Nếu có được sự giúp đỡ từ các bậc phụ huynh, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái trong việc tự kết bạn và giữ gìn tình bạn của mình. Dưới đây là 10 gợi ý cho phụ huynh trong việc giúp trẻ dễ dàng kết bạn.
Đừng tăng thêm áp lực
Khó khăn trong việc kết bạn là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Tiến sĩ Jennifer Cassatly - một nhà tâm lý học chuyên về liệu pháp trẻ em và gia đình cho biết: "Trong suốt thời thơ ấu, trẻ em vẫn còn học cách quản lý cảm xúc, làm việc cùng người khác... những kỹ năng mà chúng cần phải học để thành công trong các mối quan hệ khi lớn lên". Bạn muốn giúp đỡ, nhưng đừng làm to vấn đề. Nhớ rằng đừng hỏi dồn dập những chuyện về cuộc sống xã hội của con và cho phép chúng có thời gian ở một mình một cách lành mạnh.
Xác định các kỹ năng còn thiếu
Không phải đứa trẻ nào cũng có cùng nguyên nhân trong việc khó kết bạn. Nhút nhát rõ ràng là một trở ngại, nhưng con bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ, làm việc theo nhóm, hợp tác... Có lẽ con bạn quá nhạy cảm hoặc không tin tưởng, khiến chúng cảm thấy bị tổn thương hay dễ dàng cáu giận. Biết được nguồn gốc vấn đề mà trẻ đang gặp phải sẽ giúp bạn định hướng các bước tiếp theo.
Dạy những điều cơ bản
Luyện tập cho trẻ những cách đơn giản để bắt đầu cuộc trò chuyện, chẳng hạn như "Tên bạn là gì?" hay "Bạn thích môn học nào?". Hãy dạy trẻ cách tham gia vào nhóm bạn và bảo chúng cho các bạn khác cùng tham gia.
Kể chuyện
Nhiều trẻ cảm thấy dễ dàng hơn khi thảo luận một vấn đề trong cuộc sống thật thông qua một câu chuyện hư cấu. Ví dụ, bạn có thể kể cho trẻ nghe chuyện một con thỏ gặp khó khăn trong việc sẻ chia và bảo chúng đưa ra ý kiến con thỏ nên làm gì để làm quen được bạn. Cassatly đề nghị nên sử dụng nhân vật trong các câu chuyện hoặc chương trình truyền hình mà con bạn quen thuộc.
Gặp gỡ các phụ huynh khác
Việc gặp gỡ cha mẹ của những trẻ học cùng lớp với con bạn có nhiều tác dụng. Một, nó có thể giúp bạn lên kế hoạch cho các ngày nghỉ và các hoạt động sau giờ học. Hai, bạn có thể đánh giá kỹ năng nào là điển hình trong các kỹ năng xã hội ở lứa tuổi của con. Và ba, bạn sẽ làm mẫu các kỹ năng xã hội mà trẻ có thể nhận thấy và noi theo.
Giúp trẻ hòa nhập
Hàng ngày, rước con về nhà sau giờ tan trường không phải là một công thức cho sự thành công. Các hoạt động như thể dục dụng cụ, nghệ thuật, xem nhạc kịch hoặc một môn thể thao nhóm có thể giúp trẻ tiếp xúc với các tình huống xã hội ngoài trường học.
Để chúng là chính mình
Mọi đứa trẻ đều khác nhau. Đứa trẻ này có thể thích một chuyến đi hoang dã tại công viên giải trí và cười rôm rả với nhóm đông bạn bè, trong khi đứa khác lại thích ở nhà làm vườn, đọc sách một mình hoặc chơi với người bạn thân. Cassatly cho biết: "Hãy nhìn vào tính tình của con bạn và hỏi chúng thích gì. Không có gì đúng hay sai trong hai tính cách ở trên". Hãy chỉ ra điểm mạnh của con bạn, chẳng hạn như xây dựng tình bạn sâu sắc, phản ánh các vấn đề khác nhau hoặc sử dụng sự sáng tạo.
Lùi lại một bước
Cân bằng giữa việc giúp đỡ con bạn và để chúng tự khám phá. Đôi khi, cha mẹ nên hỏi trẻ có cần giúp đỡ không, nhưng đôi khi, nên để chúng tự mình tìm hiểu những vấn đề xã hội. Luôn cho trẻ sự đồng cảm, nhưng cũng cho chúng không gian để suy nghĩ về những trải nghiệm của mình.
Tìm ra vấn đề thật sự
Một đứa trẻ rụt rè có thể chỉ là do tính cách của chúng. Nhưng nếu trẻ có vẻ thu mình lại, thường khóc hay quá nhạy cảm với những lời phê bình, đó có thể là triệu chứng của một vấn đề cảm xúc nặng hơn, như lo âu hay trầm cảm. Nếu bạn thấy lo lắng, hay vấn đề ngày càng tệ hơn, hãy xem xét đến việc tìm một chuyên gia bác sĩ.
Đối với trẻ nhỏ, khó khăn trong việc kết bạn là một vấn đề bình thường mà cha mẹ và người lớn có thể giúp chúng giải quyết. Hãy cố hết sức và nhớ rằng con bạn có thể học cách giao tiếp với người khác ở tốc độ phù hợp với độ tuổi của chúng.
Trần Hồng Điệp
Theo www.education.com