Kết quả điều tra nhận định những cá nhân khác trong phòng thí nghiệm của Marc Tessier-Lavigne mới phạm lỗi, song ông đáng lẽ phải “quyết đoán” hơn trong việc đính chính lỗi sai.
Marc Tessier-Lavigne - Ảnh: Carolyn Fong/Redux
Kết quả điều tra hôm 19/7 cho thấy Hiệu trưởng Đại học Stanford - Marc Tessier-Lavigne không có dính líu đến vụ bê bối nghiên cứu, song ông vẫn từ chức vào tháng 8. Trước đó, 4 bài báo của ông được cho là có dấu hiệu thao túng dữ liệu.
Cuộc điều tra do Hội đồng Quản trị Stanford tổ chức cho thấy nhà khoa học thần kinh nổi tiếng “đã không quyết đoán và mạnh tay sửa chữa lỗi sai khoa học trong những bài báo công bố” khi có người chất vấn các lỗi này. Báo cáo điều tra còn chỉ trích ông đã tạo ra môi trường phòng thí nghiệm dung túng những hành vi thiếu liêm chính trong việc xử lý dữ liệu.
Trong thông cáo ngày 19/7, Tessier-Lavigne có nói báo cáo “hoàn toàn phủ nhận những cáo buộc rằng tôi đã gây ra nhiều sai phạm và cố ý làm giả cũng như bao che lỗi lầm khi còn làm việc cho Genetech”. Mặc dù vậy, tác giả với nhiều giải thưởng và thành tựu trong nghiên cứu y học từ sự phát triển của tủy sống cho đến chứng Alzheimer vẫn sẵn sàng đính chính hay thậm chí rút lại 5 bài báo đã đăng, thừa nhận ban điều tra “đã đề cập đến những việc đáng lẽ tôi phải làm tốt hơn”.
Tessier-Lavigne còn nói “vì trường đại học và để tránh những tranh cãi”, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng vào ngày 31/8. Hội đồng Quản trị Stanford cho biết đã chấp thuận đơn từ chức của ông và “đồng ý đó là bước đi phù hợp nhất”. Richard Saller, Giáo sư ngành Âu học, sẽ lên thay, làm hiệu trưởng lâm thời. Tessier-Lavigne sẽ vẫn giữ chức giảng viên và vẫn điều hành phòng thí nghiệm như trước đây.
Elisabeth Bik, cố vấn viên chuyên về chỉnh sửa hình ảnh, người phát hiện nhiều điểm bất thường trong các bài báo của Tessier-Lavigne, nhận xét từ chức hiệu trưởng là một hành động đúng đắn: “Dưới sự quản lý của ông, nhiều sai phạm đã diễn ra… Tôi không còn tin ông có khả năng dẫn dắt một cơ sở học thuật uy tín như trường đại học nữa.”
Tính đến lúc từ chức, nhiệm kỳ của Tessier-Lavigne dài vỏn vẹn 8 tháng. Đầu nhiệm kỳ, khoảng tháng 11/2022, tờ The Stanford Daily do sinh viên Stanford thành lập đã lên bài báo cho biết The EMBO Journal bắt đầu điều tra cáo buộc chỉnh sửa hình ảnh trong một bài đăng khoa học năm 2008, cùng lúc Bik phát hiện nhiều vấn đề với một số bài báo có Tessier-Lavigne đồng tác giả. Được biết, những nghi vấn trên bắt nguồn từ PubPeer, diễn đàn nơi các nhà khoa học ẩn danh tự do trao đổi về những bài báo có vấn đề. Hội đồng Quản trị Stanford sau đó thông báo sẽ thành lập chuyên ban điều tra kỹ càng vụ việc.
Nghi vấn xoay quanh ba bài báo chính: một bài đăng trên “Cell” năm 1999 và hai bài đăng trên tờ “Science” năm 2001. Cả ba bắt đầu bị chất vấn trên PubPeer vào năm 2015, khi Tessier-Lavigne được cân nhắc cho chức hiệu trưởng. Khi tin tức về ba bài được đưa ra công chúng vào tháng 12/2022, hai tờ báo trên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, nóng lòng chờ kết quả điều tra. Tessier-Lavigne nhận trách nhiệm về những lỗi đã mắc phải: “Tính trung thực của các bài đăng là vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi xin nghiêm túc ghi nhận những mối lo ngại của mọi người.” Được biết, Tessier-Lavigne, 63 tuổi, từng rất nổi tiếng vào những năm 1990 nhờ phát hiện netrin - loại protein định hướng sự phát triển của sợi trục (còn gọi là axon) ở tủy sống của những cá nhân trong độ tuổi còn lớn.
Tháng 01/2023, Mark Filip, cựu chánh án liên bang, cùng hãng luật của ông Kirkland & Ellis, ký hợp đồng với trường lập ra ủy ban thẩm tra bao gồm 5 nhà khoa học có uy tín. Ủy ban này sau đó xác định có tổng cộng 12 bài có vấn đề mà Tessier-Lavigne đóng vai trò tác giả liên lạc hoặc tác giả phụ.
Một tháng sau, chức vụ của ông ngày càng lung lay khi The Stanford Daily công bố tin khi còn công tác tại phòng nghiên cứu của Genetech, chính công ty này đã phát hiện bài báo đăng trên tạp chí “Nature” năm 2009 liên quan đến phòng thí nghiệm của Tessier-Lavigne có dấu hiệu gian lận. Công trình này gây tiếng vang lúc bấy giờ vì tìm ra vai trò bất ngờ của một loại protein làm suy giảm hệ thần kinh ở bệnh nhân Alzheimer. The Stanford Daily, qua trao đổi với một số cựu nhân viên Genetech, cáo buộc Tessier-Lavigne đã che đậy các sai phạm và cự tuyệt không chịu rút bài báo. Hiệu trưởng Stanford khi đó cho rằng bài báo của Stanford Daily “đầy rẫy lời dối trá” và “hoàn toàn vu khống”. Ông cũng cho biết sau đó đã đăng bài đính chính kết quả và cho rằng đây chỉ là quy trình khoa học bình thường.
Tháng 4/2023, Genetech công bố kết quả điều tra chính công ty tự tiến hành, xác nhận tuy nhóm khoa học của họ không lặp lại kết quả như đã đăng trên tờ “Nature”, không có bằng chứng xác minh nhận định các nhân viên trong công ty phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, Genetech cũng chỉ ra nhiều vấn đề khác. Năm 2022, chính công ty này đã sa thải một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ từ phòng thí nghiệm của Tessier-Lavigne do sai phạm trong bản thảo trình bày nghiên cứu. Bản thảo này đã bị rút đi trước khi được công bố.
Kết quả cuối cùng của ủy ban điều tra Stanford, vốn dựa trên 50.000 tài liệu, hơn 50 cuộc phỏng vấn, và ý kiến các chuyên gia pháp y, được công bố hôm 19/7. Theo đó, trong 7 bài báo mà Tessier-Lavigne làm tác giả phụ, ông không liên quan gì đến việc thao túng dữ liệu. Tác giả chính những bài báo này đã nhận trách nhiệm và trong nhiều trường hợp, còn lên bài đính chính.
Tuy thế, bản báo cáo 22 trang (có đính kèm thư ngỏ và phần phụ lục khá dày về những hình ảnh đã bị chỉnh sửa) xác nhận 5 bài báo mà Tessier-Lavigne làm tác giả liên lạc hay tác giả chính “có nhiều lỗi nghiêm trọng”, bao gồm bài đăng trên “Cell” năm 1999, hai bài báo đăng trên “Science” năm 2001, một bài đăng trên “Nature” năm 2004, và bài đăng trên “Nature” năm 2009 đã đề cập. Trong số trên, 4 bài có “dấu vết thao túng dữ liệu nghiên cứu rõ ràng”. Chẳng hạn một mẫu thấm được sử dụng trong 3 thí nghiệm khác nhau ở bài đăng trên “Cell”. Và chính hình ảnh mẫu thấm này sau đó được “dùng lại” cho một bài đăng trên tờ “Science” năm 2001.
Mặc dù báo cáo cho rằng cáo buộc giả mạo và che đậy ở Genetech của The Stanford Daily “có nhầm lẫn” với một bài báo mắc lỗi khác đăng vào năm 2008 cũng như hiểu sai lệch vấn đề Genetech không thể lặp lại kết quả nghiên cứu, bài báo năm 2009 vẫn có “rất nhiều vấn đề” và “thiếu tính nghiêm ngặt về mặt khoa học” so với tiêu chuẩn thông thường.
Theo báo cáo, Tessier-Lavigne “không biết được dữ liệu bị thao túng” và “không có lỗi khi bỏ sót” những sai phạm đã nêu. Song, báo cáo cũng nhận định ông đã không có phản ứng phù hợp khi bài báo bị cộng đồng PubPeer đặt nghi vấn hay khi đồng nghiệp của ông có mang vấn đề ra bàn với ông tới 4 lần trong suốt hai thập kỷ qua - gần đây nhất là vào tháng 3/2021.
Tessier-Lavigne cũng bị chỉ trích vì “yếu kém” do không quyết đoán trong việc đính chính, rút lại bài báo trên “Nature” năm 2009, mặc dù đã “thảo luận nhiều” về những gì cần thực hiện; thay vào đó, ông và cộng sự lại đăng một bài khác điều chỉnh kết quả nghiên cứu. Báo cáo cho rằng: “Nếu không sẵn lòng đính chính thì cũng sẽ chẳng còn gì là tinh thần tự giác sửa sai thường được hoan nghênh trong quy trình thực hiện khoa học nữa.”
Hoạt động phòng thí nghiệm của Tessier-Lavigne cũng bị chỉ trích vì “thường xuyên thao túng dữ liệu nghiên cứu và/hoặc phạm lỗi sai trong thao tác khoa học đến mức bất thường”. Tuy có nhiều cựu nghiên cứu sinh sau tiến sĩ thể hiện thái độ tích cực khi được Tessier-Lavigne dẫn dắt, một số cá nhân được phỏng vấn lại cho rằng phòng thí nghiệm của ông chỉ tưởng thưởng cho “kẻ chiến thắng”, tức những ai công bố kết quả đáng chú ý; còn những “kẻ thua cuộc” lại bị làm ngơ. Báo cáo kết luận không có chứng cứ nào cho thấy Tessier-Lavigne cổ xúy kiểu làm việc này, song vẫn bỏ qua rất nhiều cơ hội “cải thiện công tác quản lý và các yếu kém của phòng thí nghiệm”.
Tessier-Lavigne cho biết sẽ rút lại ba bài báo trên “Cell” và “Science” cũng như đính chính hai bài trên “Nature”. Holden Thorp, Tổng biên tập tờ Science, cho biết đã bắt đầu tiến hành quy trình rút bài của giáo sư. Còn tờ “Nature” cho biết: “Chúng tôi đang đọc bản báo cáo thật kỹ càng và sẽ thực hiện các quy trình phù hợp để đảm báo liêm chính khoa học.”
Những người từ lâu ủng hộ Hiệu trưởng Stanford vô cùng thất vọng trước tin ông sẽ từ chức. Nicholas Hertz, đồng sáng lập và trưởng ban khoa học của Mitokinin, một công ty khởi nghiệp tại San Francisco, trước đây từng hoạt động tại phòng thí nghiệm Rockefeller của Tessier-Lavigne. Ông nói: “Thật không công bằng đối với Marc Tessier-Lavigne. Với những công trình và thành tựu mà ông đã đóng góp trong sự nghiệp của mình, tôi không cho rằng ông xứng đáng chịu áp lực đến mức buộc phải từ chức như thế.”
Mặc dù Hertz thừa nhận văn hóa phòng thí nghiệm cũ là vô cùng cạnh tranh, đó là “điều rất bình thường” ở bất cứ phòng thí nghiệm nào khác, đặc biệt ở những nơi có tiếng. Hertz cho rằng phòng thí nghiệm là nhóm nghiên cứu nghiêm chỉnh nhất ông từng công tác cùng.
Báo cáo kết quả điều tra không nêu đích danh bất cứ thành viên nào thuộc phòng thí nghiệm của Tessier-Lavigne trực tiếp liên quan đến việc thao túng dữ liệu, cũng không cho biết việc thao túng dữ liệu có đủ điều kiện cấu thành các tội danh như “làm giả, thêu dệt, hay đạo nhái” theo luật pháp liên bang hay không. Mark Filip cho biết quyết định có trình báo sự việc lên Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu Hoa Kỳ hay không nằm hoàn toàn trong tay Stanford.
Sau khi trao đổi với ủy ban, Bik nhận xét công tác điều tra “được thực hiện rất sâu sát” và cho rằng quyết định rút lại, đính chính bài đăng của Tessier-Lavigne là “hợp lý”.
Tuy nhiên, bà không đồng tình với nhận định rằng Tessier-Lavigne không có lỗi gì khi không phát hiện được sai sót trong các bài báo mình tham gia: “Ở cương vị người hướng dẫn, công việc của bạn là phải giám sát, dẫn dắt, đảm bảo tính trung thực của dữ liệu thu được từ phòng thí nghiệm. Vậy nên tôi thấy ông ta phải có trách nhiệm với những kết quả trên.”
Elisabeth Bik, Holden Thorp, và nhiều cá nhân khác cho rằng vụ việc lần này dấy lên câu hỏi liệu ở cương vị quản trị cấp cao, người làm khoa học có đủ khả năng quán xuyến cả một phòng thí nghiệm rộng lớn với nhiều hoạt động hay không. Bik cũng chất vấn quyết định cho Tesssier-Lavigne tiếp tục dẫn dắt phòng thí nghiệm.
Về phần mình, Tessier-Lavigne cam kết “thắt chặt kiểm soát” phòng thí nghiệm tại Đại học Stanford, như chú ý so sánh dữ liệu thô với hình ảnh đã qua xử lý chẳng hạn. Ông có viết: “Tôi sẽ tuân thủ các chuẩn mực thực hành tốt nhất để đảm bảo không còn những sai phạm nữa.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)