Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Bạn có thể làm nghề gì với bằng luật?

Không chỉ tìm được việc làm trong lĩnh vực pháp lý, sinh viên sở hữu tấm bằng luật còn có thể nắm bắt nhiều cơ hội tuyển dụng rất đa dạng.

Những ngành nghề điển hình

Bất kể tốt nghiệp cử nhân hay các bậc học cao hơn, sinh viên luật vừa tốt nghiệp thường bắt đầu từ những vị trí thấp. Sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, các bạn mới có thể đảm nhiệm các vị trí cao hơn.

Ta có thể kể ra một số công việc ngành luật vị trí thấp như: thư ký xếp lịch, thư ký tòa án, tư vấn pháp luật tại tòa (hay thư ký thẩm phán), nhân viên đưa tin của tòa, mã hóa tài liệu, thư ký văn thư, thư ký luật sư phúc thẩm, thư ký ghi chép, trợ lý lập pháp, thư ký thư từ, trợ lý luật sư,…



Ảnh: www.topuniversities.com

Sinh viên cũng có thể chọn con đường học việc - tức thực tập thực tế ngay tại các hãng luật mà không cần học qua trường lớp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sinh viên luật kết hợp cả hai, học ở trường và làm việc ở vị trí luật sư tập sự, thư ký học việc, thư ký tư pháp,… ở các hãng luật.

Những ngành nghề liên quan đến tòa án

Thường các nghề luật chia làm hai mảng: trong và ngoài tòa án. Ta có thể kể đến một số vị trí làm việc tại tòa như: nhân viên đánh máy tại tòa, thư ký chính của tòa, quản lý tòa, phiên dịch tòa án, nhân viên tốc ký, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên ghi hình, thẩm phán, uỷ viên bồi thẩm đoàn, tư vấn bồi thẩm, chuyên viên tuyển chọn bồi thẩm, phóng viên luật, thẩm tra đơn kiện, thư ký kiện tụng, chuyên viên xử lý kiện tụng, thẩm phán, chuyên viên hòa giải (hoặc trọng tài), tổng lục sự, chuyên viên kết nối tòa trực tuyến,…

Các vị trí tại hãng luật

Sinh viên luật tốt nghiệp có thể làm việc tại nhiều hãng luật khác nhau thuộc nhà nước hoặc doanh nghiệp; tập trung tư vấn cho thân chủ hoặc cho cả tập đoàn.



Ảnh: www.topuniversities.com

Các hãng tư vấn luật, hãng luật cộng đồng, công ty khởi nghiệp luật, hay các hãng luật nhỏ thường chỉ chuyên về một mảng luật nhất định; trong khi các hãng luật “tầm cỡ” hơn sẽ tuyển nhiều luật sư chuyên về các mảng khác nhau. Những hãng luật lớn này thường chia làm hai bộ phận: bên chuyên tư vấn thân chủ và lo các vấn đề giấy tờ và bên đại diện cho thân chủ tại tòa.

Hãng tư vấn luật nhỏ nhất có thể chỉ có một người: tức những luật sư tự do, hay những luật sư tư vấn trực tiếp hay trực tuyến cho các thân chủ của nhiều hãng luật khác nhau.

Các bạn sinh viên luật tốt nghiệp cũng có thể đảm nhận vị trí luật sư tại các quỹ từ thiện, những tổ chức vì lợi ích cộng đồng, những tổ chức phi lợi nhuận/phi chính phủ, những viện nghiên cứu chính sách. Các bạn cũng có thể hành nghề tư vấn luật ăn lương hay vì thiện nguyện.

Ta còn có thể kể đến một số vị trí khác như: luật sư bên nguyên, luật sư doanh nghiệp, thương lượng hợp đồng, thẩm tra cáo buộc, thẩm tra quyền hạn, hay luật sư làm việc tại các cơ sở đại học,…

Các ngành nghề khác

Một số ngành nghề tuy không liên quan trực tiếp đến thực hành luật nhưng vẫn vận dụng được các kiến thức và kỹ năng các bạn đã học và trau dồi tại trường bao gồm: giảng viên luật, nhân viên đào tạo pháp lý, nhân viên tư vấn hướng nghiệp tại các trường luật, chuyên viên giáo dục pháp luật thường xuyên, viết các phần tin luật pháp cho các tờ báo hay tạp chí, tuyển dụng nhân sự ngành luật, nhà phân tích luật pháp ở các cơ quan chính phủ.

Nhiều nghề nghiệp khác lại yêu cầu các bạn phải làm việc với luật sư. Những nghề như vậy có thể kể ra là: nhân viên chuyên trách vấn đề tị nạn và hải quan; nhân viên hành pháp hay cai ngục; chuyên viên hỗ trợ hay phân tích lập pháp; nhân viên tái lập hiện trường tai nạn; nhân viên làm việc tại bộ phận quỹ ở các ngân hàng; chuyên viên phân tích luật di cư/dân sự; chuyên viên phân tích tranh chấp; chuyên viên vì lợi ích cộng đồng; nhân viên kiểm soát tuân thủ; nhân viên kiểm soát bồi thường thiệt hại; chuyên viên chính sự quốc hội; nhà ngoại giao; hay chuyên gia quan hệ quốc tế.

Những ngành nghề không thuộc lĩnh vực pháp lý



Ảnh: www.topuniversities.com

Bởi các chương trình luật cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức và kỹ năng đa dạng nên sinh viên ra trường có thể chọn những ngành nghề không thuộc mảng pháp lý.

• Lĩnh vực giao tiếp và giải trí: Bạn có thể sử dụng kỹ năng giao tiếp và thuyết phục của mình để tìm việc làm trong nghề quảng cáo, marketing, bán hàng, nhân sự,… Bạn cũng nên thử làm nhân viên quản lý vận động viên, nhà văn, hay các nhân vật tài năng khác. Bất động sản cũng là một lĩnh vực khá thú vị dành cho những sinh viên luật vừa tốt nghiệp. Ngoài ra, kết hợp các kỹ năng pháp lý với viết lách, bạn có thể dấn thân vào con đường sáng tạo nội dung, viết kịch bản, biên tập, phóng viên báo chí, xuất bản, hay phát hành các sản phẩm truyền thông khác.

• Lĩnh vực kinh doanh và chính trị: Bạn có thể sử dụng kỹ năng tổ chức cùng kiến thức về kinh doanh và quản lý để đảm đương vị trí tổng giám đốc quản lý hay tổng giám đốc nguồn lực, hay quản lý trách nhiệm xã hội của doanh ngiệp. Bạn cũng có thể sử dụng kiến thức xã hội học và đạo đức học để tham gia chính trường (như làm tư vấn viên chính trị hay nhà chiến lược chính sự chẳng hạn) hay tham gia vào quy trình hoạch định, nghiên cứu chính sách của chính phủ.

• Lĩnh vực nghiên cứu và báo chí: Kết hợp các kỹ năng học được từ trường luật với năng lực nghiên cứu, vậy là bạn có thể trở thành nhân viên lưu trữ, thủ thư, hay thậm chí là trợ lý nghiên cứu cho chính khách. Bạn cũng có thể chọn những ngành nghề thuộc mảng truyền thông như phát thanh viên, phóng viên truyền hình, phóng viên đài phát thanh, hay nhân viên gây quỹ.

• Lĩnh vực hành pháp và kiểm toán: Những sinh viên luật mạnh về tính toán, phân tích có thể tham gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kiểm toán, kế toán, quản lý đầu tư,… Còn nếu có hứng thú với mảng hành pháp, các bạn có thể gia nhập lực lượng cảnh sát hay các lực lượng điều tra, tình báo.

• Các ngành nghề tiếp xúc nhiều với con người: Nếu bạn thích làm việc với trẻ em hay muốn giúp đỡ những người yếu thế, bạn có thể tham gia các công việc như giáo viên bổ túc hay nhân viên phát triển con người, tư vấn viên hướng nghiệp hay tư vấn viên cá nhân.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán