Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Ngành nghề nào đang chờ đợi những cử nhân ngành Địa lý?

Nếu chọn học ngành Địa lý, hẳn bạn từng nghe rằng sinh viên địa lý chỉ biết “vẽ bản đồ” - nhưng ngành học này có thể cung cấp cho bạn những kỹ năng nghiên cứu và phân tích được nhiều nhà tuyển dụng chú ý đấy.

Địa lý là ngành học giúp đưa ra những giải pháp dành cho những vấn đề cấp thiết nhất trong xã hội hiện đại, từ mở rộng đô thị và hoà hợp đa văn hoá cho đến quá tải dân số, thiên tai, và biến đổi khí hậu.

Nghề nghiệp tương lai cũng tuỳ thuộc vào việc bạn chọn học địa lý tự nhiên hay địa lý nhân văn. Trong khi địa lý tự nhiên chú trọng đến các quá trình tự nhiên của Trái Đất, địa lý nhân văn lại quan tâm hơn đến những vấn đề liên quan đến con người như cộng đồng và văn hoá.

Các ngành nghề bạn có thể chọn khi theo học Địa lý bao gồm.

Tư vấn môi trường



Ảnh: www.topuniversities.com

Tư vấn viên môi trường làm việc với các doanh nghiệp hay cơ quan chính phủ nhằm đảm bảo những tổ chức này tuân thủ các quy định về môi trường và xử lý được một số vấn đề môi trường nào đó. Công việc chính yếu của vị trí này thường là xác định một mẫu đất, không khí, hay nước có bị ô nhiễm hay không nhờ vào nghiên cứu tại văn phòng lẫn đi thực địa.

Tư vấn môi trường là vị trí có lộ trình thăng tiến ổn định và giúp sinh viên phát triển chuyên môn. Những bạn nào đã trải qua kỳ thực tập sẽ có lợi thế trong tuyển dụng.

Lập bản đồ



Ảnh: www.topuniversities.com

Chuyên viên lập bản đồ có nhiệm vụ phát triển và chế tác nhiều loại bản đồ khác nhau, cũng như vẽ ra các biểu đồ, lược đồ, hay các sơ đồ hướng dẫn du lịch. Chọn ngành nghề này, bạn cũng có thể tham gia phục dựng các bản đồ và tư liệu lịch sử cũ kỹ. Chuyên viên bản đồ là một vị trí cần thiết trong các tổ chức chính phủ, xuất bản, trắc địa, và bảo tồn thiên nhiên. Các chuyên viên lập bản đồ thời nay cũng cần thông thạo những kỹ thuật tân tiến như hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các kỹ thuật lập bản đồ số.

Thông thường vị trí này không đòi hỏi bạn phải có bằng cao học hay kinh nghiệm làm việc thực tế nhiều năm. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm học một vài chứng chỉ chuyên môn nào đó - viễn thám chẳng hạn - và/hoặc đi thực tập thực tế.

Quy hoạch thành phố



Ảnh: www.topuniversities.com

Là một nhân viên quy hoạch thành phố, bạn sẽ thực hiện công việc quản lý và phát triển các khu vực từ nông thôn, thị trấn, làng bản, cho đến các thành phố tấp nập. Bạn có thể áp dụng các kỹ năng phân tích và kiến thức về môi trường vào việc cải thiện hạ tầng cơ sở và giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như đảm bảo những quy hoạch mới tuân thủ chặt chẽ các chính sách và quy định hiện hành.

Trách nhiệm lớn nhất của một nhân viên quy hoạch thành phố là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân địa phương trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn tối đa môi trường thiên nhiên. Để có cơ hội trở thành nhân viên quy hoạch được chứng nhận, bạn nên sở hữu cho mình một tấm bằng thạc sĩ.

Chuyên viên hệ thống thông tin địa lý



Ảnh: www.topuniversities.com

Nếu như không chỉ hứng thú với môi trường, bạn còn muốn làm công việc chuyên về dữ liệu, phân tích, và hệ thống máy tính, đây sẽ là vị trí vô cùng phù hợp. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là loại hệ thống điện toán hoá dùng để thu thập, lưu trữ, phân tích, quản lý, và biểu thị các thông tin địa lý phức tạp, như dữ liệu radar chẳng hạn.

Công việc của chuyên viên GIS bao gồm thu thập và kiểm tra dữ liệu địa lý do hệ thống tạo lập. Những dữ liệu này sau đó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quốc phòng, khai mỏ (dầu và khí đốt), khí hậu, truyền thông và vận tải, cho đến các quyết sách giúp ích cho môi trường sống.

Để có cơ hội ứng tuyển vị trí này, bạn nên đăng ký môn GIS khi còn ngồi ghế giảng đường. Nhiều nhà tuyển dụng vị trí này cũng đề cao những ứng viên có bằng thạc sĩ và/hoặc kinh nghiệm làm việc thực tế.

Chuyên viên bảo tồn



Ảnh: www.topuniversities.com

Nếu bạn là một người yêu thiên nhiên và mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, hãy cân nhắc vị trí này. Nhìn chung, công việc của một chuyên viên bảo tồn bao gồm bảo vệ môi trường tự nhiên và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, bạn còn có thể đưa ra những sáng kiến giúp tổ chức/công ty của mình hoạt động một cách bền vững, không huỷ hoại môi trường sống tại địa phương.

Để có cơ hội theo đuổi ngành nghề này, bạn cần tích luỹ cho mình vốn kinh nghiệm làm việc nhất định thông qua các công việc tình nguyện hay thực tập trả lương. Theo học và nhận được bằng thạc sĩ có liên quan đến phát triển bền vững cũng là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Giáo viên/Giảng viên



Ảnh: www.topuniversities.com

Bạn cũng có thể đóng vai trò giáo viên hay giảng viên, truyền đạt các kiến thức và kỹ năng địa lý lại cho thế hệ mai sau tại nhiều cấp bậc khác nhau từ trung học, đại học, cho đến các cơ sở tổ chức chương trình sau đại học.

Như mọi vị trí giảng dạy khác, bạn cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục hoặc hoàn thành bậc thạc sĩ/tiến sĩ trước khi có thể bắt đầu nghề nhà giáo. Bạn cũng cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, cũng như tâm huyết với nghề; bên cạnh đó không quên bắt kịp với những kiến thức, phát hiện mới về địa lý và thực hiện các phương pháp dạy học gắn liền với thực tế như tổ chức các chuyến thực địa hay dã ngoại chẳng hạn.

Dù chọn theo hướng nào đi nữa, bạn cũng nên tìm kiếm các cơ hội thực tập trải nghiệm để có thể biết được những vị trí nào sẽ cần tuyển mình cũng như xây dựng các mối quan hệ. Thực địa cũng là phương pháp hữu ích giúp phát triển các kỹ năng thực tế và thu thập kinh nghiệm thực tiễn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán