Trong cuộc sống hiện nay, pháp luật là công cụ tất yếu mà nhà nước sử dụng để quản lí. Vậy tại sao lại là pháp luật mà không phải là một công cụ khác. Để hiểu rõ vấn đề đó chúng ta cần biết được bản chất của pháp luật, hiểu được trong đời sống pháp luật cần như thế nào đối với mỗi chúng ta, chúng ta phải biết đánh giá hành vi cư xử của bản thân và những người xung quanh theo chuẩn mực của pháp luật. Qua đó chúng ta có thái độ tôn trọng pháp luật, tự giác sống và vui chơi theo đúng pháp luật quy định.
Như vậy, pháp luật là gì? Có đặc trưng gì?
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
Đặc trưng của pháp luật: Tính quy phạm phổ biến; Tính quyền lực, bắt buộc chung; Tính xác định chặt chẽ về hình thức
Pháp luật mang bản chất giai cấp; Bản chất xã hội.
Trong các mối quan hệ thì quan hệ giữa pháp luật với đạo đức luôn được quan tâm vì: Nhà nước luôn cố gắng chuyển những quy phạm đạo đức có tính phổ biến phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội thành các quy phạm pháp luật. Khi ấy, các giá trị đạo đức không chỉ được tuân thủ bằng niềm tin , lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước.
Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội:
Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội: Tất cả các nhà nước đều quản lí xã hội chủ yếu bằng pháp luật. Nhờ có pháp luật, nhà nước phát huy được quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ của mình. Quản lí bằng pháp luật là phương pháp quản lí dân chủ và hiệu quả nhất,vì: Pháp luật là khuôn mẫu có tính phổ biến và bắt buộc chung, phù hợp với lợi ích chung của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau…
Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình: Hiến pháp quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ; các luật về dân sự, hôn nhân và gia đình , thương mại , thuế, đất đai , giáo dục ,...cụ thể hóa nội dung, cách thức thực hiện các quyền của công dân trong từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở ấy, công dân thực hiện quyền của mình. Các luật về hành chính, hình sự, tố tụng, ... quy định thẩm quyền , nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lí các vi phạm pháp luật. Nhờ thế, công dân sẽ bảo vệ được cácquyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hiểu rõ vai trò của pháp luật trong đời sống giúp chúng ta hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của chính mình và có ý thức sống đúng sống tốt hơn.
Hoàng Thị Lài
Giáo viên Giáo dục công dân - Trường Quốc tế Á Châu