Việt Nam là đất nước của những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Từ Bắc chí Nam, tỉnh thành nào cũng có những địa danh nổi tiếng để thu hút du khách. Trong số hàng ngàn địa điểm ở Việt Nam, có 7 Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận, và những di sản này đã giúp Việt Nam thu hút khách du lịch trong nhiều năm.
Vịnh Hạ Long - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1994
Vịnh Hạ Long được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) đưa vào danh sách Di sản Thế giới năm 1994. Là một điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, địa điểm này càng trở nên nổi tiếng hơn sau khi được thế giới công nhận. Với 1.960 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau và mặt biển phẳng lặng, Vịnh Hạ Long đã ghi tên mình vào một trong những điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Thời điểm tuyệt vời để du lịch Hạ Long là vào tháng 5 khi lễ hội hóa trang Vịnh Hạ Long được diễn ra hàng năm.
Ảnh: viator.com
Phong Nha Kẻ Bàng - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 2003
Mặc dù vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng không có lịch sử lâu đời như Vịnh Hạ Long nhưng khu vực này lại mang một dấu ấn riêng. Phong Nha Kẻ Bàng có hang động lớn nhất thế giới, cũng như sông ngầm dài nhất. Ngoài ra, động Phong Nha còn có những tảng đá, đá tự nhiên với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau và rất nhiều loài sinh vật sống bên trong. Hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, mới được phát hiện trong quần thể kỳ quan thiên nhiên này.
Ảnh: phongnhaexplorer.com
Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1993
Quần thể Di tích Cố đô Huế là sự kết hợp nhiều của cung đình từ triều Nguyễn (triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam) với Hoàng Thành Huế bao gồm Ngọ Môn, nhiều lăng tẩm của Hoàng đế triều Nguyễn (Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định ..), các di tích, đền, chùa, và các công trình khác. Chuyến đi thăm Huế sẽ không trọn vẹn nếu bạn không dành một ngày để cảm nhận những giá trị lịch sử của kinh thành và lăng tẩm ở nơi đây.
Ảnh: hue360.net
Phố cổ Hội An - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1999
Phố cổ Hội An vốn đã nổi tiếng với sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản về kiến trúc. Được hình thành từ thế kỷ 16 và 17, phát triển mạnh mẽ như một điểm giao thương của nhiều quốc gia, Hội An ngày nay vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của ngày xưa, từ đình làng đến những ngôi chùa đầy màu sắc.
Ảnh: Hang nguyen thanh
Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1999
Thánh địa Mỹ Sơn, bao gồm khoảng 70 ngôi đền và lăng mộ Hindu đổ nát và bị bỏ hoang, được xây dựng bởi các vị vua Champa từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14 sau Công nguyên. Những ngôi đền nơi đây từng là nơi để hoàng gia Champa tưởng nhớ tổ tiên và thờ phụng các vị thần. Cùng với thiên nhiên hoang sơ nơi đây, Mỹ Sơn tạo nên một khung cảnh tuyệt vời cho những người đến thăm Thánh địa.
Ảnh: taptrikientruc.vn
Hoàng thành Thăng Long - Di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 2010
Hoàng thành Thăng Long, được công nhận là Di sản thế giới năm 2010, là một tòa thành kiên cố ở Hà Nội từ thế kỷ 11 sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về đây. Hoàng thành đã từng là nơi sinh sống của nhiều hoàng tộc như nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Trịnh… và ngày nay trở thành một trong những Kinh thành nổi tiếng nhất cả nước.
Ảnh: vnexpress.net
Thành nhà Hồ - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 2011
Thành nhà Hồ ở tỉnh Thanh Hóa là thành cổ bằng đá duy nhất còn sót lại ở Đông Nam Á, được xây dựng vào năm 1397 với kiến trúc độc đáo và thiên nhiên tuyệt đẹp. Hơn nữa, pháo đài nhà Hồ được kết hợp bởi nhiều khối đá nặng, một số khối đá nặng hơn 20 tấn, đủ sức phản kháng trận chiến hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Ngoài ra, bên trong pháo đài, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những quả cầu bằng đá làm súng thần công - một trong những khẩu súng thần công cổ nhất Châu Á.
Ảnh: nld.com.vn
Thanh Huyền
(Lược dịch)