Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Kiệt sức thời đại học

Hãy thử tưởng tượng xem. Bạn thức dậy vào buổi sáng, bắt đầu một ngày với nhiều bài giảng trên lớp cũng như nhiều bài tập ở nhà. Nhưng tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là tiếp tục nằm ngủ. Chỉ cần nghĩ đến những việc phải làm cũng khiến bạn cảm thấy choáng váng. Bạn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, và không thể nào bình tĩnh. Nếu đây đúng là hình ảnh của bạn thì có lẽ bạn đang bị kiệt sức trong học tập đấy.

Cách nhận biết tình trạng kiệt sức trong học tập



Ảnh: www.topuniversities.com

Số lượng tiết học tăng, các lớp dạy trực tuyến ngày càng nhiều, cộng với áp lực từ đại dịch là những nhân tố khiến kiệt sức trong học tập ngày càng phổ biến hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xác nhận kiệt sức (burnout) là một dạng rối loạn và xếp nó vào Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD-11).

Vấn đề là người bị kiệt sức thường khó nhận ra bản thân mắc phải rối loạn này, theo Giáo sư Craig Jackson, nhà tâm lý chuyên về sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Birmingham City. Giáo sư cho biết: “Hãy lắng nghe các câu nói như ‘Dạo này trông có vẻ cáu gắt, nóng giận hơn bình thường nhỉ’ từ bạn cùng phòng hay từ người thân. Họ là những người sẽ cho bạn biết bạn có đang gặp phải vấn đề nào hay không.”

Những triệu chứng phổ biến nhất của kiệt sức là cảm giác không theo kịp tiến độ. Bạn cảm thấy có quá nhiều thứ phải thực hiện, quá nhiều bài tập, rồi chuyện thi cử và lên lớp cứ liên tục dồn dập.

Tình trạng kiệt sức rút cạn năng lượng, khiến bạn mất động lực và dễ chán nản hơn. Giáo sư Jackson giải thích: “Bạn không thể bắt tay vào việc gì cả vì có quá nhiều việc cần làm và bạn nghĩ dù mình có làm gì thì cũng không sao hoàn thành được mọi thứ.”

Cảm giác choáng ngợp này có thể khiến bạn mệt mỏi, mất ngủ, và lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. Một số bạn còn bị nhức đầu, đau lưng hay đau xương khớp. Tất nhiên, cuộc sống gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng khi bạn trở nên gắt gỏng hơn.

Giáo sư Jackson cho biết: “Nếu bạn cảm thấy khó chịu và liên tục cáu gắt hay không thể ngủ yên do lo lắng về bài vở, đó là các dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng kiệt sức đang tấn công cơ thể. Bạn vẫn còn cơ hội ngăn chặn nó nhưng muốn làm vậy thì bạn phải dành ra một chút thời gian nghỉ ngơi đã.”

Nguyên do gây kiệt sức trong học tập



Ảnh: www.topuniversities.com

Thường kiệt sức trong học tập không bắt nguồn từ một nhân tố duy nhất mà đến từ nhiều áp lực gây căng thẳng khác nhau. Sau một thời gian dài chịu tác động, nếu bạn không giải quyết được chúng thì các áp lực này sẽ khiến bạn kiệt sức.

Tuy nhiên, ta cũng có thể kể ra một số tác nhân gây căng thẳng điển hình trong đời sống sinh viên, nhất là trong tình hình đại dịch hiện tại.

Tình trạng công việc quá tải

Phải đảm đương quá nhiều công việc có cùng một thời hạn dễ khiến sinh viên căng thẳng cao độ, nhất là khi các bạn muốn đạt được một số điểm nhất định nào đó.

Có lẽ bạn dành quá nhiều thời gian nhìn màn hình máy tính mà không dành đủ thời gian tập thể dục hay ngủ nghỉ. Những tác nhân này đều làm tăng khả năng kiệt sức.

Bỏ qua những sinh hoạt khác

Khi có quá nhiều việc phải làm, sinh viên thường phải hy sinh một phần thời gian sinh hoạt của mình để bắt kịp với trường lớp: thức khuya để hoàn thành bài luận, hủy các chuyến đi chơi, không cho bản thân thời gian thư giãn.

Giáo sư Jackson nói: “Điều đó cũng có nghĩa hy sinh luôn thời gian tập thể dục, thời gian dành cho gia đình, và thời gian dành cho sức khoẻ bản thân. Nếu không cân bằng lại giữa việc học và nghỉ ngơi, sinh viên vẫn sẽ mắc phải chứng kiệt sức này.”

Lo lắng về tiền nhà trọ

Nỗi lo lắng không nhất thiết bắt nguồn từ việc học mà có thể đến từ vấn đề nhà ở, phòng trọ. Tại Anh hiện đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình về vấn đề tiền trọ cũng như tình trạng trả tiền nhưng vẫn không thể ở trọ do đại dịch.

Lydia Jones, người sáng lập chiến dịch #SaveOurStudents cho biết: “Các sinh viên tuy đã đóng đầy đủ tiền trọ nhưng phần lớn lại không thể ở. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ tinh thần của các em.” Mục đích của #SaveOurStudents là kêu gọi các tổ chức chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên cùng các bên cung cấp phòng trọ và nhà ở trong thời đại dịch.

Jones nêu thực trạng đáng buồn: “Đáng lẽ sinh viên cần chuyên tâm học hành nhưng các em bị buộc phải đấu tranh cho quyền lợi được giảm giá và được hoàn tiền ở trọ.”

Cảm giác lạc lõng trong những lớp học trực tuyến

Đại dịch khiến nhiều trường phải chuyển sang học trực tuyến. Vì dịch Covid-19 mà thời lượng tương tác trực tiếp ngày càng ít dần. Đây có thể là lý do nhiều bạn sinh viên cảm thấy lạc lõng, cô lập.

Theo một khảo sát mới đây, 73% sinh viên cho biết các bạn cảm thấy không được nhà trường giúp đỡ đầy đủ về mặt sức khỏe tinh thần.

Lydia Jones mong muốn chính phủ đầu tư nhiều hơn vào chương trình đào tạo hỗ trợ sức khỏe tinh thần dành cho các giáo vụ làm việc với sinh viên. Cô nói: “Nhìn chung hoạt động đào tạo sức khỏe tinh thần chưa thật sự phổ biến ở bậc đại học.”

Vấn đề tài chính

Vì đại dịch Covid-19 mà nhiều hàng quán khắp thế giới phải đóng cửa, khiến sinh viên mất đi việc làm bán thời gian - cũng là nguồn thu nhập trọng yếu đối với một số em. Jones cho biết: “Sinh viên thường làm các công việc bán thời gian ở mảng phục vụ, giải trí, hay bán lẻ và các công việc này rất bấp bênh.”

Cô cũng cho biết phần lớn các sinh viên tại Anh cũng không được chính phủ hỗ trợ tài chính vì các bạn đã chấp nhận làm việc bán thời gian. Những vấn đề vừa kể trên khiến cho đôi vai các bạn sinh viên ngày càng trĩu nặng trong thời đại dịch vốn đã rất khó khăn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán