Là đại diện cho ẩm thực Pháp trên thế giới, bánh mì baguette vừa được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hoá Phi vật thể, một truyền thống đáng quý cần được con người gìn giữ.
Florence Poirier, chủ tiệm bánh, cho bánh mì baguette vào túi có ghi “vị ngon thật sự của bánh mì” cho một khách hàng của tiệm - Ảnh: Michel Euler/AP Photo
Bộ Văn hoá Pháp đã báo động về số lượng tiệm bánh truyền thống liên tục giảm, điển hình là khoảng 400 tiệm đóng cửa mỗi năm trong vòng nửa thế kỷ qua. Các chuyên gia của UNESCO họp ở Ma Rốc tuần đầu tiên tháng 12/2022 quyết định loại bánh mì baguette làm từ bột mì, nước, muối và men nở đáng được Liên Hợp Quốc công nhận.
Audrey Azoulay, Giám đốc Cơ quan Văn hoá UNESCO, cho biết quyết định này tôn vinh không chỉ bánh mì mà còn là sự tinh xảo của các nghệ nhân làm bánh thủ công, xem việc làm bánh như một “nghi thức thường nhật”. Bà nói: “Việc tiếp tục duy trì tri thức thủ công và tập quán xã hội trong tương lai là rất quan trọng.”
Cơ quan này định nghĩa di sản văn hoá phi vật thể là “truyền thống hoặc quan niệm sống được thừa hưởng từ tổ tiên và truyền lại cho các đời sau”.
Sau khi bánh mì baguette nhận được danh hiệu văn hoá phi vật thể, chính phủ Pháp dự định sẽ tạo ra “Open Bakehouse Day”, một ngày dành riêng cho bánh mì thủ công nhằm kết nối người dân Pháp với di sản của họ chặt chẽ hơn.
Ở Pháp, các thợ bánh đều tự hào, không ngạc nhiên lắm trước động thái này. Asma Farhat, thợ làm bánh của Julien’s Bakery gần Đại lộ Champs-Élysées, bày tỏ: “Baguette đương nhiên phải lọt vào danh sách này bởi vì nó là thứ bánh toàn cầu. Một bữa ăn không có baguette là bữa ăn không hoàn thiện. Buổi sáng có thể đem nó đi nướng, buổi trưa kẹp sandwich, và buổi tối dùng làm món ăn kèm.”
Thợ làm bánh David Buelens đem các ổ baguette đi nướng trong tiệm bánh ở Versailles, phía Tây Paris - Ảnh: Michel Euler/apnews
Mặc dù được xem là một món không thể thiếu của người Pháp, bánh mì baguette rất có thể là phát minh của một thợ bánh tại Viên, Áo, mang tên Austin Zang năm 1839. Zang đã sáng chế lò nướng hơi nước tại Pháp để có thể nướng bánh mì có vỏ giòn và ruột xốp.
Baguette bắt đầu nổi tiếng vào những năm 1920, với sự ra đời của điều luật ngăn các thợ bánh làm việc trước 4 giờ sáng. Hình dáng thon dài của baguette giúp quá trình nướng nhanh hơn các loại bánh mì khác, nên những người thợ hoàn toàn có thể nướng kịp chúng cho bữa sáng.
Bất chấp sự sụt giảm số tiệm bánh truyền thống, vẫn có khoảng 67 triệu người Pháp tiêu thụ rất nhiều bánh mì baguette tại các điểm bán hàng, bao gồm ở siêu thị. Tuy nhiên, các nhà khảo sát cho biết hàng siêu thị thường là sản phẩm kém chất lượng.
Một cư dân Paris tên Marine Fourchier (52 tuổi) nói: “Rất dễ mua phải bánh mì dở ở Pháp. Chính những ổ baguette nguyên bản từ các lò bánh truyền thống mới cần được duy trì. Chúng ta nên chú trọng chất lượng hơn số lượng”.
Vào tháng 1/2022, các thợ bánh truyền thống và nông dân đã chỉ trích chuỗi siêu thị Leclerc vì bánh mì baguette chỉ bán giá 29 xu euro, hy sinh chất lượng của ổ bánh mì 65 cm nổi tiếng. Một ổ baguette mà chỉ có giá nhỉnh hơn 90 xu (khoảng hơn 1 USD) được một số người xem là chỉ dấu đáng quan ngại cho nền kinh tế Pháp.
Baguette thật sự là món ăn nổi bật. Viện nghiên cứu lâu đời L'observatoire du pain chuyên theo dõi sát sao số lượng baguette tiêu thụ và ghi nhận mỗi giây người Pháp ăn 320 một loại baguette nào đó, tức trung bình nửa ổ/người/ngày, hay 10 tỉ ổ mỗi năm.
Mylene Poirier đặt baguette vào túi bán cho khách tại tiệm bánh ở Versailles, phía tây Paris - Ảnh: Michel Euler/apnews
“Bí quyết thủ công và văn hoá bánh mì baguette” được công nhận trong cuộc họp UNESCO ở Ma Rốc cùng với các di sản văn hoá thế giới khác gồm nghi thức nhảy Furyu-odori của Nhật và các công thức ủ rượu rum nhẹ tại Cuba.
Thiên Kim
(Lược dịch)