Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Bộ não con người và quá trình học tập

1. BA TRỤ CỘT CỦA NÃO BỘ

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bộ não con người được phân chia thành nhiều khu vực như ý thức, tiềm thức vô thức. Đó cũng là 3 yếu tố chính cấu thành nên tâm lý con người về mặt logic. Trí óc của chúng ta giống như một tảng băng trôi, phần chúng ta có thể nhìn thấy được là ý thức, và một phần rất lớn chìm sâu dưới nước mà chúng ta không thể thấy được là tiềm thứcvô thức. Nhưng cái phần không nhìn thấy được này lại chịu trách nhiệm với hầu hết những gì chúng ta đạt được trong cuộc sống, kể cả niềm vui, hạnh phúc và nỗi buồn. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những khái niệm này.



Ý thức, tiềm thức và vô thức

1.1. Ý thức là phần suy nghĩ dựa trên lập luận logic của bạn, nó là thứ giúp cho loài người trở nên khác biệt với các loài động vật khác, là thứ giúp bạn đưa ra những quyết định dựa trên những quy tắc bạn học được từ cuộc sống và phản kháng lại những điều sai lệch với những quy tắc này. Khi sinh ra về cơ bản chúng ta chưa có ý thức mà ý thức được đưa dần vào não bộ trong suốt cuộc đời chúng ta thông qua học tập và trải nghiệm. Ý thức là những gì mà người ta có thể nhận ra như vui, buồn, cáu gắt, ham muốn, yêu, ghét...

Ý thức chỉ thể hiện được khoảng 1/6 khả năng trí tuệ của một người. Nó là phần bên ngoài nhìn thấy được của bộ não hay còn gọi là phần sân khấu – trong IT phần này còn được gọi là màn hình.

Tiềm Thức và Vô Thức

Trong bộ não con người, nếu ý thức được coi như phần sân khấu thì tiềm thức và vô thức là phần hậu trường. Phần này chiếm đến 5/6 khả năng trí tuệ của một người. Có nhiều người cho rằng tiềm thức và vô thức là một, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra giữa chúng vẫn có những sự khác biệt nhất định.

1.2. Tiềm thức là những phần tâm trí nằm bên dưới của bộ não mà bình thường bạn không thể nhận ra được, chúng kiểm soát các hoạt động để duy trì sự sống của chúng ta như việc hít thở không khí hay những cảm xúc ưu tư, khát vọng, sợ hãi, ước muốn... hoặc những kiến thức được tích tụ từ rất lâu của chúng ta. Tiềm thức được ẩn giấu sâu bên trong mỗi con người và thường thì chúng ta không thể tự nhận thức được chúng mà phải nhờ một người khác hay chỉ nhận biết chúng qua những hành động bất thường của ta. Nhưng khi chúng ta cần thì những phần tâm trí này vẫn có thể xuất hiện trên sân khấu của ý thức như là việc nhớ lại một thứ gì đó mà chúng ta đã quên từ lâu rồi. Tiềm thức hoạt động giống như một cỗ máy được lập trình, nó không cần biết đúng sai mà chỉ làm theo những gì nó được hướng dẫn, nhưng nó cũng là cánh cửa mở ra những khả năng vô hạn của con người. Trong IT phần tiềm thức này tương đương với chức năng của RAM.

Còn vô thức là phần tối tăm, bị chôn vùi sâu nhất trong não bộ của chúng ta, dù có làm cách nào cũng không thể lôi vô thức ra để nhìn thấy được. Trong IT phần này được gọi là bộ nhớ.

1.3. Vô thức là những quá trình xảy ra trong tâm trí của con người, xảy ra một cách tự động, không thể dùng ý chí để điều khiển. Nó bao gồm các quá trình tư duy, trí nhớ, và các động cơ tiềm ẩn. Hiện tượng chiêm bao (hay những giấc mơ) là những hoạt động vô thức của tâm hồn. Vô thức nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát được bằng các trắc nghiệm.

2. HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ NÃO

2.1. Ý thức kiểm duyệt và kiềm chế hành vi thúc đẩy bởi vô thức

Khi mắt chúng ta nhìn thấy một món hàng quý giá thì vô thức luôn thôi thúc, xúi dục chúng ta đánh cắp để chiếm đoạt món hàng đó bỏ vào túi bất chấp có bị bắt hay không. Hành vi thúc đẩy bởi vô thức còn gọi là hành vi theo bản năng. Nếu chúng ta có ý thức tức chúng ta dựa trên những quy tắc học được từ nhà trường và cuộc sống để biết rằng hành vi đánh cắp món hàng đó là sai thì ý thức buộc chúng ta bỏ ngay ý định bất chính đó. Một thí dụ khác là khi bạn đang làm việc tại công ty và cảm thấy đói bụng khiến bạn muốn đi ra ngoài để mua thức ăn. Nhưng nhờ ý thức được trách nhiệm của mình và những hậu quả có thể xảy ra nếu mình bỏ ngang công việc để đi ăn khiến chúng ta ngồi lại và tiếp tục làm việc. Thế thì vô thức thôi thúc chúng ta thỏa mãn dục vọng cho bản ngã (bản năng), nhưng ý thức giúp ta nhận thức thế nào là đúng, thế nào là sai.

2.2. Vô thức là nền tảng của ý thức

Nhiều nhà nghiên cứu đã có cùng quan niệm rằng phần lớn tư duy của con người được bắt đầu từ vô thức bởi vì vô thức là nền tảng của ý thức. Trong đó, biết bao kinh nghiệm, ký ức, tiềm năng đã được chất chứa trong cái kho vô thức. Họ lý luận rằng vô thức bao giờ cũng có trước vì đó là tiềm năng bẩm sinh mà ai cũng có, nhưng vấn đề là nó có được đánh thức hay không và đánh thức ở mức độ nào. Vì vậy, ý thức là cái có sau, được hình thành qua quá trình sống và phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh môi trường của cuộc sống. Sau cùng, các nhà phân tâm lý học kết luận rằng “Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong hai đều dẫn tới tư duy què quặt. Nhưng quan trọng nhất là vô thức đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sáng tạo của con người, góp phần tạo nên các thiên tài, vĩ nhân, thần đồng trong mọi lãnh vực từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, khoa học cho đến tâm linh…

Trẻ em phần lớn sống bằng vô thức, rồi lớn lên thì ý thức đóng góp dần dần vào tiến trình tư duy của các em. Khoa học lý luận rằng vô thức đã có từ khi con người còn nằm trong bụng mẹ. Vì thế khi sinh ra có những người rất giỏi về nhiều bộ môn khác nhau là như vậy. Khi lớn lên chúng ta đi học và có thêm nhiều ý thức, những ý thức đó dần trở thành vô thức thông qua các hoạt động lặp đi lặp lại từ lúc nào không biết.

2.3. Ý thức và vô thức chuyển hoá lẫn nhau

Nhiều trẻ nhỏ thường đòi cha mẹ mua cho những món đồ chơi bằng được. Nếu không thì chúng giận dỗi, khóc lóc… Như vậy hành động đòi mua quà của trẻ nhỏ là vô thức bởi vì nó không thể ý thức được hành vi của nó mà chỉ muốn thỏa mãn bản ngã lúc đó mà thôi. Nhưng khi lớn lên, nó ý thức được vấn đề, biết lý do vì sao nó thích món đồ đó và biết cân nhắc có nên mua hay không.

Do vậy, giữa ý thức và vô thức không có một ranh giới rõ ràng nào cả. Chúng luôn chuyển hóa lẫn nhau.

2.4. Tiềm thức và ý thức hoạt động đan xen nhau  

Các nhà khoa học đã tính toán được thời gian ra quyết định của ý thức là 25/1.000 giây, thời gian ra quyết định của tiềm thức là 7/1.000 giây. Ta có thể thấy tiềm thức quyết định nhanh gấp 4 lần ý thức và nó chiếm 80% quyết định của chúng ta hàng ngày.

Đối với mỗi người, tiềm thức chứa một sức mạnh rất lớn, nó là toàn bộ những thói quen của chúng ta. Từ nhỏ đến lớn chúng ta quan sát và học hỏi hành động của những người xung quanh chúng ta và biến những thứ quan sát và học hỏi được thành những thói quen mà sau này chúng ta cũng sẽ hành động giống như họ thông qua thói quen của mình. Bởi đơn giản là chúng ta sao chép họ.

Một ví dụ cho thấy tiềm thức chiếm 80% quyết định của chúng ta là khi chúng ta khát nước và não bộ ra quyết định chúng ta cầm cốc nước để uống. Ra quyết định cầm cốc nước để uống là ý thức quyết định để giải quyết vấn đề khát nước. Thế nhưng quá trình cầm cốc nước để uống lại là cả một quá trình ra quyết định tiếp thu phản hồi và chỉnh sửa liên tục của tiềm thức. Bạn cứ thử nghĩ xem tại sao bạn lại đưa được cốc nước lên miệng mà không cần phải suy nghĩ và quá trình này xảy ra rất nhanh. Để hiểu được điều này bạn cứ thử nhắm mắt và cầm cốc nước uống xem. Để thấy đó là cả quá trình chúng ta đưa tay ra cầm cốc nước và mắt chúng ta liên tục quan sát để làm sao giúp não bộ điều chỉnh cho cánh tay đưa ra chính xác hướng cốc nước để cầm và sau đó là cả quá trình quan sát từ mắt và điều chỉnh của não bộ để đưa cốc nước lên miệng chúng ta. Cái hay là não bộ của chúng ta phải xử lý rất nhiều nhưng chúng ta gần như không hề cảm nhận được nó hay nói chính xác phần ý thức của chúng ta không hề cảm nhận được quá trình đó. Bởi tất cả là do phần tiềm thức đảm nhiệm.

Từ đây chúng ta có thể thấy tiềm thức và ý thức trong một tình huống cụ thể có thể hoạt động đan xen nhau. Nhưng không bao giờ tham gia hoạt động cùng nhau. Khi ý thức hoạt động thì tiềm thức học hỏi chứ không tham gia cùng. Và khi tiềm thức hoạt động thì ý thức có thể nghỉ ngơi giám sát tiềm thức hoặc suy nghĩ về một vấn đề hoặc một tình huống khác.

Có thể nói cơ chế hoạt động của tiềm thức là: Tất cả những gì bạn từng trải qua, từng được nghe, thấy, ngửi,... (dù chỉ một lần), hay là những cảm xúc,... đều được não bộ ghi nhớ hay nói cách khác: tiềm thức ghi nhớ tất cả những trải nghiệm của cuộc đời chúng ta. Những gì chúng ta đã từng nhìn thấy, cảm nhận hay những việc chúng ta đã từng làm - những điều tốt và xấu, những niềm vui và nỗi đau. Tất cả đều được lưu trữ trong tiềm thức. Chúng ta cũng có thể tìm được trong ngân hàng ký ức khổng lồ này những niềm tin, quan điểm và truyền thống văn hóa của mình.

Như vậy sẽ rất nguy hiểm nếu như tiềm thức của chúng ta học được một cái gì đó không tốt bởi nó hoạt động mà gần như chúng ta không thể ý thức được. Rất tồi tệ nếu như chúng ta đang làm gì đó xấu mà chúng ta lại không ý thức được chúng ta đang làm nó.

Bài học rút ra là: Tiềm thức của chúng ta có một sức mạnh rất lớn tuy nhiên nó lại tiếp thu một cách không có chọn lọc. Thế nên chúng ta phải chọn lọc những thông tin, niềm tin, giá trị tích cực cho não bộ của chúng ta. Và tránh xa những thứ tiêu cực.

3. BỘ NÃO CON NGƯỜI VÀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP

Ai cũng biết chúng ta học tập thông qua bộ não của mình và ba trụ cột chính của bộ não là ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong đó, ý thức là những hoạt động có tổ chức của bộ não. Với ý thức, bạn có thể chấp nhận hay phản kháng lại bất kỳ ý tưởng nào. Ý thức là nhỏ bé và chỉ thể hiện được khoảng 1/6 khả năng trí tuệ của một người. Ý thức tạo ra trí nhớ ngắn hạn (khoảng 20 giây) và có khả năng xử lý từ 1 đến 3 sự việc cùng một lúc. Ý thức có khả năng xử lý trung bình 2.000 mẩu thông tin mỗi ngày. Khác với ý thức, tiềm thức là những hoạt động theo thói quen của bộ não. Tiềm thức chấp nhận ý tưởng hay sự việc một cách không phê phán. Tiềm thức hiện diện thường xuyên và vô tận. Tiềm thức tạo ra trí nhớ dài hạn và có khả năng xử lý hàng nghìn sự việc cùng một lúc. Tiềm thức có khả năng xử lý trung bình 4 tỷ mẩu thông tin mỗi ngày. Vô thức là những hoạt động theo bản năng của bộ não, được thừa hưởng từ tổ tiên (gen di truyền). Vô thức là nguồn năng lượng vạn năng thúc đẩy và điều khiển mọi hoạt động của con người. Hình ảnh trong vô thức có thể có cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng chúng liên kết với nhau không theo quy luật hiện thực nào cả.

Có thể nói: Ý thức là loại phương tiện chậm chạp và cồng kềnh hơn nhiều so với tiềm thức. Tiềm thức có thể đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn đến, giúp chúng ta đạt được mục tiêu trong cuộc sống của mình một cách dễ dàng hơn so với ý thức. Còn vô thức thông qua sự quên giúp giảm sự quá tải trong đầu óc, trong việc xử lí thông, tin tức có khối lượng rất lớn diễn ra hàng ngày, lặp đi lặp lại mà vẫn đảm bảo độ chính xác, tránh căng thẳng, mệt mỏi đầu óc. Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là phải làm sao sử dụng được phần lớn nguồn sức mạnh trong tiềm thức và vô thức để phục vụ cho quá trình học tập, phục vụ cho lợi ích của bản thân.

3.1. Học tập bằng ý thức

Thông qua ý thức chúng ta biết được rằng quá trình học tập là cần thiết, là quan trọng đối với mỗi con người. Học tập giúp chúng ta có kiến thức, kỹ năng… giúp chúng ta phát triển bản thân, có bằng cấp, có việc làm, ổn định kinh tế và có đời sống tốt hơn. Từ ý thức về học tập của bản thân từng người, các bậc cha mẹ đến ý thức của xã hội rộng lớn, chúng ta đã quyết định chọn con đường học tập là con đường bắt buộc đối với mọi người. Tập hợp của những người học tập bằng ý thức đã tạo nên một xã hội học tập như ngày nay mà mỗi chúng ta là một thành viên trong xã hội học tập này. Chúng ta đến trường lớp từ khi còn nhỏ, học tập bằng ý thức, duy trì và kéo dài việc học cho đến hết bậc học phổ thông, sau đó là cao đẳng, đại học, cao học và thậm chí nghiên cứu ở bậc tiến sỹ.

Học tập bằng ý thức trong một thời gian dài có thể làm cho người học không hứng thú với việc học, học theo kiểu đối phó, bỏ bê việc học, chán ghét việc học… và tỷ lệ thành công từ việc học là không cao. Câu hỏi ở đây là tại sao vậy?   

Câu trả lời khá đơn giản vì chúng ta học tập bằng ý thức mà ý thức thì nhỏ bé và xử lý chậm chạp với công suất thấp nên việc học lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, căng thẳng, mệt mỏi…

3.2. Học tập bằng tiềm thức

Học tập bằng tiềm thức là việc sử dụng thói quen để học tập. Cách học này không gây quá tải, căng thẳng, mệt mỏi… như học bằng ý thức. Để thực hiện cách học này, bạn hãy sử dụng lời nói, âm thanh, hình ảnh, sự vật, sự kiện… liên quan đến những điều muốn dạy và học và lặp đi lặp lại thường xuyên, liên tục cho đến khi tiềm thức của người học tiếp nhận điều đó như một thói quen và kết quả đạt được thật mỹ mãn mà người học cũng không ý thức được rằng mình đang học. Ví dụ: nếu bạn muốn một đứa bé có thể hát được một bài hát bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì bạn hãy hát cho đứa bé nghe hoặc mở ti vi cho đứa bé xem và nghe bài hát đó thường xuyên, liên tục cho đến khi đứa bé có thể hát rất đúng và rất hay bài hát đó mà bản thân bé cũng không biết mình học hát khi nào.

Bằng cách học này chúng ta có thể giải thích vì sao ở các nước phát triển việc lái xe ô tô quá dễ dàng đối với mọi người. Vì khi em bé còn trong bụng mẹ, em đã cùng mẹ đi xe ô tô. Khi sinh ra em cũng nhìn thấy xe ôtô rất sớm và thường xuyên tiếp cận, sử dụng cho đến khi em lớn lên. Đến lúc trưởng thành em bé đó có thể lái xe ô tô một cách dễ dàng mà không cần đi học ở trường lớp nào vì em đã học lái xe, sử dụng xe qua tiềm thức hay thói quen từ rất lâu rồi.

Ví dụ khác là ở Việt Nam, nhiều sinh viên theo học ngành kinh doanh ở các trường đại học với tỷ lệ thành công trong kinh doanh sau khi tốt nghiệp không cao bằng những người có gia đình kinh doanh, buôn bán, cha mẹ là doanh nhân, tiểu thương vì những người này nhìn thấy, nghe thấy, tiếp cận việc kinh doanh, buôn bán, tính toán hàng ngày trong nhiều năm liền.

Mặt hạn chế của việc học bằng tiềm thức là người học tiếp nhận tất cả những gì xảy ra xung quanh mình mà không hề phê phán, chọn lọc nên họ có thể học được cái tốt cùng với cái không tốt trong cuộc sống. Để khắc phục hạn chế này, trong thực tế nhiều phụ huynh đã cố gắng tìm kiếm những môi trường học tập tốt cho con em mình kể cả các trường học tiên tiến trên thế giới. Trong gia đình, nếu bạn muốn con bạn biết hiếu thảo, hoà thuận, yêu thương thì chính bạn hãy thể hiện sự hiếu thảo, hoà thuận, yêu thương thông qua hành động thường ngày. 

3.3. Học tập bằng vô thức

Nếu như học tập bằng ý thức gây khó khăn và xác suất thành công không cao thì học tập bằng tiềm thức dễ dàng hơn và cũng dễ thành công hơn. Bên cạnh đó chúng ta còn có một cách học độc đáo hơn nữa đó là cách học thông qua vô thức hay học qua gen di truyền. Lấy ví dụ khi bạn muốn con mình giỏi tiếng Anh thì bạn có thể chọn một trong ba cách sau:

  1. Học tiếng Anh theo cách như đa phần chúng ta đã học, học từ nhỏ đến lớn, học đến sợ tiếng Anh, chán ghét tiếng Anh mà vẫn chưa giỏi tiếng Anh. Đó là cách học tiếng Anh qua ý thức.
  2. Học tiếng Anh theo cách cho đứa bé vào trường tiểu học quốc tế, trung tâm ngoại ngữ quốc tế hay gởi đứa trẻ qua định cư ở các quốc gia sử dụng tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc… Đây là cách học tiếng Anh qua tiềm thức.
  3. Học tiếng Anh qua gen bằng cách kết hôn với người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ và đứa bé sinh ra sẽ nói tiếng Anh một cách tự nhiên, lưu loát mà không cần học.

Học tập bằng vô thức là cách học quá dễ dàng và không tốn kém. Nếu bạn muốn con bạn có tố chất tốt thì chỉ cần bạn có tố chất tốt và truyền cho con qua gen. Cách học tập này giải thích được lý do tại sao người ta lại chọn lựa những người thông minh, xinh đẹp, cao ráo, nhanh nhẹn, giỏi giang, khéo léo… để kết hôn hay cưới dâu, kén rể. Vì họ muốn con cháu họ khi sinh ra có được những tố chất tốt đẹp đó qua gen.

Tóm lại: Có ba hình thức học tập tương ứng với việc sử dụng ba trụ cột chính của bộ não con người là ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong đó, học tập bằng ý thức là hình thức học tập khó khăn, cực nhọc và tỷ lệ thành công không cao. Hình thức học tập bằng ý thức là hình thức học tập dành cho số đông người học. Học tập bằng tiềm thức là hình thức học tập dễ dàng hơn và dễ thành công hơn cách học bằng ý thức. Hình thức học tập bằng tiềm thức là hình thức học tập dành cho những người khôn ngoan. Còn học tập bằng vô thức là hình thức học tập quá dễ dàng và không tốn kém. Hình thức học tập bằng vô thức là hình thức học tập dành cho những người thông minh sáng suốt.

Th.S Nguyễn Văn Mỹ
(Tổng hợp)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán