Theo một nghiên cứu gần đây, khoảng 13 trường đại học Anh có thể phải đối mặt với thảm họa tài chính từ sau đợt bùng phát dịch bệnh vi rút Corona, ảnh hưởng đến 1 trong số 20 sinh viên ở Anh Quốc và cắt giảm đáng kể số lượng việc làm.
Ảnh: Bailey-Cooper Photography/Alamy Stock Photo
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), lĩnh vực giáo dục đại học của Vương quốc Anh sẽ chịu lỗ từ 3 cho đến 19 tỷ bảng Anh vào năm học 2020-2021 với quy mô thiệt hại phụ thuộc vào số lượng sinh viên quyết định không nhập học.
IFS tính toán rằng tiền trợ cấp thất nghiệp và những tổn thất đầu tư được tạo ra do sự suy thoái nền kinh tế sẽ có tác động to lớn đến bảng cân đối kế toán của trường đại học trong 4 năm tới.
Các trường đại học sẽ không thể bù đắp được những tổn thất qua việc cắt giảm chi phí nếu họ không cắt giảm nhân sự đáng kể.
Mặc dù IFS không kể tên 13 trường có nguy cơ nhất, các tác giả đề nghị những trường với nguồn kinh phí thấp và các khoản đầu tư nhỏ sẽ phải cần sự giúp đỡ của chính phủ hay quản lý lại các khoản nợ để sống sót.
“Không phải trường đại học nào với những khoản tổn thất lớn liên quan tới Covid-19 cũng có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên thay vào đó, những tổ chức, thường kém uy tín hơn, bước vào cuộc khủng hoảng trong tình hình tài chính yếu với ít tài sản ròng, lại có nguy cơ cao nhất,” theo IFS.
Theo phân tích của IFS, các trường đại học với các khoảng tổn thất lớn đã từng có lợi nhuận cao trước cuộc khủng hoảng và kinh phí tài chính đáng kể, cho phép họ ổn định trong khi lợi tức giảm xuống đáng kể.
“Nếu chính phủ muốn né tránh tình trạng vỡ nợ của trường đại học, lựa chọn dễ dàng nhất sẽ là giải cứu theo từng mục tiêu, với chi phí ước tính khoảng 140 triệu bảng Anh,” Elaine Drayton, một trong những tác giả của bản báo cáo của IFS, cho biết.
“Giải cứu những trường đang sa sút có thể làm yếu những khích lệ dành cho những tổ chức khác để họ quản lý tài chính một cách cẩn trọng trong tương lai. Sự gia tăng vốn nghiên cứu giúp tránh vấn đề này nhưng gần như không giúp được các trường đang chịu rủi ro cao nhất, vì một vài trong số họ đang hoạt động nghiên cứu.”
Jo Grady, tổng thư ký của Liên hiệp các trường đại học và cao đẳng, cho biết trong bài báo cáo của IFS, đây cũng là tin xấu cho sinh viên và nhân viên ở hệ giáo dục đại học.
“Các trường đại học đã sẵn sàng sa thải nhân viên, những nhân viên người da đen và nhân viên đến từ cộng đồng thiểu số sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng tôi cần một gói hỗ trợ toàn diện để bảo vệ việc làm, duy trì khả năng đào tạo và đảm bảo sự sống còn của các trường đại học”, Grady cho biết.
IFS tiên đoán rằng lĩnh vực giáo dục sẽ chịu tổn thất 11 tỷ bảng Anh với việc giảm sút 50% số lượng tân sinh viên quốc tế. Họ cho rằng lượng đăng ký học của sinh viên EU sẽ giảm đi một nửa trong năm 2020-2021 “do giới hạn đi lại và sự gián đoạn dịch vụ hành chính… cũng như những lo lắng về sức khỏe,” mặc cho đây là năm cuối cùng sinh viên EU được ưu đãi như các sinh viên Anh Quốc.
Viện cũng ước tính số lượng đăng ký nhập học từ Anh Quốc sẽ giảm 10% vì “một vài sinh viên có thể chọn không tham gia những trải nghiệm đại học quá khác biệt hay đơn giản vì lý do sức khỏe.”
Sự suy thoái trên thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. IFS ước tính các trường đại học sẽ cần tăng điều khoản tiền trợ cấp lên 25%, trong khi nguồn thu nhập từ đầu tư dự kiến sẽ giảm 10%.
Vân Anh
(Lược dịch)