Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Dạy trẻ nếp sống có tổ chức

Không có gì ngạc nhiên khi trẻ không thể tự mình tổ chức hay sắp xếp mọi thứ, vì chúng chưa bao giờ có cơ hội được học cách phải làm như thế nào. Việc phát triển các kỹ năng tổ chức là một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.



Vậy làm thế nào để giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm ngay cả ở nhà và ở trường?

1. Sử dụng danh mục kiểm tra

Giúp trẻ làm quen với việc lên danh sách những thứ cần làm. Danh sách này có thể đơn giản chỉ là các bước cần thực hiện để chuẩn bị đến trường vào mỗi buổi sáng, là bảng theo dõi các bài tập, các công việc nhà hay bảng nhắc nhở những tài liệu cần thiết phải mang đến lớp. Trẻ em là những người học thông qua thị giác, hoạt động tốt hơn khi có bảng nhắc nhở ở ngay trước mặt. Bằng cách gạch bỏ đi những nhiệm vụ đã hoàn thành, trẻ sẽ có cảm giác là mình vừa đạt được một thành quả nào đó.   

2. Kiểm soát thời gian làm bài tập về nhà

Trước khi bắt đầu làm bài, hãy khuyến khích trẻ đánh số các bài tập theo thứ tự cần làm. Trẻ nên bắt đầu với những bài tập không quá dài hay quá khó, điều này giúp trẻ hiểu được thế nào là đạt được thành công. Tránh việc chỉ làm những bài tập dài nhất hay khó nhất, vì khi cảm thấy mệt mỏi, trẻ thường không có động lực để đối mặt với thử thách.

3. Chọn không gian học

Trẻ em nên ngồi học và làm bài tập ở cùng một nơi. Đó không nhất thiết phải là phòng ngủ, nhưng phải là nơi yên tĩnh để tránh việc bé dễ bị sao lãng. Tất cả tài liệu và dụng cụ học tập phải được đặt kế bên. Một chiếc hộp với đầy đủ bút mực, bút chì, thước, từ điển và máy tính luôn là sự lựa chọn tuyệt vời cho những trẻ dễ bị phân tâm mỗi khi phải tìm các dụng cụ hỗ trợ. Khi trẻ muốn được học gần cha mẹ, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng quan sát cũng như khuyến khích các thói quen học tập tốt cho trẻ.

4. Chọn thời gian học

Trẻ cần biết thời gian nào trong ngày là dành cho việc học và làm bài tập. Thời gian thích hợp nhất thường không phải là ngay sau khi tan trường, vì khi đó trẻ cần có thời gian để nghỉ ngơi trước. Hãy quyết định thời gian học cùng con, lưu ý rằng trẻ thường học tốt hơn vào buổi sáng. Vào những ngày không có bài tập về nhà thì thời gian rảnh nên dùng để ôn lại các bài học, đọc sách hoặc thực hiện các kế hoạch sắp tới. Không nên bắt trẻ học vào buổi chiều thứ sáu vì lúc này chúng cần được thư giãn đầu óc và vui đùa cùng bè bạn.

5. Giữ các tài liêu học ngăn nắp

Trẻ thường nhận được rất nhiều bài kiểm tra ở trường, và điều này có thể trở thành “cơn các mộng” với sự hỗn độn của các loại giấy tờ. Hãy giúp trẻ theo dõi công việc bằng cách sắp xếp các bài kiểm tra và bỏ vào bìa hồ sơ hoặc kẹp vào sổ tay. Việc này giúp trẻ có thể dễ dàng ôn lại các tài liệu sau mỗi buổi học và xa hơn nữa là chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

6. Thực hiện kiểm tra mỗi tuần

Khuyến khích trẻ sắp xếp lại sách vở của mình hàng tuần. Những bài kiểm tra hay tài liệu cũ nên được giữ riêng trong khay đựng hồ sơ tại nhà.

7. Tạo thói quen trong chính gia đình

Cố gắng thiết lập và kiên trì với thời gian ăn tối và ngủ nghỉ đều đặn. Điều này giúp trẻ quen với nề nếp của gia đình. Hạn chế cho trẻ xem TV và sử dụng máy vi tính vào những khoảng thời gian cụ thể trong ngày.

8. Lên lịch cho các hoạt động

Dành riêng một tấm lịch treo tường khổ lớn để liệt kê các cam kết của gia đình, lịch trình cho các hoạt động ngoại khóa, những ngày nghỉ ở trường và các sự kiện chính ở trường và cả ở nhà. Ghi chú lại những ngày mà trẻ có các kỳ thi quan trọng hoặc hạn chót phải hoàn thành cho một nhiệm vụ nào đó. Điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình theo dõi được hoạt động của nhau nhằm tránh những xung đột trong việc sắp xếp lịch trình.

9. Chuẩn bị trước cho ngày mới

Trước khi đi ngủ, hãy bảo trẻ để tất cả tài liệu và sách vở cần thiết vào cặp trước. Quần áo của hôm sau cũng phải được chuẩn bị cùng với giày dép, vớ và những phụ kiện khác. Điều này sẽ giúp trẻ tránh sự lăng xăng, cuống cuồng vào buổi sáng và sẵn sàn để chào đón một ngày mới.

10. Hỗ trợ trẻ khi cần thiết

Để giúp con phát triển các kỹ năng tổ chức, trước hết bạn phải là một tấm gương tốt. Khi bạn dán các danh mục kiểm tra hay kế hoạch làm việc trên tủ lạnh, thường xuyên cập nhật lịch và giữ các loại tài liệu và giấy tờ ngăn nắp, chính là lúc bạn dạy cho trẻ biết cách phải làm như thế nào.

Minh Nguyên
Theo essentialkids.com.au

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán