Văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật, và truyền thống, dân tộc Iran kính cẩn nghiêng mình trước quả lựu. Loại trái cây này tượng trưng cho sự trù phú, điềm lành, sinh sôi, và nảy nở.
Ảnh: tehrantimes.com
Mỗi mùa thu, nông dân trồng lựu tại Iran lại tổ chức lễ hội tạ ơn Chúa Trời vì mùa màng tươi tốt. Cùng với nho và sung, lựu là một trong những nông sản quan trọng ở vùng Trung Á vào thời kỳ đầu của lịch sử.
Lựu xuất xứ từ Iran và vùng Đông Bắc Ấn Độ, hiện tại được trồng tại hầu hết các tỉnh thành ở Iran. Lựu ở mỗi tỉnh lại có màu sắc, kích thước, và hương vị khác nhau. Đất nước từng được gọi là Ba Tư này trồng được những loại lựu chất lượng nhất và là quốc gia sản xuất lựu bậc nhất thế giới.
Trong văn học Iran, lựu (tên bản xứ là anaar) mang tính biểu trưng đặc sắc, là hình ảnh ẩn dụ được sử dụng trong hàng loạt bài thơ Ba Tư cổ đại. Từng khía cạnh của lựu đều có thể trở thành hình tượng, từ lớp vỏ đỏ rực, đến hình dạng căng tròn, và tầng tầng lớp lớp các hạt bên trong.
Người Iran từ thời xa xưa đã cho rằng lựu, với lượng hạt vô kể, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Lựu hiện diện trong lễ Yalda, là loại trái cây mang đến sinh linh mới. Người ta còn tin rằng rải bao nhiêu hạt lựu xuống đất thì người phụ nữ sẽ sinh được bấy nhiêu con!
Ảnh: tehrantimes.com
Theo truyền thống, những tín hữu Hỏa giáo (tôn giáo bắt nguồn tại Ba Tư) sẽ trao lựu cho con cái mình vào ngày thành hôn, cầu mong chúng sinh nhiều cháu chắt.
Khoảng 2.000 năm trước Công Nguyên, cộng đồng người Lur sống ở miền Tây Iran ngày nay đã chế tác được nhiều đồ đồng tinh xảo, gọi là đồ đồng người Lur. Trên một số sản phẩm đồ đồng này có thể nhìn thấy rất rõ hình cây lựu.
Hình ảnh cây lựu còn hiện diện trên những bức chạm nổi tại vùng Persepolis, trước đây là kinh đô lễ hội qua các đời vua Achaemenes. Trong khi đó, các bức phù điêu thời Sasan lại cho thấy rõ lựu là biểu trưng của sự trù phú và sinh sôi nảy nở.
Ảnh: tehrantimes.com
Từ lâu, lựu cũng là nét chấm phá đặc sắc trong các món ăn Ba Tư nhờ mùi hương và mùi vị dịu ngọt.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)