CNN - Một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất Tokyo đang thực hiện động thái hạn chế hành vi xấu, đó là cấm uống rượu nơi công cộng.
Người đi bộ băng qua ngã tư ở quận Shibuya, Tokyo, Nhật Bản, vào tháng 5 - Ảnh: Toru Hanai/Bloomberg/Getty Images
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 10, chính quyền địa phương cấm uống rượu trên đường phố hoặc những nơi công cộng ở Shibuya từ 6 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Độ tuổi uống rượu hợp pháp ở Nhật Bản là 20.
Shibuya, một quận tự trị ở Tokyo, có thể đưa ra những quy định riêng. Thị trưởng Ken Hasebe phát biểu với các nhà báo: “Chúng tôi đã tăng cường tuần tra và thực hiện các nỗ lực khác trong năm qua nhằm muốn nhấn mạnh người dân uống rượu trong nhà.”
Tin tức này có thể không làm cho người dân địa phương ngạc nhiên.
Mùa thu năm ngoái, Shibuya đã cấm các hoạt động liên quan đến Halloween, trong đó rượu được coi là lý do chính của lệnh cấm. Động thái này bao gồm lệnh cấm uống rượu bên ngoài quán bar và nhà hàng. Thị trưởng Hasebe nói rằng các doanh nghiệp địa phương đã tuân thủ các quy định này vào tháng 10/2023 và nỗ lực biến chúng thành quy định vĩnh viễn.
Trong một tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái, thành phố cho biết: “Thiệt hại do du lịch quá mức đã trở nên nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại về tài sản do uống rượu trên đường phố, ẩu đả với người dân địa phương và xả rác”.
Shibuya sở hữu một số điểm tham quan nổi tiếng nhất thủ đô, bao gồm Đền Meiji, Công viên Yoyogi và Shibuya Scramble Crossing - giao lộ đông đúc nhất thế giới.
Nhật Bản đã phải vật lộn để đối phó với tình trạng du lịch quá mức kể từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch. Hơn 3 triệu du khách đã đến thăm đất nước này trong tháng 4 và tháng 5 năm nay, và con số này sẽ tiếp tục gia tăng suốt mùa hè.
Giáo dục du khách về văn hóa địa phương là một phần quan trọng trong việc giải quyết làn sóng khách du lịch quốc tế.
Tại thành phố lịch sử Kyoto, nơi du khách có thể nhìn thấy geisha và những người học việc của geisha (được gọi là maiko) quanh các con hẻm cổ, người dân địa phương đã cố gắng tìm cách ngăn người nước ngoài quấy rối khi họ đi làm hoặc về nhà.
Văn phòng du lịch của Kyoto đã dán áp phích và phát tờ rơi về các phong tục xã hội khác nhau ở Nhật Bản, từ cách sử dụng nhà vệ sinh cho đến việc cho tiền tip. Những hướng dẫn này cũng áp dụng khi tiếp cận geisha, du khách được yêu cầu không đụng chạm, kéo kimono hoặc không được phép chụp ảnh geisha.
Người dân ở Gion cũng đã tự thực hiện một số biện pháp, chẳng hạn như chặn các con hẻm riêng tư. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp đó, “geisha paparazzi” và những khách du lịch phiền toái khác vẫn gây ra xung đột giữa du khách và người dân địa phương.
Thanh Huyền
(Lược dịch)