Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để giúp trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết trong học tập. Sự pha trộn những kỹ năng như: tổ chức, quản lý thời gian, kỹ năng sắp xếp ưu tiên công việc, khả năng tập trung và tạo động lực… sẽ giúp trẻ đạt được những thành công trong học tập. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn xác định những hướng đi đúng đắn cho con mình ngay từ nhỏ.
Trò chuyện cùng trẻ
Để hiểu rõ con bạn có và nên phát triển những kỹ năng nào, hãy cùng trẻ trò chuyện về những mục tiêu đề ra trong tương lai: môn học yêu thích, những giờ học mà con luôn cảm thấy áp lực và liệu rằng trẻ có hài lòng với kết quả học tập gần đây không.
Quan sát
Hãy kết hợp việc đánh giá của cha mẹ và việc trẻ tự đánh giá chính mình. Liệu trẻ có bị quá tải vì việc làm bài tập không? Nếu có, có thể trẻ đã gặp vấn đề trong việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Liệu trẻ có gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài học không? Nếu có, trẻ có thể rất dễ bị xao lãng. Nếu con bạn không thích đi học thì có lẽ trẻ cần được động viên và khuyến khích.
Nhận ra vấn đề
Hãy giúp con bạn nhận ra 5 kỹ năng cần thiết sau đây:
1. Tổ chức
Đối với nhiều học sinh, những thách thức trong học tập thường liên quan tới việc không biết cách tổ chức việc học hơn là do thiếu năng lực trí tuệ.
Những gợi ý sau sẽ giúp trẻ sắp xếp việc học tốt hơn:
- Hãy lập một danh sách những thứ mà trẻ cần mang tới trường và mang từ trường về nhà mỗi ngày. Copy và dán một bản gần cửa ra vào và một bản trong cặp của trẻ. Cố gắng cùng trẻ kiểm tra mỗi ngày xem liệu trẻ có nhớ những thứ có trong danh sách hay không.
- Tìm hiểu xem làm cách nào trẻ phân bố lượng bài tập về nhà của mình và sắp xếp sách vở như thế nào. Sau đó cùng trẻ sắp xếp theo cách mà trẻ thích.
- Cùng trẻ mua sắm những đồ dùng học tập để giúp trẻ có thể sắp xếp mọi thứ một cách có trật tự như bìa kẹp hồ sơ, folder hay một cuốn sách bài tập.
2. Quản lý thời gian
Học cách lên kế hoạch hoàn thành một lượng bài tập nhất định có vẻ khá khó khăn cho trẻ. Thậm chí là trẻ có cả một tuần lễ để chuẩn bị cho một bài tập, nhưng chỉ bắt đầu làm bài vào buổi tối trước ngày hết hạn. Hãy cùng trẻ học cách tổ chức thời gian theo cách có lợi nhất:
- Theo dõi các bài tập của trẻ hàng tháng. Hãy cùng trẻ thảo luận bài tập nào quan trọng và cần nhiều thời gian, và chia nhỏ bài tập để hoàn thành mỗi ngày.
- Giúp trẻ ghi chú lại cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành bài tập mỗi tuần, rồi sau đó trẻ sẽ nhận ra cách để phân chia thời gian theo những phân khúc hợp lý.
- Hãy cùng trẻ xác định khoảng thời gian nhất định để hoàn tất bài tập về nhà mỗi tối và giúp trẻ ghi nhớ thời khóa biểu này.
- Nếu mỗi tối trẻ không có đủ thời gian làm bài tập, hãy giúp trẻ tìm những khoảng thời gian thích hợp khác như lúc sáng sớm hay những khoảng thời gian tự học tại trường hay vào những ngày cuối tuần.
3. Phương pháp ưu tiên
Thỉnh thoảng trẻ bị tuột lại phía sau bạn bè hay không thể hoàn thành bài tập để nộp vì không biết nên bắt đầu từ đâu. Biết sắp xếp những bài tập cần ưu tiên làm trước là một kỹ năng trẻ rất cần trong suốt cả cuộc đời và chẳng bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu học những kỹ năng này.
- Hãy yêu cầu trẻ viết tất cả những việc cần làm, kể cả những việc không liên quan đến học tập.
- Sau đó, giúp trẻ xác định những việc nào quan trọng theo thứ tự 1 đến 3 với vị trí số 1 là quan trọng nhất.
- Giúp trẻ thay đổi một vài vị trí ưu tiên cho học tập. Sau đó, khuyến khích trẻ viết lại danh sách ưu tiên này.
- Thường xuyên cùng trẻ kiểm tra danh sách ưu tiên đang được thực hiện ra sao và trẻ đang đặt ưu tiên cho những việc mới thế nào.
4. Tập trung
Dù trẻ đang luyện cách đánh vần hay đang chuẩn bị cho bài kiểm tra toán, điều quan trọng là trẻ đang học với sự tập trung cao độ và không bị gián đoạn.
- Không cho trẻ mở mail hay game khi đang học trên máy tính.
- Không cho trẻ sử dụng điện thoại hay xem TV trong khi đang làm bài tập.
- Tìm chỗ thích hợp để trẻ làm bài tập. Nếu trẻ đang làm một bài tập về khoa học thì chắc chắn trẻ sẽ cần nhiều không gian. Nhưng nếu trẻ đang học môn tiếng Anh, chắn chắn sẽ cần một chiếc bàn đủ sáng.
- Thỉnh thoảng tách trẻ ra khỏi các anh chị em khác để giúp trẻ chú tâm làm bài tập.
5. Tạo động lực
Hầu hết trẻ em nói rằng chúng muốn học thật tốt ở trường, tuy nhiên nhiều trẻ vẫn không thể nào hoàn thành bài tập để đạt được những điểm số cần thiết. Lý do thường liên quan đến việc tạo nguồn cảm hứng cho trẻ. Tập trung vào những sở thích của trẻ là một cách hữu hiệu nhằm giúp trẻ học tập tốt hơn tại trường.
- Hãy liên hệ những bài học ở trường với cuộc sống của trẻ. Nếu trẻ đang học về tỷ lệ phần trăm, hãy hỏi trẻ tìm ra giá một mặt hàng giảm giá mà bạn sẽ mua.
- Hãy liên kết những sở thích của trẻ với việc học. Nếu trẻ ưa thích môn âm nhạc, hãy tặng cho trẻ những cuốn sách hay về các nhạc sĩ để trẻ nhận thấy âm nhạc và ngoại ngữ liên kết với nhau thế nào.
- Tạo cho trẻ sự tự điều chỉnh và chọn lựa nhiều cơ hội. Cùng với những chỉ dẫn, hãy giúp trẻ xác định giờ học của mình và tổ chức việc học tập tại trường.
- Khuyến khích con trẻ chia sẻ ý kiến. Thường xuyên hỏi trẻ về những gì trẻ đang học tại trường.
- Chúc mừng, khuyến khích và thưởng cho tất cả những thành công mà trẻ đạt được.
Thông thường, điều khiến trẻ luôn thụt lùi, không chịu cố gắng là do trẻ sợ thất bại hay nhớ lại những việc trẻ đã không làm tốt. Bạn có thể giúp trẻ phá vỡ vòng xoáy luẩn quẩn này bằng cách thưởng cho những thành công mà trẻ đạt được vì bất kể đó là thành công nhỏ hay lớn đều tạo cho trẻ nhiều cơ hội để thành công hơn.
Kỳ Lân
Theo www.greatschools.org
Ảnh: Internet