Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Nguy cơ sang chấn tâm lý ở những trẻ khiếm khuyết

Theo một nghiên cứu mới đây, những trẻ em gặp khiếm khuyết về vận động hay các vấn đề khác có nhiều nguy cơ trải qua các biến cố ảnh hưởng đến sự phát triển sau này hơn.



Phân tích mới đây của CDC cho thấy 17,2% trẻ em khiếm khuyết từng là nạn nhân một vụ bạo hành nào đó hay phải chứng kiến cảnh bạo hành; trong khi chỉ 5,3% trẻ em bình thường gặp phải chuyện tương tự - Ảnh: Getty Images

Bài nghiên cứu do Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) công bố vào hôm 26/01 vừa qua cho thấy phần lớn những trẻ khiếm khuyết từ 5 đến 17 tuổi thường gặp phải các biến cố có khả năng gây sang chấn tâm lý như chứng kiến bạo lực trong khu phố hay bố mẹ đi tù hơn so với những trẻ khác cùng độ tuổi.

Bài phân tích dữ liệu khảo sát vào năm 2019 này xác định được với thông số rõ ràng rằng tình trạng khiếm khuyết nơi trẻ cũng ảnh hưởng đến nguy cơ gặp phải các biến cố có tác động tiêu cực lên cuộc sống của trẻ về sau.

Dennis Kuo, chủ tịch nhiệm kỳ trước của Hội đồng Viện Nhi khoa Mỹ về Trẻ em Khuyết tật, nhận xét: “Những nghiên cứu như thế này gợi mở cho chúng ta kế hoạch hỗ trợ những trẻ khiếm khuyết.”

Trong số 4 loại biến cố được kiểm nghiệm, đáng kể nhất là các biến cố liên quan đến bạo lực: 17,2% trẻ khiếm khuyết từng là nạn nhân của một vụ bạo hành nào đó hay phải chứng kiến cảnh bạo hành ở khu mình sống; trong khi chỉ 5,3% trẻ bình thường trong cùng độ tuổi trải qua những điều tương tự.

Cũng theo nghiên cứu, hơn 20% số trẻ khiếm khuyết từng sống với người thân gặp phải triệu chứng tâm thần hoặc trầm cảm nặng, trong khi con số này ở các trẻ khác chỉ là 7,5%. Tương tự, 18% trẻ khiếm khuyết từng phải sống với người thân nghiện ngập và 12,7% từng chứng kiến bố mẹ hay người giám hộ mình bị đi tù - trong khi số liệu ở những trẻ khác cùng độ tuổi lần lượt là 9% và 5,6%.

Tình trạng khiếm khuyết cũng được liên hệ với số lượng biến cố mà các em phải trải qua. Theo phân tích, 18,6% trẻ khiếm khuyết từng gặp phải hai trong số 4 loại biến cố gây sang chấn tâm lý được xét đến trong khảo sát; con số này ở những trẻ khác chỉ là 6,5%.

Tuy không tham gia vào nghiên cứu trên, Maria Town, chủ tịch và CEO Hiệp hội Người Khuyết tật Hoa Kỳ, nhận định rằng giữa tuổi thơ bất hạnh và tình trạng khiếm khuyết tồn tại mối quan hệ hai chiều. Bà nói: “Các sang chấn tâm lý và các trải nghiệm tiêu cực có thể hình thành tình trạng khuyết tật. Đấy là một vòng tròn luẩn quẩn, trải nghiệm tiêu cực gây ra vấn đề tâm thần hay các khiếm khuyết khác ở trẻ, khiến trẻ dễ gặp phải các trải nghiệm tiêu cực khác về sau.”

Amelia Rosechlein, bác sĩ lâm sàng có chứng nhận kiêm tư vấn viên mảng sang chấn tâm lý tại Hội đồng Sức khoẻ Tinh thần Quốc gia, cho biết khi gặp phải các biến cố tiêu cực, não trẻ sẽ bị tác động, ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập, ra quyết định, hay giải quyết căng thẳng sau này.

Rosechlein nói những trẻ khiếm khuyết về trí tuệ hay về các khía cạnh phát triển có nhiều nguy cơ gặp phải các biến cố gây sang chấn tâm lý hơn do thường bị bỏ rơi trong gia đình và bị bắt nạt tại nhà trường hay ngoài xã hội. Bà nói thêm: “Với những trẻ như thế, các yếu tố gây áp lực căng thẳng trong môi trường gia đình cũng tăng lên. Đó là chưa kể nhu cầu chăm sóc y tế ở những trẻ này, đặc biệt là chăm sóc tinh thần, ở những trẻ này thường không được đáp ứng.”

Ảnh hưởng lâu dài của các sang chấn tâm lý đối với trẻ từ lâu đã được ghi nhận. Thuật ngữ “trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu” (ACE) bắt nguồn từ nghiên cứu năm 1995 do CDC và tổ chức Kaiser Permanente tiến hành nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa nạn bạo hành và bỏ rơi trẻ em với tình trạng sức khoẻ ở các em khi lớn. Theo đó, ACE được phát hiện dẫn tới những hành vi nguy hiểm cho thể trạng sức khoẻ về sau như hút thuốc hay lạm dụng chất kích thích, cũng như nguy cơ béo phì. Đây là những nhân tố gây ra các bệnh như tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch, hay các vấn đề về tâm lý.

Cũng theo nghiên cứu năm 2009, ACE được liên hệ với tuổi thọ thấp, cụ thể là những cá nhân trải qua từ 6 trải nghiệm tiêu cực trở lên trong thời thơ ấu có tuổi thọ trung bình ngắn hơn 20 năm so với những người không trải qua các biến cố như vậy.

Cũng theo CDC, 61% người lớn tại 25 bang được khảo sát cho biết họ từng gặp phải ít nhất một loại ACE nào đó trong đời, trong khi 16% trả lời họ từng trải qua 4 loại biến cố ACE hoặc hơn.

Roschlein cho rằng những áp lực mà các gia đình phải gánh chịu trong kỳ đại dịch vừa qua tạo thêm điều kiện khiến những trẻ khiếm khuyết dễ bị bỏ rơi hay bị bạo hành, ngược đãi hơn.

Roschlein, Town, và Kuo đều đồng tình rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cần chú ý hơn các nhân tố xã hội và môi trường có khả năng gia tăng nguy cơ gây sang chấn tâm lý ở những trẻ khuyết tật.

Bên cạnh đó, Town cũng khuyến khích các cơ sở y tế thay đổi cách nhìn nhận, từ việc xem khuyết tật như những “căn bệnh” cần phải chữa trị sang một dạng căn tính cần được chấp thuận và đồng cảm.

Town nói: “Khuyết tật là một phần cuộc sống của những người khiếm khuyết. Điều chúng ta cần hiện giờ là một hệ thống hỗ trợ sức khoẻ tinh thần để trẻ không tự ti về mình và giúp trẻ học cách chấp nhận và làm chủ tình trạng khiếm khuyết của bản thân để từ đó, trong mọi mặt của cuộc sống, các em có thể lên tiếng bảo vệ bản thân và nhu cầu của mình.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán