Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Đề xuất trường y Hồng Kông đào tạo “thế hệ y sĩ mới” rành công nghệ

Bà Diệp Ngọc Như, nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về chứng Alzheimer hiện đang là Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, bày tỏ hy vọng “thế hệ y sĩ mới” sẽ phần nào giải quyết được “cơn khát” y bác sĩ tại địa phương.



Bà Diệp cho rằng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ - Ảnh: Jonathan Wong

Theo Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), các y bác sĩ được đào tạo tại trường y thứ ba mở tại thành phố này sẽ thuần thục công nghệ và đủ khả năng tiến hành nghiên cứu lâm sàng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ưu việt.

Bà Diệp phát biểu về nguyện vọng của mình khi được hỏi về kế hoạch xây dựng trường y mới: “Chúng ta cần những y bác sĩ tích cực vận dụng các công nghệ mới để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.”

Bà cho rằng với sự phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI), thế giới dần tiến đến Cách mạng công nghệ 5.0 - khi con người bắt tay làm việc với công nghệ bậc cao, vì vậy mà lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ cũng chịu ảnh hưởng.

Chẳng hạn trong tương lai, robot có thể được lập trình để thực hiện phẫu thuật, AI được dùng để theo dõi biến thể mới của virus, hay các kỹ năng mới sẽ giúp phát triển nhiều thiết bị, công cụ y tế hơn. Về mặt nghiên cứu, các y bác sĩ cũng có thể sử dụng công nghệ để xác định các công thức phân tử làm cơ sở phát triển thuốc mới.

Bà Diệp giải thích: “Chúng tôi muốn các thế hệ bác sĩ về sau nắm trong tay kiến thức cơ bản về kỹ thuật, AI, phân tích dữ liệu lớn… Vì vậy, quan trọng nhất là tích hợp những nội dung trên vào chương trình học, từ đó ta mới đào tạo được các bác sĩ sẵn sàng cho thử thách tương lai.”

Sở hữu các kỹ năng trên, sinh viên tốt nghiệp trường y cũng có thể tiến hành các nghiên cứu lâm sàng. Đây là chìa khoá giúp Hồng Kông trở thành trung tâm phát triển y sinh học - một trong những mục tiêu Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu phát biểu trong buổi công bố chính sách hồi tháng 10/2023.

Dẫn một nghiên cứu sử dụng dữ liệu tại Anh về tác động của tiến bộ khoa học đối với nền kinh tế, bà Diệp tin tưởng tiến hành các đợt thử nghiệm lâm sàng cũng giúp Hồng Kông thu về lợi nhuận gấp 8 lần khoản đầu tư đã bỏ ra.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để có được những giáo sư, giảng viên chất lượng cho ngôi trường mới khi lực lượng tại Hồng Kông vốn rất thiếu hụt, bà Diệp cho hay tiến trình tuyển dụng “đang diễn ra” và “có rất nhiều triển vọng”. Bà cũng tiết lộ kế hoạch hợp tác với một trường y ở Châu Âu, vốn được công bố vào tháng 2 vừa rồi, vẫn còn trong giai đoạn thảo luận.

Được biết đầu tháng 5/2024, HKUST ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Bệnh viện Thiên Đàn Bắc Kinh nhằm “chung tay bồi dưỡng các tài năng y dược tiên tiến có chuyên môn về nghiên cứu và các hoạt động lâm sàng”. Một trong những nội dung hợp tác chính yếu là sử dụng AI dự đoán tiến trình phục hồi của bệnh nhân điều trị u thần kinh đệm, một dạng u não.



Bà Diệp (ở giữa, áo hồng) trong buổi ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa HKUST và Bệnh viện Thiên Đàn Bắc Kinh - Ảnh: HKUST)

Bà Diệp hy vọng lần hợp tác này không những giúp trường nắm bắt rõ hơn nhu cầu giới y khoa hiện tại và được trực tiếp lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, mà còn thắt chặt quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Theo bà, HKUST sắp triển khai nhiều chiến lược hợp tác tương tự hơn, tin rằng Hồng Kông sẽ thu hút đủ nhân tài để trở thành trung tâm y sinh như kế hoạch.

Bà cho biết trường mới hiện đã tuyển được 70 giảng viên, bao gồm nhiều học giả có tiếng, nhờ chiến lược tuyển dụng thực hiện khoảng một năm trước. Bà giải thích: “Hồng Kông là một thành phổ quốc tế đáng sống. Những ai đến đây đều cảm thấy họ có thể tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, bất kể ở môi trường học thuật hay môi trường doanh nghiệp.”

Bà Diệp còn đề xuất xây dựng cơ sở tích hợp AI với khoa học sự sống tại Khu Lạc Mã Châu gần biên giới Trung Quốc đại lục, cũng là nơi Khu Công nghệ cao Hồng Kông - Thâm Quyến toạ lạc.

Theo bà: “Khu vực Vịnh Lớn đã có cơ sở hạ tầng vững chắc, có các nhà nghiên cứu tài ba với tầm hiểu biết sâu rộng ở cả lĩnh vực y khoa lẫn công nghệ, có các trung tâm nghiên cứu trọng điểm quốc gia. Vị thế của Hồng Kông tại vùng này cũng rất đặc biệt, như là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục với phần còn lại của thế giới.”



Bức ảnh chụp khuôn viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), cơ sở Vịnh Thanh Thuỷ - Ảnh: May Tse

Được biết Hồng Kông đã tiến hành nghiên cứu về chăm sóc sức khoẻ kết hợp AI và robotics với hai cụm InnoHK chuyên về hai mảng này tại Công viên Khoa học ở Sa Điền năm 2020. Bà Diệp nói: “Vậy là chúng ta đã có những trung tâm sẵn sàng hoạt động, không cần phải làm lại từ đầu. Hạ tầng vững chắc là đây, tất cả những phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu này.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán