Dạy con tự bảo vệ bản thân là điều quan trọng nhất nhưng nó cũng là một trong những việc khó nhất. Nếu bạn nói với trẻ sự thật về những kẻ xấu, bạn sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy bất an; nhưng nếu không, bạn sẽ khiến chúng gặp nguy hiểm. Điều quan trọng là phải biết cách đưa ra những lời khuyên phù hợp.
- Đừng bảo trẻ: “Không được nói chuyện với người lạ”. Điều này làm cho chúng cảm thấy tất cả mọi người đều là người xấu. Trong thực tế, người xấu chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thay vào đó, hãy dạy trẻ rằng: “Hầu hết mọi người đều tốt chỉ một số người làm những điều xấu”.
- Dạy trẻ nhờ người giúp đỡ khi bị lạc hay bị đe dọa. Khuyên chúng ưu tiên tìm sự giúp đỡ từ cảnh sát, nhân viên bảo vệ mặc đồng phục, nhân viên cửa hàng hoặc một bà mẹ có con nhỏ.
- Dạy trẻ cách tiếp cận và nhờ sự giúp đỡ từ người lạ nếu cần thiết, đồng thời dạy trẻ cách từ chối một người lạ chủ động tiếp cận trẻ. Ví dụ, dạy trẻ từ chối khi được người lạ yêu cầu giúp tìm thú cưng, ăn kẹo hoặc lên xe cho đi nhờ bằng cách la hét, chạy và nhờ nguời lớn gần nhất giúp đỡ.
- Đáng ngạc nhiên là hầu hết các tội phạm trẻ em thường là những người quen của trẻ. Phần lớn các vụ bắt cóc và gây hại cho trẻ được thực hiện bởi những người mà đứa trẻ quen biết như người thân, người giữ trẻ, giáo viên… Trẻ em không nên sợ tất cả người lạ và cũng không nên tin mù quáng những người quen biết.
- Dạy trẻ mách với bạn nếu bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì khiến chúng cảm thấy sợ hãi hoặc không thoải mái và bạn luôn sẵn sàng giúp chúng giải quyết rắc rối. Dạy chúng không nên giữ bí mật bất cứ điều gì mà ai bảo với chúng nếu thấy điều đó không thoải mái.
Thay vì hù dọa trẻ bằng những câu chuyện kinh dị, hãy tạo điều kiện để chúng phát triển kỹ năng ứng phó thông minh trên đường phố. Ví dụ, nếu con bạn là người rụt rè hay sợ hãi, hãy nhờ chúng giúp bạn trông ngôi nhà, để chúng trở nên cảnh giác hơn và có trách nhiệm hơn.
Đình Phú
(Lược dịch)