Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Thủ tướng Modi đề xuất giải pháp cho thực trạng 25.000 sinh viên Ấn Độ ra nước ngoài học y dược mỗi năm

Trước thực trạng mỗi năm lại có khoảng 25.000 sinh viên Ấn Độ sang nước khác học dược, Thủ tướng Narendra Modi thông báo chính phủ sẽ mở thêm 75.000 chỉ tiêu tại các trường đào tạo dược trong vòng 5 năm sắp tới. Song, vẫn có hoài nghi chưa biết nguồn quỹ cho giải pháp này sẽ đến từ đâu.



Thủ tướng Modi phát biểu trước công chúng vào Ngày Quốc khánh Ấn Độ 15/8 - Ảnh: PTI

Giữa lúc bạo loạn sinh viên vẫn còn sục sôi tại Bangladesh, nhiều người đã đánh động vấn đề đưa sinh viên y Ấn Độ đang học tập tại đây về nước an toàn. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 01/8, tổng cộng khoảng 7.200 du học sinh đã được hồi hương an toàn.

Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra vào tháng 02/2022, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraina, khiến nhiều người lo lắng kêu gọi chính phủ di tản du học sinh Ấn Độ. Trong sự kiện đó, khoảng 18.000 em đã hồi hương an toàn.

Nhiều năm qua, các sinh viên Ấn có xu hướng sang các nước như Nga, Ukraina, Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Kyrgyzstan, hay Kazakhstan để theo học ngành y. Sonali Pandey, sinh viên vừa trở về nước sau khi hoàn thành chương trình y dược ở Trung Quốc, cho biết: “Tôi không có khả năng học các trường y công lập ở Ấn Độ vì điểm NEET-UG của tôi quá thấp.” NEET-UG, hay kỳ Tuyển sinh và Thi đầu vào Quốc gia (Đại học), là kỳ thi Ấn Độ dành cho các thí sinh muốn vào ngành y dược. Khoảng 2,3 triệu học sinh đăng ký ôn luyện NEET-UG trong năm 2024 và tỷ lệ chọi, tính cả các trường công lập lẫn tư thục, lên tới 1 chọi 10.

Học phí trường tư đắt đỏ

Pandey bộc bạch: “Tuy có đủ điểm vào trường tư, học phí lại cao ngất ngưỡng - đến 10 triệu rupee INR (tức khoảng 120.000 USD). Gia đình tôi không kham nổi số tiền như vậy. Thế nên tôi mới quyết định sang Trung Quốc du học.”

Ước tính 25.000 sinh viên Ấn Độ chuyển sang các nước khác để theo học các ngành y dược. Giống Pandey, họ không thể chọi lại các thí sinh khác để vào trường công, mà cũng không dư dả tài chính để theo học các trường tư.

Số liệu thống kê cho thấy chênh lệch học phí giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục là rất lớn: 300.000 INR (hay 3.600 USD) so với 12 triệu INR (hay khoảng 143.000 USD). Chỉ tiêu tuyển sinh ngành y dược tư thục chiếm khoảng 48% chỉ tiêu y dược trên toàn Ấn Độ.

Tiến sĩ Aviral Mathur, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nội trú Ấn Độ, cho biết tổ chức của ông “liên tục đề nghị chính phủ áp dụng cơ chế phí thống nhất để đẩy lùi tình trạng học phí leo thang tại các cơ sở tư thục”.

Trong lúc đó, Ấn Độ cũng đối mặt với thực trạng thiếu nhân lực y dược trầm trọng. Báo cáo dữ liệu y tế vùng sâu vùng xa năm 2023 do Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình công bố cho thấy khoảng 6.000 Trạm y tế Địa phương (CHC) thiếu gần 80% nhân lực có chuyên môn. Đây là các cơ sở chuyên cung cấp các dịch vụ y tế từ ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, cho đến đa khoa.

Amulya Nidhi, đồng phát động Phong trào Y tế Nhân dân tại Ấn Độ, cho biết nhìn chung trong khi các bệnh viện công đã thiếu nhân lực, tình trạng tại các khu vực vùng sâu vùng xa lại còn tồi tệ hơn.

Kế hoạch mở rộng

Nhận thấy ngành y tế cần được mở rộng, Thủ tướng Modi vừa qua đã công bố kế hoạch nâng chỉ tiêu tuyển sinh y dược lên thêm 75.000 trong vòng 5 năm tới, qua đó kiện toàn hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia.

Trong lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 15/8, Thủ tướng Modi phát biểu: “Trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã đảm bảo khoảng 100.000 chỉ tiêu y dược cho quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có chừng 25.000 sinh viên chọn du học nước ngoài. Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhận ra nhu cầu học y dược tại Ấn Độ ngày một tăng cao, chính quyền của tôi đã phát triển nhiều kế hoạch mở rộng ngành này.”

Trước đó, vào tháng 02/2024, trong lúc nhấn mạnh các nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thiếu thốn cơ hội đào tạo, nguyên Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Gia đình Mansukh Mandaviya cho biết tổng cộng cả nước Ấn Độ có 707 trường y, nhiều hơn con số 340 trước đây: “Vậy là trong 10 năm, chúng ta đã có gấp đôi số lượng trường y. Thủ tướng Modi cũng đã cho thành lập uỷ ban cố vấn nên xây dựng các trường mới ở đâu trong tương lai.”

Song, nhiều người vẫn còn hoài nghi về kế hoạch nói trên. Nidhi nói tuy Thủ tướng Modi công bố sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh, ngân sách quốc gia lại không thể hiện phần quỹ cho mục tiêu này: “Nguồn quỹ mở rộng chỉ tiêu sẽ đến từ đâu? Mặc dù nhiều trường y khắp cả nước đã tăng chỉ tiêu, số lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất vẫn rất thiếu thốn. Đây là vấn đề quan trọng bởi không có giảng viên cơ yếu thì không thể đảm bảo công tác đào tạo có hiệu quả được.”

Nidhi cho rằng chỉ khi vốn đầu tư và phần ngân sách rót vào khu vực y tế tăng lên, thay đổi thật sự mới xảy ra. Nidhi còn bức xúc khi cơ sở vật chất Viện Khoa học Y dược Toàn Ấn, vốn được công bố nhiều năm trước, giờ vẫn chỉ là mực trên giấy.

Thách thức đối với du học sinh

Du học sinh hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có quan hệ chính trị căng thẳng giữa các quốc gia cũng như các đợt khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid vừa qua.

Pulkit Parikh, người sáng lập diễn đàn du học sinh Ấn Độ - Ukraina sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra, cho biết du học sinh Ấn tại Ukraina phải đối mặt với nhiều hiểm nguy: “Vì chuyện học hành mà nhiều du học sinh vướng phải nguy cơ gặp tử thần. Đã nhiều lần các cuộc tấn công bằng hoả tiễn xảy ra đúng lúc họ đang học. Gia đình họ đã phải chi trả một khoản tiền lớn để họ sang đây du học - họ không còn lựa chọn nào khác.”

Một số du học sinh Ấn Độ tại Ukraina nói bản thân bị kỳ thị do Ấn Độ tỏ ra thân Nga hơn.

Tương tự, khi quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc xấu đi do đại dịch Covid bùng phát, du học sinh Ấn Độ cũng gánh chịu nhiều bất trắc. Về lại quê hương sau lệnh phong toả vì Covid, nhiều du học sinh Ấn vẫn không được phép quay lại Trung Quốc tiếp tục con đường học vấn dang dở cả khi quy định đi lại đã được nới lỏng. Rồi lúc mới dỡ toàn bộ lệnh cấm, một số ngành học đón du học sinh từ Pakistan quay lại nhưng vẫn từ chối các sinh viên từ Ấn Độ.

Thách thức khác mà du học sinh Ấn phải đối mặt là khi quay lại quê nhà, họ phải hoàn thành thêm bài Kiểm tra Cử nhân Y dược Ngoại quốc (FMGE) do chính phủ quy định. Được biết đây là bài thi vô cùng khó nhằn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng