Tuy giới chức Iran từng nhiều lần bác bỏ thông tin nước này bị chảy máu chất xám, Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu, và Công nghệ Hossein Simaee Saraf mới đây thừa nhận 25% giáo sư Iran đã di cư trong những năm gần đây, cho rằng con số trên “rất đáng quan ngại”.

Ảnh: Thông tấn xã FARS
Trong một buổi họp mặt quân đội Basij, Simaee Saraf tiết lộ số lượng lớn giáo sư di cư “chính là lý do chất lượng đại học và học lực của sinh viên ngày càng giảm sút”.
Một nhà chức trách khác sau đó đính chính với Thông tấn xã Sinh viên Iran (ISNA) rằng trong 2-5 năm qua, hầu hết các giảng viên rời trường đại học hay trung tâm nghiên cứu trực thuộc bộ là những người trẻ tuổi, và “một vài người trong số họ đã di cư”.
Theo Simaee Saraf, nếu xu hướng này tiếp diễn, “thế hệ giáo sư thay thế có thể kém hơn về năng lực” so với những người đã dứt áo ra đi. Trước đó vào tháng 9, Bộ trưởng cũng đã xác nhận vấn đề giảng viên di cư tại buổi gặp mặt với hiệu trưởng các trường đại học đầu năm học.
Tờ Jam-e Jam, cơ quan ngôn luận của Đài phát tin Cộng hoà Hồi giáo Iran trực thuộc chính quyền Iran, có đăng bài báo khẳng định xu hướng giáo sư đại học di cư sang nước khác vẫn chưa đến “mức khủng hoảng” vào tháng 9/2023, đúng lúc làn sóng biểu tình phản đối quyết định đóng cửa hàng loạt trường đại học nổ ra.
Rouhollah Dehghani Firouzabadi, Phó Chủ tịch Tổ chức Kinh tế Dựa trên Khoa học, Công nghệ, và Tri thức tại Iran, cũng nhận xét dữ liệu di cư “chẳng có gì đáng báo động” vào tháng 11/2023. Song, thực tế là tính đến thời điểm đó, hàng nghìn chuyên viên y dược đã rời Iran.
Theo Hossein-Ali Shahriari, Trưởng ban y tế tại Nghị viện Iran, trong 2 năm trở lại đây, gần 10.000 y bác sĩ Iran đã nộp đơn xin chứng nhận hành nghề - quy định bắt buộc cho nhân viên y tế tại một số quốc gia mà những người trên nhắm đến. Song, Tổng thống Ebrahim Raisi cho rằng xu hướng y bác sĩ di cư có thể “đảo ngược” và “các vị trí trong mơ” vẫn rộng cửa chờ họ trở về.
Tháng 02/2024, Mohammad-Reza Zafarghandi, Tổng Bí thư Hội đồng Y tế Iran, công bố 80% sinh viên y khoa tại Iran ấp ủ dự định rời quê hương.
Lộ tẩy vì xếp hạng quốc tế
Thống kê chính thức cho thấy trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, hơn 6 triệu người Iran đã di cư sang nước khác. Theo Thông tấn xã Rokna trực thuộc chính phủ, trong số trên có 40% là người có bằng cấp cao học trở lên và số lượng phụ nữ di cư có trình độ học vấn cao “tăng đáng kể”.
Một giảng viên giấu tên tại Thủ đô Tehran nhận định: “Khi xếp hạng quốc tế được công bố, chính quyền không thể tiếp tục giấu nhẹm chuyện người có học thức đổ xô ra nước ngoài và tỷ lệ giảng viên-sinh viên đại học ngày càng sụt giảm, bởi đây là nhân tố quan trọng được cân nhắc khi xếp hạng. Giờ là lúc cần giải trình.”
Yousef Hojjat, Quyền Hiệu trưởng Đại học Tarbiat Modares tại Tehran, cho rằng tất cả đại học Iran bị tụt hạng là do “uy tín tài chính thấp”. Ông dẫn xếp hạng Shanghai Rankings 2024 vừa được công bố vào tháng 11 làm cơ sở.
Trên bảng xếp hạng này, Đại học Tehran thuộc ngưỡng 301-400 năm 2022, nhưng trượt xuống ngưỡng 401-500 trong 2 năm 2023 và 2024. Hai trường top đầu khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đại học Công nghệ Sharif từ ngưỡng 601-700 rơi xuống 701-800; còn Đại học Công nghệ Amirkabir từ 601-700 lọt thẳng xuống ngưỡng 901-1000.
Lý do kinh tế
Rahman Zandi, Phó giáo sư đang công tác tại Đại học Isfahan, trả lời phỏng vấn tờ Resalat: “Vấn đề giáo sư di cư không mới nhưng ngày càng hiển hiện vì sinh kế của họ ngày càng gặp nhiều vấn đề.”
Phát biểu công khai vào ngày 22/11 vừa qua, Simaee Saraf nêu các vấn đề “nghề nghiệp, kinh tế và chính trị - xã hội” là nguyên nhân thúc đẩy di cư, nhấn mạnh kinh tế là lý do chính khiến nhiều giáo sư chọn rời quê hương. Bộ trưởng sau đó còn nói: “Một vài người thật sự không muốn nhưng tình thế buộc phải di cư.”
Ông chỉ ra thu nhập của giáo sư “ở các nước láng giềng” dao động trong khoảng 4.000-7.000 USD trong khi giáo sư chính quy tại Iran chỉ nhận được 1.000 USD. Vài giáo sư trẻ còn phải cam chịu mức lương 300 USD/tháng.
Simaee Saraf giải thích trong khi các giáo sư có thâm niên không có động lực rời Iran, những giáo sư, giảng viên trẻ tuổi hơn vì áp lực cơm áo gạo tiền mà phải tìm kiếm các cơ hội khá khẩm hơn ở nước ngoài. Theo ông, để giải quyết não trạng này, bộ của ông đã lập ra đội đặc nhiệm chuyên trách các vấn đề kinh tế, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo nhà ở cho giới học thuật.
Thanh trừng và bạo loạn
Trong khi Bộ trưởng nhấn mạnh kinh tế là nguyên nhân chính yếu đằng sau xu hướng giáo sư di cư và các trường đại học danh tiếng đồng loạt tụt hạng, một số giảng viên Iran giấu tên đã chỉ ra cuộc thanh trừng giới học thuật năm học 2022-2023 cũng là một lý do. Tháng 9/2022, sinh viên Mahsa Amini bị bắt vì vi phạm luật đội hijab và tử vong trong lúc bị phía cảnh sát giam giữ. Cái chết đáng ngờ của cô châm ngòi cho bạo loạn tại nhiều cơ sở đại học, kéo theo đó là nhiều giảng viên bị liên luỵ do ủng hộ sinh viên biểu tình.
Tháng 9/2023, tờ Etemad theo khuynh hướng cải tổ quốc gia công bố danh sách 52 giáo sư bị cách chức tại các trường đại học công lập, cho thấy chuỗi sa thải giảng viên bắt đầu dưới thời Raisi năm 2021 và kéo dài qua đợt bạo loạn 2022 vẫn tiếp diễn.
Nhiều giảng viên cũng đã bị đình chỉ. Thời gian gần đây, mặc dù chính quyền Iran công khai ngưng đình chỉ một vài giáo sư, nhiều người vẫn không thể quay lại giảng đường vì phải đối mặt với những cáo buộc liên đới bạo loạn năm học 2022-2023.
Xu hướng giáo sư di cư bùng lên đúng lúc Iran chật vật với nền kinh tế lao dốc đồng thời bị các nước phương Tây trừng phạt vì chương trình hạt nhân của mình. Trong 4 năm qua, mức lạm phát lúc nào cũng vượt trên 40%. Căng thẳng địa chính trị và lo ngại hành động chống lưng cho các thế lực bài trừ Israel và chống Mỹ trong khu vực sẽ đẩy Iran vào hỗn chiến cũng là 2 trong số rất nhiều lý do người dân ngày càng cảm thấy bất an về tình hình kinh tế - chính trị trong nước.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)