Theo dữ liệu mới được công bố, sinh viên đại học tại Anh hiện phải đối mặt với “khủng hoảng chi phí học tập” khi tỷ lệ chi phí sinh hoạt được chính phủ trợ giá tụt xuống mức thấp nhất trong thập kỷ.
Ảnh: pixabay.com
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Bậc cao (HEPI), ngay cả những sinh viên được hưởng mức vay cao nhất vẫn thiếu 8.400 bảng mới chạm “ngưỡng thu nhập tối thiểu” cần thiết “để có đủ cơ hội và lựa chọn khi gia nhập xã hội”.
Trong những năm gần đây, khoảng cách trên ngày càng nới rộng. Lạm phát khiến khoản vay sinh hoạt - một dạng trợ cấp dựa trên thu nhập dùng để trang trải chi phí sinh hoạt của sinh viên - ngày càng mất giá.
Nếu vào năm 2010, khoản vay sinh hoạt bằng 74% ngưỡng thu nhập tối thiểu cho các vùng ngoài London, con số này trong giai đoạn 2024-25 đã tụt xuống còn 55%, hay 18.632 bảng/năm - giả sử được cấp cho cùng một sinh viên không thay đổi lối sinh hoạt trong hai trường hợp. Với những sinh viên học tại London, khoản vay sinh hoạt tối đa có thể lên tới 61% ngưỡng thu nhập tối thiểu, hay 21.774 bảng/năm. Còn khoản vay sinh hoạt cao nhất cho sinh viên học ngoài London trong năm học 2024-25 chỉ là 10.277 bảng, mức thấp nhất kể từ giai đoạn 2015-2016.
Công bố vào ngày 09/5 vừa qua, báo cáo của HEPI cảnh tỉnh các sinh viên khó khăn sẽ ngày càng chật vật như thế nào vì gánh nặng tài chính; trong khi các gia đình thu nhập trung bình được dự đoán phải chi nhiều tiền hơn phục vụ việc học của con em.
Vivienne Stern, Giám đốc điều hành Universities UK - tổ chức đại diện cho hơn 170 cơ sở giáo dục tại Anh, cho rằng do chính phủ không bắt kịp mức lạm phát mà sinh viên bị mất 1.903 bảng theo giá thực so với 4 năm trước.
Stern nhận định: “Cần phải nhìn nhận lại hệ thống hiện tại hỗ trợ sinh viên đến đâu và ta phải thay đổi gì để mở rộng cánh cửa giáo dục bậc cho cho nhiều người học hơn, bất kể hoàn cảnh kinh tế của họ.”
Chuẩn thu nhập tối thiểu dành cho sinh viên đại học tại Anh được dựa trên khảo sát do Đại học Loughborough thực hiện đối với sinh viên năm ba và năm tư, rơi vào khoảng 366 bảng/tuần. Kết quả trên dựa vào giỏ hàng hoá và dịch vụ giả định mà sinh viên sử dụng trong một tuần, bao gồm 88 bảng cho thức ăn, 6 bảng cho rượu bia, 30 bảng cho chi phí đi lại, 55 bảng cho các hoạt động xã hội, và 122 bảng tiền trọ.
Nhiều lãnh đạo trường đại học gần đây lên tiếng cảnh báo tình hình tài chính sinh viên xứ sở sương mù ngày càng bấp bênh. Tim Bradshaw, Giám đốc điều hành Russell Group - tập hợp các đại học nghiên cứu, tiết lộ mặc dù các cơ sở đại học bỏ ra “hàng chục triệu bảng” để hỗ trợ sinh viên hằng năm, chính phủ vẫn nên trợ cấp thêm: “Ngưỡng cho phép vay dựa trên thu nhập phụ huynh thực tế đã đóng băng từ năm 2008 nên các gia đình thu nhập thấp chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn.”
Bộ Giáo dục Anh cho biết hệ thống tài chính chỉ nâng đỡ những hộ có thu nhập cực kỳ thấp, tăng 2,5% mức vay và trao nhiều học bổng năm học 2024-2025 cho những đối tượng này. Mức quỹ ưu đãi cũng tăng từ 286 triệu bảng lên 291 triệu bảng và được Bộ phân bổ về các trường đại học để làm các khoản trợ cấp tài chính cho sinh viên nghèo khó.
Phát ngôn viên của Bộ cho hay: “Chúng tôi tăng mức vay và trợ cấp trang trải chi phí sinh hoạt và nhiều loại phí khác trong năm thứ bảy liên tiếp để giảm nhẹ số nợ mà sinh viên phải gồng gánh.”
Báo cáo HEPI cũng cho thấy nếu không được phụ huynh chu cấp, sinh viên trung bình phải làm việc 19 tiếng/tuần với lương tối thiểu 8,6 bảng/giờ để chất lượng đời sống đạt mức cơ bản; song, thời gian làm thêm khuyến cáo cho sinh viên để tránh làm xao nhãng việc học chỉ là 4 tiếng.
Rachel Hewitt, lãnh đạo MillionPlus - tổ chức bao gồm các trường nghề và trường bách khoa dần được nâng bậc thành đại học năm 1992, nhận định nếu cơ cấu không thay đổi, tiếp xúc giáo dục bậc cao sẽ trở thành vấn đề cấp bách. Theo Hewitt: “Nếu ta không sớm thực hiện hành động, các cơ hội giúp tất cả các sinh viên thay đổi địa vị xã hội sẽ mất dần, các tiến bộ được xem như đổ sông đổ bể.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)