Thanh thiếu niên đang bận phải cố gắng để hiểu những thay đổi thể chất đang diễn ra, cũng như những thay đổi về mặt cảm xúc và thỉnh thoảng là tâm trạng, sự thu hút về giới tính hay mong muốn tự kiểm soát bản thân, những điều này có thể làm cho chúng tức giận. Cũng giống như những cảm xúc khác, tức giận là điều hoàn toàn tự nhiên và không có gì đúng hay sai mỗi khi giận dữ. Tuy nhiên, cái cách mà sự giận dữ thể hiện có thể gây tổn thương, đáng sợ và hủy hoại bản thân.
Ảnh: henrypaulmd.com
Cũng giống như nỗi đau, bản thân sự tức giận có thể đóng vai trò quan trọng để cho bạn biết những gì đang xảy ra là không thể chấp nhận được và cần phải thay đổi điều gì đó.
Việc tức giận có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy những nhu cầu quan trọng không được đáp ứng, một sự thúc đẩy để thay đổi hoặc một cách để cho người khác thấy chúng ta cảm thấy như thế nào và những gì chúng ta cần.
Thật khó để giải quyết những cảm xúc mãnh liệt khi bạn cảm thấy tức giận. Việc cảm nhận sự tức giận và không được phép thể hiện ra bên ngoài có thể khiến chúng ta cảm thấy bất lực, bơ vơ, và nó có thể khiến chúng ta trầm cảm hoặc bực tức.
Đối phó với sự khủng hoảng
Đôi khi, bọn trẻ dường như đẩy bạn ra xa và kết quả là những tranh cãi và xung đột có vẻ giống như những cơn giận trẻ con. Khi những người trẻ tuổi có cảm xúc mạnh mẽ, chúng thường không có khả năng suy nghĩ thẳng thắn hoặc lắng nghe lý trí. Những gì chúng có thể cần là giải tỏa cảm xúc của mình một cách an toàn và đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề.
Đừng cá nhân hóa vấn đề
Có vẻ như cơn giận của con đang hướng vào bạn và chúng muốn bạn lắng nghe chúng và làm điều gì đó. Nhưng phần lớn thời gian chúng khó chịu hoặc tức giận về những vấn đề không liên quan đến bạn. Cuộc tranh cãi có thể được bắt đầu bởi một sự bất đồng giữa chúng với một người bạn ở trường và chúng có thể nghĩ rằng bạn đang xen vào. Hãy lắng nghe và chấp nhận những điều chúng muốn hoàn toàn khác với bạn, nhưng đừng khó chịu hoặc tức giận lại. Điều quan trọng là đừng để sự tức giận của chúng trở thành cơn giận của bạn vì cảm xúc mạnh có thể bị ảnh hưởng.
Lắng nghe một cách cẩn thận
Hãy coi việc lắng nghe là điểm xuất phát để hiểu con hơn là quyết chiến trong cuộc tranh luận hoặc bắt chúng phải cư xử chừng mực. Bạn hãy lắng nghe tông giọng của trẻ chứ không phải lời nói. Vì vậy, thay vì nghe thấy: “Con ghét mẹ! Tại sao mẹ không để con yên?”, thì bạn hãy nghe: “Con thực sự cảm thấy rất khó chịu, con đang cố gắng xoay sở một mình và có cảm giác như mẹ không tin tưởng con”.
Bằng cách cố gắng hiểu những gì đang thực sự diễn ra bên trong lời nói của con, bạn có thể hiểu những gì con bạn đang thực sự cảm thấy và những gì chúng cần. Lắng nghe có thể giúp giảm nhiệt cảm xúc và đưa chúng trở lại trạng thái cân bằng.
Đặt giới hạn cho hành vi của con bạn
Việc hiểu cảm xúc và nhu cầu của con cũng như lý do tại sao chúng hành động như vậy không giống như việc dung túng hoặc chấp nhận một số hành vi. Khi bạn đã giúp chúng bình tĩnh lại bằng cách lắng nghe và khôi phục sự cân bằng trong suy nghĩ và cảm xúc, bạn có thể đặt giới hạn cho hành vi của con trong khi giúp chúng tìm cách giải quyết vấn đề. Vì vậy, bạn có thể nói, “Mẹ muốn con tìm ra cách giải quyết vấn đề này mà không hét vào mặt mẹ hoặc đóng sầm cửa lại.”
Chờ đến khi “cơn bão” kết thúc
Khi sự bình tĩnh được phục hồi, bạn cần thừa nhận những cảm giác đau đớn và mạnh mẽ mà con bạn đang trải qua. Từ đó, giúp chúng tìm ra cảm xúc, những gì chúng cần, những gì chúng có thể làm để thể hiện những cảm xúc đó trong tương lai và đạt được những gì chúng cần mà không làm tổn thương bản thân và người khác.
Đôi khi chỉ cần nhận ra, chấp nhận cảm xúc và nhu cầu của chúng là đủ. Trong một vài trường hợp khác, bạn có thể giúp con tìm ra những gì chúng sẽ làm. Gác lại nỗi buồn và hướng tới tương lai có nghĩa là bạn phải chấp nhận rằng bạn không thể làm gì để thay đổi một tình huống, nhưng bạn luôn có thể thay đổi cách bạn hành động hoặc cảm nhận về nó.
Vân Anh
(Lược dịch)