Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Làn sóng thứ tư trong sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế

Sự di chuyển của sinh viên quốc tế được hình thành bởi sự tác động phức tạp của bối cảnh quốc gia, các yếu tố bên ngoài, đặc điểm thể chế và sở thích cá nhân. Tác động to lớn của các yếu tố bên ngoài đã định hình các mô hình dịch chuyển nhân tài toàn cầu gần đây.



Ảnh: www.mdc.edu

Cơ cấu về 'ba làn sóng di chuyển của sinh viên quốc tế' phân tích các sự kiện bên ngoài đã ảnh hưởng đến lựa chọn và sở thích của sinh viên toàn cầu.

Làn sóng thứ nhất được định hình bởi các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, dẫn đến việc Hoa Kỳ mất đi sức hấp dẫn là quốc gia dành cho sinh viên quốc tế. Thay vào đó, sinh viên quốc tế đổ xô đến các điểm thay thế khác như Úc, Canada và Vương quốc Anh.

Làn sóng thứ hai được kích hoạt bởi cuộc suy thoái tài chính toàn cầu năm 2008 và thúc đẩy nhiều trường đại học Hoa Kỳ trở nên chủ động hơn trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Một trật tự chính trị mới đã xác định làn sóng thứ ba vào năm 2016 sau Brexit và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đặc biệt, những luận điệu và chính sách chống người nhập cư ở Mỹ đã tạo ra nhiều rào cản về nhận thức và thực tế cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thu hút nhân tài toàn cầu.

Giờ đây, đại dịch Covid-19 đang tác động đến hệ thống giáo dục đại học toàn cầu và tạo ra những rào cản mới cho sự di chuyển của sinh viên. Đồng thời, trong tương lai, các chính sách thị thực và nhập cư của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có thể chào đón sinh viên hơn so với 4 năm trước. Sự giao thoa nhiều bất ổn do dịch Covid-19 gây ra và sự tái thiết lập chính trị cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ tư trong sự dịch chuyển quốc tế.

Sự hợp lưu của các yếu tố hình thành làn sóng thứ tư

Những bất ổn về kinh tế do đại dịch gây ra đang định hình lại hành trình của các sinh viên tương lai và thúc đẩy việc cân nhắc các lựa chọn thay thế.

Theo khảo sát của Hội đồng tuyển sinh quản trị sau đại học về sinh viên quốc tế tiềm năng đang cân nhắc đăng ký vào chương trình quản trị sau đại học vào năm 2021, cứ 2 trong số 3 sinh viên (71%) không thay đổi kế hoạch ban đầu của họ.

Tuy nhiên, 17% sẵn sàng xem xét trường kinh doanh gần nhà hơn và 14% sẵn sàng áp dụng hình thức học trực tuyến. Dữ liệu này cho thấy sự gia tăng tiềm năng về tính di động trong khu vực và việc áp dụng các mô hình học tập trực tuyến hoặc thậm chí kết hợp cho một bộ phận sinh viên quốc tế trong tương lai.

Ngoài ra, bối cảnh chính trị ở Hoa Kỳ có khả năng thay đổi nhận thức của sinh viên và do đó thay đổi cả dự định của các sinh viên quốc tế trong tương lai. Một cuộc thăm dò các sinh viên quốc tế tiềm năng trước thềm bầu cử cho thấy rằng việc ông Joe Biden được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ có thể thúc đẩy một bộ phận các ứng viên tiềm năng xem xét việc du học ở Hoa Kỳ một cách thuận lợi hơn.

Một số khác (24%) trong cuộc thăm dò chỉ ra rằng có nhiều khả năng sinh viên theo đuổi chương trình đào tạo sau đại học về quản lý ở Mỹ nếu ông Biden được bầu làm tổng thống.

Tại Vương quốc Anh, sinh viên từ Liên minh Châu Âu bắt đầu khóa học mới sau tháng 8 năm 2021 sẽ không còn đủ điều kiện để được hưởng ‘chi phí nhà ở’. Trong nỗ lực tiếp tục thu hút nhân tài toàn cầu, chính phủ Vương quốc Anh đang tạo ra các lộ trình giáo dục và làm việc với hệ thống nhập cư dựa trên điểm. Hệ thống mới sẽ đối xử bình đẳng với công dân EU và không thuộc EU.

Cụ thể, lộ trình sau đại học sẽ cho phép sinh viên quốc tế ở lại Vương quốc Anh và làm việc ở bất kỳ cấp độ kỹ năng nào trong 2 năm sau khi hoàn thành chương trình học. Ngược lại, năm 2012, Vương quốc Anh đã loại bỏ quyền làm việc sau khi du học, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nước này khi trở thành điểm đến cho một bộ phận sinh viên quốc tế đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp như một phần động lực để đi du học.

Những hướng đi mới cho sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế

Những thay đổi về thị thực và chính sách nhập cư ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có thể trở nên cởi mở hơn theo thời gian. Sự thay đổi này là một sự đảo ngược so với những gì đã gây ra ở làn sóng thứ ba vào năm 2016.

Sinh viên quốc tế tiềm năng có thể xem xét những điểm đến này thuận lợi hơn và do đó, điều này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, tăng cường sự cạnh tranh trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Tóm lại, những bất ổn của dịch Covid-19 cùng với những thay đổi chính trị ở Mỹ và Anh, cho thấy sự khởi đầu của làn sóng dịch chuyển quốc tế lần thứ tư. Trong khi dịch Covid-19 đang làm giảm tốc độ di chuyển của sinh viên, các chính sách thị thực và nhập cư mới tại hai điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế có thể thúc đẩy sự di chuyển sang Mỹ và Anh.

Từ quan điểm của sinh viên tương lai, bối cảnh thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sở thích và hành trình của họ. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học phải giám sát và theo dõi tình hình dịch chuyển để thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán