Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Kulning - nghệ thuật gọi bò vùng Bắc Âu

Jennie Tiderman-Osterberg cất tiếng hú vang vọng giữa núi rừng Thụy Điển. Giọng cô lúc trầm lúc bổng tạo nên một giai điệu thống thiết đến ám ảnh.



Karin Lindstrom, giáo viên luyện giọng, đang giảng dạy kỹ thuật kulning - Ảnh: Tom Little/AFP

Chỉ một thoáng sau, từ xa xuất hiện 3 chú bò từ rừng rậm lững thững tiến về trang trại, trên cổ đeo quả chuông kêu lộc cộc. Tiếng gọi bò cao vút vừa rồi chính là “kulning” - truyền thống lùa gia súc bằng giọng bắt đầu từ tận thời Trung Cổ.

Từng có một thời những tiếng hú lan toả từ các nông trại trải dài khắp vùng trung tâm Thụy Điển, gọi đàn bò về chuồng sau ngày dài gặm cỏ. Sau khi quốc gia Bắc Âu này trải qua thời kỳ công nghiệp hoá giữa thế kỷ 19, các trang trại biến mất dần. May thay, kulning lại được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây.

Nghệ thuật trăm năm tuổi

Từ bé, Tiderman-Osterberg đã có niềm đam mê mãnh liệt với opera. Lớn lên một chút, cô lại mê chơi trống. Giờ đây, cô đang học bằng tiến sĩ về âm nhạc.

Cô cho biết kulning đã thay đổi cuộc đời cô; cô phải lòng nghệ thuật thanh âm này cùng nguồn gốc văn hoá của nó. Tiderman-Osterberg bộc bạch: “Lần đầu tiên thực hiện kulning, tôi như chôn chân dưới đất. Từ đó tôi biết rằng sứ mệnh của mình là đi phổ biến môn nghệ thuật này cùng nhiều truyền thống đồng quê Thụy Điển khác.” Theo thông lệ, các phụ nữ thôn quê buổi sáng cho bò và dê đi gặm cỏ trên rừng để ngăn chúng ăn phạm vườn tược, ruộng đồng và buổi chiều lại gọi chúng về.

Chủ trang trại Tapp Lars Arnesson trước đây làm diễn viên, nhưng giờ quay lại quê nhà để tận hưởng cuộc sống giản dị ở chốn nông trang bình yên: “Không còn gì tuyệt vời hơn thế này nữa. Như vầy mới là cuộc sống thực thụ chứ.”

Căn nhà gỗ sơn đỏ của ông không có điện, xung quanh là vườn rau và chuồng bò, nơi ông nuôi 3 con bò vắt sữa. Căn nhà kiểu thôn quê của ông chỉ là một trong số 200 căn hiện còn có mặt trên khắp nước Thụy Điển - một con số quá nhỏ nhoi so với hàng vạn căn nhà cùng kiểu tồn tại ở thế kỷ 19.

Về phần cô, Tiderman-Osterberg dự tính sẽ cùng những nông dân truyền thống như Arnesson đi thuyết trình và biểu diễn kulning nhằm phổ biến loại hình nghệ thuật này tại các buổi hòa nhạc.

Tiếng gọi với nhiều công dụng

Tại Nhạc viện Hoàng gia Stockholm, một nhóm nhỏ các học viên đứng tản ra ở các góc một khán phòng mờ tối. Giáo viên cất lên tiếng gọi, học viên đáp lại lời gọi ấy. Họ mô phỏng lại cách những nông dân sống cách đó hàng kilomet gọi lùa đàn gia súc của mình về nhà.

Susanne Rosenberg, ca sĩ nhạc dân gian và là giáo sư đề ra môn học này, cho biết: “Mọi người muốn học kulning để có thể biết cách tạo ra một chất giọng mạnh mẽ, vang vọng và sử dụng nó.” Học viên của giáo sư khá đa dạng. Rosenberg nói: “Trong số họ có các ca sĩ opera, cũng có những người chỉ mong muốn đơn giản là học cách gọi con mình về ăn tối.”

Một số khoá học tương tự còn được tổ chức ngoài đồng trống, thậm chí có thêm đàn bò cùng tham gia. Tại một nông trang ở Gnesta, phía Nam Stockholm, giáo viên luyện giọng Karin Lindstrom cùng học viên của mình leo lên sườn dốc xanh mướt, đứng giữa đất trời mà cất lên tiếng hú. Đầu tiên, các học viên chỉ có thể hú ngắt quãng. Nhưng rồi họ quen dần, hú cao hơn, vang hơn, kéo dài hơn, và sẵn sàng gọi đàn gia súc về chuồng.

Thực tế ít ai dùng tiếng hú này để lùa gia súc. Cả Lindstrom cũng cho rằng kulning có nhiều công dụng khác: “Tính cách chúng ta liên quan mật thiết tới chất giọng. Nhiều người chưa thể hiện hết cái tôi riêng của mình do họ chưa khai mở hết mức dây thanh quản của bản thân.”

Gần đây, Thụy Điển đề cử fabod - các nông trại mùa hè nơi truyền thống kulning được hun đúc, gìn giữ qua hàng trăm năm - lên UNESCO để được công nhận di sản phi vật thể, qua đó bảo tồn nét văn hoá độc đáo này.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán