Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Các phiên bản Valentine trên thế giới

Đến ngày 14/02, tức Lễ Tình nhân, mọi người khắp nơi lại trao nhau yêu thương qua những món quà, những tấm thiệp, hay đơn giản là những cử chỉ đẹp.

Món quà “truyền thống” thường gặp vào ngày Valentine là một hộp sô-cô-la có kèm thiệp chúc. Song, mỗi nơi trên thế giới lại có một phiên bản mừng lễ khác nhau. Hãy cùng xem truyền thống Lễ Tình nhân tại mỗi quốc gia là như thế nào nhé.

Brazil

Tại Brazil, Valentine không được tổ chức ngày 14/02 mà vào tháng 6, với tên gọi bản xứ là “Dia dos Namorados”.

“Dia dos Namorados”, hay “Ngày Tình nhân”, được tổ chức ngày 12/6 mỗi năm, trùng với Ngày Thánh Anthony, theo thông tin từ công ty du lịch Brazilian Experience. Đơn vị này cho biết người Brazil tin rằng Thánh Anthony là người “chúc phúc cho những cặp đôi trẻ có một cuộc hôn nhân viên mãn”.

Brazilian Experience giải thích: “Lễ Valentine thường rơi vào đúng Tuần Carnival - lễ hội lớn nhất tại đây - nên người Brazil thường không mấy mặn mà với ngày đó.”

Colombia

Lễ tình nhân ở Colombia cũng không rơi vào ngày 14/02. “Dia de Amor y Amistad”, hay “Lễ Tình yêu và Tình bạn” tại quốc gia Nam Mỹ này được tổ chức vào thứ Bảy tuần thứ 3 trong tháng 9, theo trang web du lịch Medellin Guru. Trong khi đó, “Dia de Amor y Amistad” lại trùng với Valentine ở một số quốc gia Mỹ Latin khác như Mexico, Puerto Rico, và Costa Rica.

Theo báo Bogota Post, lễ “Dia de Amor y Amistad” ở Colombia giống “Lễ Tình nhân kết hợp với Ngày Bạn hữu Thế giới”. Báo giải thích: “Colombia dời Lễ Tình nhân từ tháng 2 sang tháng 9 để không trùng với kỳ học của học sinh. Chưa kể là hoa và sô-cô-la còn bán chạy hơn vào tháng 9.”

Pháp

Truyền thống viết những lời yêu thương vào thiệp trao tặng nhau ngày Valentine ở Pháp có lẽ bắt nguồn từ tận thế kỷ 15, theo công ty du lịch Lost in France. Theo đó, thiệp Tình nhân đầu tiên là thư tay kèm thơ do Công tước xứ Orleans gửi cho vợ mình ở Pháp khi ông này bị nhốt tại Tháp London năm 1415.

Bên cạnh đó, người Pháp từng có thông lệ “une loterie d’amour”, hay “rút thăm xổ số tình yêu” vào Lễ Tình nhân. Đây là trò chơi dành cho những người độc thân. Họ lần lượt đi vào các căn nhà đối mặt nhau trên một con phố. Rồi từ khung cửa sổ, họ sẽ tỏ tình với đối phương đang chờ ở cửa sổ đối diện cho đến khi mọi người tìm được một nửa của đời mình. Hiện tại, chính phủ Pháp đã cấm tục lệ này.

Phần Lan

Nếu như Lễ Tình nhân ở những nơi khác dành cho các đôi uyên ương, ngày 14/02 tại Phần Lan lại là ngày dành cho bạn bè, tri kỷ, vì vậy gọi là Ngày Bằng hữu.

Trang ThisisFinland có đăng: “Vào ngày Valentine, Phần Lan là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tôn vinh tình bạn cao quý. Ngày Valentine tại Phần Lan được gọi là “ystävänpäivä”, hay “Ngày Bằng hữu”, và là dịp để mọi người chúc mừng tình bạn đẹp của mình. Đây cũng là ngày thích hợp để bày tỏ mong muốn kết bạn tại Phần Lan.”

Cũng theo trang tin trên, ystävänpäivä rộ lên từ những năm 1980 và chính thức trở thành ngày lễ tại đây vào giữa những năm 1990.

Philippines

Những năm gần đây, Lễ Tình nhân tại Philippines dần trở thành ngày tổ chức các đám cưới tập thể. Truyền thống này được tạo ra nhằm giúp các cặp đôi không đủ tiền xoay xở đám cưới cho riêng mình vẫn có thể tổ chức ngày trọng đại của cuộc đời.

Vào Lễ Tình nhân năm 2016, 350 cặp đôi tại Philippines đã cùng làm lễ cưới chung tại một nhà thi đấu bóng rổ ở thủ đô Manila. Theo trang tin Agencia EFE, cơ quan hộ tịch của thủ đô đã chi trả gần 14,5 nghìn bảng Anh (tỷ giá lúc bấy giờ) để cho các cặp đôi thành hôn.

Joey Cabresa, Chủ tịch cơ quan hộ tịch Manila, cho biết: “Nhiều người tham gia buổi lễ với mong muốn đánh dấu sự kiện trọng đại của đời mình nhưng lại không đủ tiền tổ chức lễ riêng.”

Trung Quốc

Trung Quốc có Lễ Thất Tịch diễn ra vào mùng 7 tháng 7 âm lịch. Đây có thể xem là ngày lễ tương đương với Valentine trong văn hóa phương Tây.

Công ty du lịch China Highlights có giới thiệu: “Thất Tịch là ngày lễ truyền thống lãng mạng nhất trong văn hoá Trung Hoa; kể từ khi hội nhập, ngày lễ này còn được gọi là Valentine phiên bản Trung Quốc.”

Công ty cũng nhận xét giới trẻ Trung Quốc hiện tại đón chờ ngày Valentine phương Tây hơn là Lễ Thất Tịch.

Nhật Bản

Lễ Tình nhân ở Nhật Bản là ngày phái nữ tặng quà cho bạn trai của mình; thường sẽ là một hộp sô-cô-la. Đúng một tháng sau, vào ngày 14/3, các bạn nam sẽ lại là người cần mua quà đáp lễ. Sự kiện này được gọi là “Valentine Trắng”.

Trang Live Japan nhận xét: “Đáng lưu ý là vào ngày Valentine, nữ giới không chỉ tặng sô-cô-la cho người yêu mà còn cho các thành viên nam trong gia đình và các đồng nghiệp nam nữa. Tuy nhiên, mỗi loại sô-cô-la là khác nhau tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa người cho và người nhận.”

Hàn Quốc

Tương tự Nhật Bản, truyền thống Lễ Tình nhân tại Hàn là nữ giới tặng sô-cô-la cho bạn trai của mình và nam giới đáp lễ một tháng sau đó. Song, bên Hàn còn một ngày lễ nữa cũng dính dáng đến Valentine. Tổ chức giáo dục Asia Society giới thiệu “Valentine Đen”, diễn ra ngày 14/4 hàng năm, tức 2 tháng sau ngày Valentine, là ngày đặc biệt dành cho những người độc thân.

Tổ chức này cho biết: “Những người độc thân không được nhận bất kỳ món quà nào vào ngày Valentine lẫn Ngày Trắng sẽ tề tựu cùng nhau ngày 14/4, hay “Valentine Đen”, để ăn mì tương đen (jjajangmyeon).”



Mì tương đen là món ăn gắn liền với “Valentine Đen” tại Hàn Quốc - Ảnh: seonkyounglongest.com

Cũng theo Asia Society: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngày lễ kia và ngày Valentine Đen là trong khi Lễ Tình nhân tháng 2 và tháng 3 được quảng bá rầm rộ, lễ độc thân tháng 4 lại ít được nói đến hơn hẳn.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán