trong ngành âm nhạc đã ký tên yêu cầu bỏ tư cách tham gia của Israel trong năm nay.

Nhiều lời chỉ trích còn hướng đến tranh cãi nổ ra khi ban tổ chức quyết định loại bỏ cờ Palestine và những biểu tượng ủng hộ người Palestine trong vòng chung kết, đồng thời chọn không lên tiếng về hành động của Israel tại Dải Gaza.



Eden Golan (ứng viên Israel) biểu diễn tại đêm Chung kết Eurovision 2024 - Ảnh: Martin Sylvest Andersen/Getty Images

Lọt vào vòng chung kết, Eden Golan khi bị khán giả la ó phản đối đã nói “không gì có thể ngăn cản” việc cô đại diện cho Israel trong cuộc thi. Trong suốt mùa giải năm 2024, quốc gia Trung Đông này phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc nhắm về mình, cho rằng đội Israel phải hứng chịu “nỗi thù ghét trước nay chưa từng có”.

Mặc cho những tranh cãi và làn sóng phản đối dữ dội, đêm Chung kết Eurovision 2024 vẫn diễn ra khá suôn sẻ. Ngôi vị quán quân thuộc về Nemo - nghệ sĩ phi nhị nguyên giới đầu tiên được chạm tay vào chiếc cúp chung cuộc, cũng là người đưa Thụy Sĩ quay lại vị trí đầu bảng sau chiến thắng của Celine Dion với ca khúc “Ne partez pas sans moi” năm 1988.

Đã hai tuần trôi qua kể từ đêm đó, nhiều kênh truyền thông bắt phanh phui chuyện có kha khá quốc gia suýt rút khỏi sự kiện quan trọng chỉ vài phút trước khi bấm máy. Theo tờ VG của Na Uy, trước giờ lên sóng chỉ 25 phút, 6 quốc gia đòi rút phần dự thi khỏi đêm chung kết: Thụy Sĩ (quốc gia thắng giải), Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Anh, và Na Uy.



Ban nhạc Na Uy Gåte trình diễn tại đêm Chung kết Eurovision 2024 - Ảnh: Martin Sylvest Andersen/Getty Images

Nếu cả 6 cùng rút lui, đêm chung kết sẽ chỉ còn 19 quốc gia thành viên tham dự, và các nhà đài chắc chắn phải đau đầu tìm cách trám 20 phút nội dung bị hụt mất. Một trong những cá nhân lớn tiếng nhất về vụ việc là thành viên Magnus Børmark của ban nhạc Gåte đại diện cho Na Uy. Tay guitar này giải thích: “Chỉ đến những phút cuối cùng, chúng tôi mới đổi suy nghĩ về chuyện rút lui. Phần lớn các nước muốn rút khỏi đêm chung kết đều là do Israel đang biến Eurovision thành công cụ phục vụ mục đích chính trị của họ.”

Børmark còn nói: “Chúng tôi đều không muốn tham gia Eurovision để rồi bị lợi dụng, biến thành trò hề trong bộ máy tuyên truyền chiến sự tại Israel. Cuộc thi này đáng lẽ là nơi mọi người đoàn kết bằng âm nhạc, bỏ qua tình hình chính trị, chọn bè chia cánh đấu đá lẫn nhau ngoài kia. Nhưng hình như Israel được đặc cách với bộ quy định riêng còn những đội còn lại phải chịu những quy định khác hoàn toàn… Chỉ cần rơi vào tình thế đó bạn sẽ thấy lấn cấn. Giới nghệ sĩ chúng tôi đáng lẽ không phải họp khẩn với ban tổ chức (EBU).”

Thí sinh khác cũng thể hiện lập trường đanh thép đối với Israel và nghĩ đến chuyện rút khỏi đêm chung kết là Bambie Thug. Nghệ sĩ đại diện cho Ireland trước đó đã bị buộc phải xoá dòng “ngừng bắn” (“ceasefire”) và “tự do cho Palestine” (“freedom for Palestine”) khỏi trang phục biểu diễn. Sau đêm chung kết, nghệ sĩ này còn “ưu ái” dành những lời lẽ thô tục nhất cho EBU.

Tờ Aftonbladet của Thụy Điển cho hay số lượng thí sinh muốn rút khỏi đêm chung kết tăng cao khiến “toàn bộ ngày hôm đó trở thành cuộc họp xử lý khủng hoảng” của EBU và nhà đài chính SVT. Hiện vẫn chưa rõ cuộc thương lượng diễn ra như thế nào và vì sao 6 nước này chấp nhận biểu diễn.

Hiện nhà đài ERT của Hy Lạp đã bác thông tin định rút khỏi đêm chung kết. Phát ngôn viên của nhà đài cho hay: “Chúng tôi chưa từng thảo luận hay thậm chí nghĩ đến chuyện rút khỏi cuộc thi vì bất cứ lý do gì. Bên VG đã sai lầm khi đưa Hy Lạp vào các nước muốn rút lui.”

Tranh cãi quanh cuộc thi năm nay còn ảnh hưởng đến nhiều phần thi của các quốc gia khác. Như phần biểu diễn của Iolanda, đại diện Bồ Đào Nha, trong đêm chung kết bất ngờ “bay màu” vì nữ ca sĩ này “sơn móng tay ủng hộ Palestine”. Còn nam ca sĩ Joost Klein đại diện Hà Lan bỗng bị tước quyền tham dự chỉ vài giờ trước khi đêm chung kết diễn ra vì cáo buộc đã dùng lời đe doạ một thành viên nữ thuộc tổ sản xuất. Sau chiến thắng áp đảo đêm chung kết, ca sĩ Nemo có nói bóng gió về mùa Eurovision năm nay rằng cuộc thi cần phải “cải tổ”.

Đài BBC cũng đã phản hồi nhiều lời khiếu nại về cuộc thi Eurovision năm nay: “Một số nội dung phát sóng… không được mọi người ủng hộ.” Song, mặc cho làn sóng tẩy chay, Chung kết Eurovision 2024 vẫn phá kỷ lục về số lượt xem toàn cầu.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán