Trang chủ»Du lịch

Du lịch

Quảng trường Đỏ

Được xây dựng ngay phía Đông của điện Kremlin, pháo đài lịch sử Moscow và trung tâm hành chính của Nga, Quảng trường Đỏ sở hữu một số địa danh quan trọng nhất của xứ sở bạch dương. Cuối thế kỷ 15, khi hoàng tử Muscovite Ivan III (Ivan Đại đế) mở rộng điện Kremlin để phản ánh sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow.



Quảng trường Đỏ - Ảnh: www.expresstorussia.com

Quảng trường Đỏ bao gồm Nhà thờ Thánh Basil thế kỷ 16, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cửa hàng bách hóa tổng hợp GUM khổng lồ và lăng mộ của nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin. Trong thế kỷ 20, quảng trường nổi tiếng hơn khi trở thành nơi diễn ra các cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn nhằm thể hiện sức mạnh của Liên Xô.

Nguồn gốc tên gọi Quảng trường Đỏ

Nhiều thành phố thời trung cổ của Nga được xây dựng thành pháo đài hoặc thành trì để chống lại những kẻ xâm lược. Vào năm 1156, cấu trúc ban đầu của điện Kremlin ở Moscow được xây dựng bằng gỗ. Khi sức mạnh và sự giàu có của Muscovite ngày càng gia tăng vào cuối những năm 1400, Hoàng tử Ivan III đã ra lệnh đặt tên cho khu vực là Quảng trường Đỏ, lúc đó là một khu ổ chuột hoặc khu nhà ở của nông dân nghèo và tội phạm. Ivan Đại đế đã xây dựng Kremlin trở nên lộng lẫy nhất và giao cho các kiến trúc sư người Ý xây dựng các bức tường và công trình bằng đá kiên cố như Nhà Thờ Đức Bà Assumption (hay còn gọi là Cathedral of the Dormition).



Điện Kremlin - Ảnh: www.moscovery.com

Tên gọi Quảng trường Đỏ hoàn toàn không liên quan đến màu đỏ thẫm của tòa nhà cũng như màu đỏ đại diện của Đảng Cộng sản. Trong những ngày đầu, Quảng trường Đỏ được gọi là Quảng trường Trinity, nhằm vinh danh Nhà thờ Trinity trong thời cai trị của Ivan III. Tuy nhiên, từ thế kỷ 17 trở đi, người Nga bắt đầu gọi quảng trường bằng tên hiện tại của nó “Krasnaya Ploschad”. Tên này có nguồn gốc từ chữ “krasnyi”, có nghĩa là đẹp trong tiếng Nga cổ và sau này có nghĩa là màu đỏ.

Trung tâm đời sống của nước Nga

Nga hoàng Ivan IV đã ra lệnh xây dựng một nhà thờ tại cuối phía đông nam Quảng trường Đỏ năm 1554 để vinh danh việc ông chiếm được thành trì của người Mông Cổ ở thành phố Kazan. Mặc dù được đặt tên chính thức là Church of the Intercession nhưng nhà thờ này được biết đến nhiều hơn với tên gọi Cathedral of St. Basil the Blessed (hay gọi tắt là St. Basil’s Cathedral) vì sự liên kết của nó với một nhà tiên tri nghèo đã báo trước trận hỏa hoạn ở Moscow năm 1547. Hiện tại, St. Basil’s Cathedral vẫn là một trong những tòa nhà dễ nhận biết nhất ở Nga.



Nhà thờ Thánh Basil - Ảnh: www.rbth.com

Qua nhiều thế kỷ, Quảng trường Đỏ được xem như là một thị trường trung tâm cũng như là nơi gặp gỡ của nhân dân Muscovite. Quảng trường đã chứng kiến vô số bài phát biểu, các cuộc diễu hành và họp mặt quy mô lớn. Các Nga hoàng sẽ đến quảng trường để gửi thông điệp hàng năm của họ cho người dân. Đây cũng là nơi xử tử những người có ý muốn chống đối hoàng gia (đặc biệt là dưới triều đại của Ivan và Peter Đại đế).

Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán