Chương trình truyền hình “Old People’s Home for Teenagers” (tạm dịch: “Gen Z tại nhà dưỡng lão”) đã tạo cảm hứng cho nhiều giáo viên tổ chức hoạt động học hỏi tại các nhà dưỡng lão hay làng hưu trí.
Quan hệ liên thế hệ tích cực mang lại nhiều lợi ích cho cả những bạn thanh thiếu niên lẫn những người cao tuổi - Ảnh: ABC TV
Viện Tập quán Liên thế hệ Úc (có liên kết với Đại học Griffith) là kho tài nguyên tri thức kiêm trung tâm tập huấn về các vấn đề liên thế hệ. Vừa qua, viện cho biết nhiều trường đã tổ chức chương trình phối hợp với các cộng đồng người cao tuổi trải dài khắp nước Úc.
Chương trình “học tập liên thế hệ” kết nối học sinh với người cao tuổi để họ có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau vui đùa, ca hát, nhảy múa, hay tham gia các hoạt động nghệ thuật, thủ công. Chủ điểm trong chương trình chính khóa cũng được tích hợp vào các buổi gặp mặt thế này. Học sinh và khách mời cao tuổi càng ở gần nhau hay càng tiếp cận được công nghệ họp mặt video bao nhiêu, chương trình càng thành công bấy nhiêu. Bạn có thể nhận biết những ai đã từng tham gia chương trình qua nụ cười tươi lúc nào cũng nở trên gương mặt họ.
Đối với người cao tuổi, các buổi gặp mặt là điểm sáng trong tuần, là cơ hội giúp họ vượt qua những mệt mỏi trong một ngày. Đối với thanh thiếu niên, đây là lúc các bạn kết nối với lớp người thường được cho là nhóm yếu thế trong xã hội, qua đó gặt hái cho mình nhiều trải nghiệm tích cực.
Thanh thiếu niên và lợi ích kết nối liên thế hệ
Kết quả phỏng vấn của tổ chức Học tập Liên thế hệ Úc cho thấy các cuộc trao đổi có định hướng giữa học sinh và người cao tuổi có thể xây dựng tình kết giao đầy ý nghĩa, khích lệ tinh thần, và gợi mở nhiều mục tiêu sống mới mẻ.
Thanh thiếu niên khi trò chuyện với người cao tuổi về việc học tập hay những hoạt động tại trường là đang giao tiếp với “người thật”, hướng tới “mục tiêu thật”. Học sinh tuổi teen khi được hỏi về cảm nhận qua buổi học liên thế hệ đa số nói về hai điểm chính: tình bạn lành mạnh, không phán xét mà người cao tuổi dành cho các bạn; và sức khoẻ tinh thần được cải thiện. Trải nghiệm này như một luồng gió mới thổi bay tâm trạng căng thẳng.
Tham gia chương trình, học sinh cảm thấy tự tin hơn khi bàn về các nội dung chương trình chính khóa, bất kể là trong giờ học tập liên thế hệ hay giờ học các môn khác. Các bạn thích được lắng nghe, và ngược lại, kỹ năng lắng nghe người khác của các bạn cũng phát triển rõ rệt.
Phía phụ huynh và giáo viên cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nơi con trẻ. Các bạn lúc trước khó chú ý trong giờ học hiện đã tập trung hơn. Nhiều bạn cũng hiểu thêm nhiều về mặt lịch sử của các khái niệm đã học tại trường. Một số bạn trẻ thay đổi tính cách rõ rệt, tự tin hơn, theo quan sát của cha mẹ. Phụ huynh cũng cho biết con họ ít bị áp lực trong chuyện học hành hơn và lúc nào cũng háo hức chờ lớp học liên thế hệ, thậm chí còn nhận định đây là “trải nghiệm đổi đời” cho các con. Còn thầy cô giáo nhận xét nhờ các buổi trao đổi mà bầu không khí lớp học thân thiện hơn, học sinh hòa nhã với nhau hơn.
Giáo viên có thể biến hoạt động lớp để tạo nên môi trường học tập mới
Bất kể nội dung học tập nào cũng có thể được tích hợp vào các buổi trao đổi. Học sinh có thể thực hiện các hoạt động sáng tạo cùng người cao tuổi như viết lách, vẽ tranh, kể chuyện về thể thao, thú cưng, sở thích,…
Niềm hứng thú ở những người cao tuổi tham gia buổi học rất dễ nhận thấy. Họ vô cùng thích gặp mặt và trò chuyện cùng các bạn trẻ, so sánh trải nghiệm của chính bản thân lúc mới lớn với những gì các bạn đang dần trải qua. Họ chia sẻ kinh nghiệm một cách tích cực. Và khi cả hai bên hiểu nhau, chắc chắn buổi học sẽ rôm rả những tiếng cười vui.
Tổ chức một buổi học liên thế hệ
Dù bạn có mời người cao tuổi đến giao lưu trực tiếp hay cho cả lớp trò chuyện qua cuộc gọi video, buổi học vẫn sẽ bổ ích và vẫn đi theo những bước chuẩn bị giống nhau.
Đầu tiên cần hiểu rằng buổi học liên thế hệ cần được tổ chức một giờ mỗi tuần suốt cả học kỳ. Có thể thí điểm trong học kỳ đầu tiên để biết dự án học liên thế hệ có những điểm mạnh và khó khăn gì để có thể cải thiện trong các đợt tổ chức về sau. (Và đừng nên đặt nặng buổi học này làm một phần của chương trình chính khóa mà hãy xem nó như nội dung bổ sung, tăng cường những kiến thức có sẵn.)
Liên lạc bên điều phối hoạt động viện dưỡng lão hay làng hưu trí để lên kế hoạch dự án. Khi đã sắp xếp được thời gian hợp lý cho cả hai bên cũng là lúc bạn chính thức chạy chương trình.
Có thể kiểm tra trước và sau khi tổ chức chương trình để đo các chỉ số phát triển qua buổi học, như lượng từ vựng mới được tiếp nhận, sự sụt giảm mức độ lo âu căng thẳng khi đến trường học, hay phong thái tự tin khi phát biểu trước đám đông.
Sắp xếp các hoạt động trong buổi trò chuyện một cách hợp lý. Có thể chỉ đạo hai học sinh đứng ra dẫn chương trình và chủ trì buổi hỏi đáp. Đảm bảo có các hoạt động như chuyện phiếm giữa học sinh và nhóm người cao tuổi; phần đặt câu hỏi; phần trình bày với hình ảnh, hiện vật; phần ca hát, nhảy múa,…
Trong mỗi buổi học cần bảo đảm đối thoại diễn ra hai chiều. Cả hai bên đều phải đặt câu hỏi và chia sẻ câu chuyện, qua đó mới gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn, và nhận ra nhiều điều bất ngờ về nhau. Tuy chủ điểm mỗi tuần có thể thay đổi, hãy giữ nguyên cấu trúc buổi học để người tham gia không quá lúng túng buổi sau.
Điều quan trọng nhất là cần những giáo viên hoạt bát và bên điều phối dưỡng lão năng động tâm huyết với dự án, có vậy mới tạo được những tương tác tích cực.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)