Trang chủ»Du lịch»Điểm đến du lịch

Điểm đến du lịch

Vấn nạn “quá tải du lịch” mùa hè 2024 tại Bồ Đào Nha

Thật không dễ tìm được chuông cửa nhà Martinho de Almada Pimentel, và đó là ý đồ của ông. Muốn “bấm chuông” dinh thự xây bên vách núi từ tận năm 1914 này, người ta phải kéo một sợi dây dài để rung quả chuông đặt trên mái. Tuy ông của Pimentel mong muốn lập ra “pháo đài biệt lập” lúc xây toà nhà, điều đó ngày càng trở nên bất khả thi với vấn nạn “quá tải du lịch” mỗi khi hè đến.



Hôm 14/8/2024, mặc dù là thứ Tư, du khách vẫn nườm nượp kéo đến tham quan lâu đài Pena Palace xây dựng từ thế kỷ 19 - Ảnh: Ana Brigida/apnews

Khách du lịch ngồi trong dòng xe kẹt cứng bên ngoài những bức tường hắt nắng của Casa do Cipreste thỉnh thoảng nhìn ra được và kéo dây chuông “chỉ vì họ nghĩ làm vậy hẳn là vui lắm”, theo Pimentel. Cứ mở cửa sổ, ông lại thấy mùi khói khét nghẹt và tiếng xe tuk-tuk xình xịch chạy. Ông cũng cảm nhận được tâm trạng chán chường của 5.000 du khách phải rồng rắn trên con đường một chiều lên lâu đài Pena Palace, nơi Vua Ferdinand II nghỉ dưỡng.



Một người sắm vai thuyền trưởng Jack Sparrow lái tuk-tuk chở khách ngang qua toà Casa do Cipreste của Martinho de Almada Pimentel tại Sintra, Bồ Đào Nha hôm 09/8/2024 - Ảnh: Ana Brigida/apnews

Pimentel, hiện sống một mình, buồn bã đứng trên ban công: “Giờ tôi cảm thấy mình còn cô đơn hơn hồi Covid nữa, không còn thiết tha ra khỏi nhà. Tất cả tâm trạng của tôi lúc này chỉ gói gọn trong hai từ: tức giận.”

Đó có lẽ là tình cảnh chung của cư dân sinh sống tại các điểm đến du lịch nổi tiếng vào năm 2024 - được dự báo sẽ là năm có nhiều kỷ lục cho ngành du lịch hậu Covid. Số lượng người có thú vui dịch chuyển tăng chóng mặt do muốn du lịch “bù”, xu hướng “du mục kỹ thuật số” (mang theo đồ công nghệ để có thể làm việc trong khi du lịch), cùng cơ chế “visa vàng” (cấp quốc tịch cho khách nước ngoài đầu tư khoản tiền lớn vào nước đang du lịch) vốn được cho là đẩy giá nhà đất lên phi mã.

Hệ quả “quá tải du lịch” nhan nhản khắp nơi: kẹt xe nơi thắng cảnh, lao động du lịch sống lây lất trong lều, các nhóm biểu tình “chống đối du lịch” nổi lên. Những động thái trên của dân địa phương đều nhằm gửi tối hậu thư cho giới chức lãnh đạo nơi họ ở: Hoặc xử lý vấn nạn này, bao gồm giá nhà đất, ùn tắc giao thông, quản lý nguồn nước, hoặc chúng tôi sẽ đuổi khách du lịch đi, để họ tiêu số tiền 11,1 nghìn tỷ USD/năm ở địa điểm khác.



Nhiều xe hơi nhích từng chút một ngang căn nhà có giăng tấm bạt đỏ với dòng “Kẹt xe gây hại tới tất cả mọi người, cả khách tham quan lẫn dân địa phương” tại Sintra - Ảnh: Ana Brigida/apnews

Mới nhìn qua có vẻ các bất cập trên chỉ ảnh hưởng đến những người ngồi mát ăn bát vàng như ông Pinmetel, song vấn đề còn sâu rộng hơn thế. Matthew Bedell, một cư dân khác tại Sintra, Bồ Đào Nha, bức xúc: “Liệu xe cấp cứu không đến kịp lúc hay người dân không thể mua thực phẩm được có phải chỉ là vấn đề của người giàu không? Với tôi là không rồi đó.” Được biết khu vực được UNESCO công nhận di sản văn hoá này không có bất cứ hiệu thuốc hay cửa hàng bách hoá nào.



Một căn nhà tại Sintra treo tấm bạt đỏ với dòng chữ “Sintra: Kẹt xe chốn thiên đường” - Ảnh: Ana Brigida/apnews

“Quá tải du lịch” là gì?

Thông thường, cụm từ trên dùng để chỉ tình trạng du khách (và lợi nhuận phát sinh từ họ) không còn có ích cho địa phương mà thậm chí gây hại đến các di tích lịch sử, làm quá tải cơ sở hạ tầng sở tại, qua đó gây khó khăn cho người dân sinh sống tại đó.

Cụm từ này gắn liền với các cuộc biểu tình và thái độ bức xúc kéo dài suốt mùa hè vừa qua. Nhưng chỉ cần nhìn kỹ hơn vấn đề một chút, ta có thể dễ nhận ra người dân và giới lãnh đạo địa phương đang phải đối mặt với những gì. Rõ ràng nhất là giá nhà ở từ Tây Ban Nha qua đến tận Nam Phi bị đẩy cao ngất ngưởng do AirBnB làm chỗ cho thuê ngắn hạn. Nhiều dân địa phương kêu gọi thúc đẩy mô hình “du lịch chất lượng”, yêu cầu du khách tôn trọng dân bản xứ và hạn chế các hành động khiếm nhã như say xỉn, chụp selfie lố lăng, hay các việc làm khinh suất khác.

Joseph Martin Cheer từ Đại học Western Sydney cùng Marina Novelli từ Đại học Nottingham chia sẻ như sau trong bài phân tích gửi đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): “Quá tải du lịch còn là một hiện tượng xã hội.” Theo họ, ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, các đám đông không gây nhiều phiền hà đến vậy. “Điều đó cho thấy kỳ vọng về khoảng không gian cá nhân bất khả xâm phạm giữa các nước là khác nhau.”

Trở lại tháng 01/2024, cơ quan du lịch thuộc Liên Hợp Quốc dự đoán hoạt động du lịch năm nay sẽ vượt kỷ lục năm 2019 khoảng 2%. Đến cuối tháng 3, cơ quan này cho biết đã có 285 lượt du lịch quốc tế diễn ra, cao hơn quý đầu tiên năm 2023 20%. Châu Âu vẫn là điểm đến hút khách nhất. Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) dự báo 142 trong số 185 quốc gia mà tổ chức này theo dõi sẽ lập kỷ lục về du lịch, tạo ra doanh thu 11,1 nghìn tỷ USD và khoảng 330 triệu việc làm.

Nhưng bên cạnh những lợi ích kinh tế trên, nhiều vấn đề cũng dần lộ diện. Tiêu điểm là Tây Ban Nha với tấn bi hài kịch từ quản lý nước, giá nhà đất tăng vọt, cho đến du khách say xỉn gây mất trật tự.

Các cuộc biểu tình bắt đầu mọc lên khắp cả nước. Ở Malaga, có người còn vẽ graffiti kêu gọi du khách nên “cút về hết đi”. Hàng ngàn người tại Quần đảo Canary đồng thanh phản đối các du khách và những công trình du lịch làm quá tải hệ thống cấp nước, đẩy giá nhà lên cao. Còn tại Barcelona, người biểu tình lăng mạ những người được cho là khách du lịch đang ăn uống tại Las Ramblas hay thậm chí xịt nước vào người họ.

Du khách cũng ùn ùn đổ đến Nhật khi đồng yên đang yếu thế và dự kiến nền du lịch xứ sở hoa anh đào cũng lập kỷ lục trong năm 2024 này. Trước tình thế đó, Kyoto cấm khách đến một số con hẻm nhất định. Số lượng khách đến thăm Núi Phú Sĩ cũng bị giới hạn. Và tại nơi ngắm núi tuyệt vời nhất - Fujikawaguchiko - giới lãnh đạo cho dựng tấm bảng đen lớn ở bãi đậu xe nhằm ngăn du khách tụ tập đông đúc. Một số du khách đã “đáp trả” bằng cách khoét lỗ trên bảng ngang tầm mắt.

UNESCO cảnh báo du lịch có thể phương hại tới các khu vực cần được bảo vệ. Trang Fodor tung ra danh sách các địa điểm chịu thiên tai không nên du lịch đến, bao gồm Hy Lạp và Việt Nam, cùng các khu vực gặp tình trạng thiếu nước như California (Mỹ), Ấn Độ, hay Thái Lan.

Một vài “điểm đến ngủ say” chờ dịp “hạ tải du lịch” này bắt đầu “thức giấc”, với các chiến dịch như “Stay Away” của Amsterdam nhắm vào các nam thanh niên trẻ mê tiệc tùng hay “Welcome to MonGOlia” kêu gọi du khách ghé thăm quê hương của Thành Cát Tư Hãn. Được biết lượng khách nước ngoài đến Mông Cổ trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 25% so với năm ngoái.

Bởi ngành du lịch phát triển và biến đổi chóng mặt, nhiều chuyên gia cho rằng “quá tải du lịch” sẽ sớm trở thành cách nói lạc hậu. Michael O’Regan, giảng viên du lịch và sự kiện tại Đại học Glaslow Caledonian, nhận xét cụm từ trên không phản ánh được thực tế rằng trải nghiệm du lịch có tốt hay không phần nhiều dựa vào việc quản lý đám đông có hiệu quả hay không. Quả thật, nhiều người biểu tình không phản đối du khách mà chỉ trích giới lãnh đạo không biết cách để du lịch sinh lời mà còn khiến dân địa phương chịu thiệt.

O’Regan có trả lời phỏng vấn: “Mô hình doanh nghiệp du lịch hiện đại và sự thờ ơ phía chính trị gia đã bị chỉ trích nặng nề. Đúng là các hoạt động đi lại bùng nổ ngoài dự đoán, nhưng du khách không phải là vấn đề. Trước đây các nước đều giành khách du lịch, nhưng giờ có quá nhiều khách thì sao? Các điểm đến phải tiến hành tìm hiểu thêm.”

Người du lịch và dân đón chờ

Vipri Makela, người dân tại Sintra, tiết lộ du khách muốn đến Casa do Valle - quán nghỉ tạm bên sườn đồi gần khu trung tâm do bà làm chủ - mệt mỏi gọi điện cho bà khi không thể tìm được đường đi vì luật giao thông “lộn xộn” ở nơi đây có vẻ thay đổi bất chợt mà không hề báo trước.

Bà chủ trọ người Bồ Đào Nha 36 tuổi giải thích: “Giữa đường có mấy cây cọc chắn nên khách không thể cho xe tiến tới, mà cũng không đủ chỗ cho xe quay đầu nên xe phải từ từ lùi xuống phía sau. Rồi đến con đường chỗ chúng tôi, họ lại gặp biển báo ‘chỉ dành cho xe chuyên dụng’ và các xe này chiếm hết lòng đường.”

Không ai phản đối sự thật rằng đà tăng trưởng du lịch tại Bồ Đào Nha cần được quản lý chặt chẽ hơn. Tháng 4 vừa qua, WTTC dự đoán đến cuối 2024, ngành du lịch sẽ phát triển vượt 24% và tạo ra thêm 126.000 việc làm so với năm 2019, vì vậy chiếm 20% tỷ trọng kinh tế toàn quốc. Giá nhà đất hiện tại đã đẩy cơ hội sở hữu bất động sản ra ngoài tầm với của nhiều dân bản xứ. Một phần nguyên do là các nhà đầu tư nước ngoài, một phần khác là do du khách ngoại quốc đến Bồ Đào Nha tìm kiếm các chỗ thuê ngắn hạn.

Trước tình cảnh đó, Thủ đô Lisbon đã công bố kế hoạch cắt lượng xe tuk-tuk chở du khách trong nội thành và cho xây thêm nhiều bãi đậu tuk-tuk bởi người dân than phiền chúng choáng hết cả đường đi. Còn tại Sintra cách thủ đô 40 phút đi xe lửa về phía Tây, văn phòng thị trưởng sở tại cho biết nhiều bãi đậu xe đã được quy hoạch ngoài thị trấn và một số khu nhà ở thanh thiếu niên cũng đã được xây dựng tại trung tâm với mức giá phải chăng. Được biết mỗi năm có đến 3 triệu khách đến Sintra tham quan các dãy núi hùng vĩ và lâu đài tráng lệ. Từ lâu, thị trấn này đã nổi tiếng với phong cảnh hữu tình và kiểu hình khí hậu dễ chịu.



Du khách tham qua khu vực trung tâm cũ của Sintra hôm 09/8/2024 - Ảnh: Ana Brigida/apnews

Trong email thông báo gần đây gửi từ toà thị chính, số lượng vé vào cổng các di tích lịch sử trong khu vực đã bị giới hạn. Ví dụ như lâu đài Pena Palace từ đầu năm nay đã giới hạn số vé bán hàng ngày xuống dưới 6.000, thấp hơn một nửa lượng vé bán ra trước đây.



Du khách xếp hàng chờ chuyến xe buýt đi thẳng đến lâu đài Pena Palace hôm 14/8 - Ảnh: Ana Brigida/apnews

Một số dân địa phương thành lập QSintra lại cho rằng như vậy là chưa đủ. Tổ chức này đặt mục tiêu gây sức ép để toà thị chính “ưu tiên người dân”, với khởi điểm là truyền thông hiệu quả hơn. Họ còn muốn biết chính phủ liệu có kế hoạch gì đối phó với dự án khách sạn cho khách ở lại qua đêm đang được xây hay không, cũng như có phương án nào giúp hạn chế số lượng xe cộ và khách tham quan.

Phương châm của QSintra là: “Chúng tôi không chống đối khách du lịch mà chỉ lên tiếng về vấn nạn mà lãnh đạo địa phương chẳng thể xử lý.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán