Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Xử lý tình trạng kiệt sức thời đại học

Tình trạng kiệt sức thời đại học xảy đến khi những bạn trẻ chìm ngập trong bài vở cùng việc nhà và cảm thấy bản thân không thể xoay xở nổi. Các bạn thường cảm thấy mệnh nhoài với bộn bề lo toan và vì vậy không thể tập trung vào bất cứ vấn đề gì.

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?



Ảnh: www.topuniversities.com

Nếu bạn cảm thấy những triệu chứng của tình trạng kiệt sức, hãy thực hiện những điều dưới đây.

Để mắt nghỉ ngơi

Giáo sư Craig Jackson, nhà tâm lý học chuyên về sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Birmingham City, đặt ra nguyên tắc 20 - 20 - 20 và cho rằng các bạn sinh viên nên thực hiện theo từng bước như sau: cứ sau mỗi 20 phút nhìn chăm chú vào một vật ở cự ly gần, hãy dành 20 giây nhìn qua một vật gì đó ở cách ta 20m.

Làm theo nguyên tắc này, ta có thể giảm độ mỏi của mắt cũng như gột sạch tâm trí trước khi trở lại làm việc. Đây là hành động đơn giản, dễ thực hiện giúp xoa dịu căng thẳng và giảm khả năng đau đầu do mỏi mắt.

Uống nhiều nước

Mất nước có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), mất nước có thể khiến các bạn trẻ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi.

Xác định nguyên do khiến bản thân căng thẳng

Giáo sư Jackson nhận thấy nhiều sinh viên thường hay cho rằng cố vấn học tập mới chính là nguồn cơn của mọi căng thẳng chứ không phải là vì lượng bài tập quá lớn.

Jackson khuyên nếu xem thầy cô là những người mà mình có thể nhờ giúp đỡ hơn là những người khiến mình “đau khổ”, các bạn sinh viên có thể tránh được tình trạng kiệt sức: “Hãy thử trực tiếp nói với thầy cô rằng: “Bọn em đang gặp khó khăn. Không biết thầy/cô có thể giúp đỡ bọn em được không ạ? Mong thầy/cô cho em lời khuyên.” Mọi cố vấn học tập đều muốn điều tốt nhất cho sinh viên của mình mà thôi; để họ được sinh viên quý trọng hơn ấy mà. Họ cũng từng là sinh viên nên hiểu rõ tình cảnh của các bạn và có thể sẽ đưa ra được những lời khuyên hữu ích.”



Ảnh: www.topuniversities.com

Làm gì khi bị kiệt sức?

Tìm sự giúp đỡ

Nếu nghĩ rằng bản thân sắp kiệt sức, hãy tìm một người nào đó để giãi bày tâm sự. Người đó có thể là cố vấn học tập hoặc là người giảng viên mà bạn cảm thấy có thể thoải mái trò chuyện. Giáo sư Jackson nói: “Nếu bạn cảm thấy bài học khó hiểu, hãy cứ nhờ người khác giúp đỡ. Đừng cố cắn răng chịu đựng.”

Nếu vấn đề bạn gặp phải không chỉ là chuyện học hành, trò chuyện với cố vấn học tập có thể là bước đầu tiên giúp bạn xử lý tình trạng kiệt sức đấy. Họ có thể giúp bạn kết nối với những chuyên viên tâm lý - những người bạn nên gặp khi sức khoẻ tinh thần của bản thân trở nên bất ổn.

Đừng “đứng núi này trông núi nọ”

Theo quan sát của Giáo sư Jackson, các bạn sinh viên hay có xu hướng so sánh bản thân với bạn bè xung quanh - nhất là về điểm số. Thường các bạn sẽ tự gây áp lực không đáng có lên bản thân khi thấy mình không đạt điểm cao bằng các bạn cùng khoá, từ đó cho rằng mình đã thất bại trong học tập.

Nhưng điểm số không phải là nhân tố quyết định thành công trong sự nghiệp sau này. Giáo sư Jackson khuyên: “Thế giới ngoài kia không quan tâm bạn đạt được bao nhiêu điểm cả. Khi nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn, họ sẽ không hỏi về con điểm mà bạn đạt được ở học phần này và học phần nọ - họ không cần biết những con số đó. Cái họ quan tâm là liệu bạn có chăm chỉ hay không, có năng nổ hay không, và có thật thà hay không?”

Chia thời gian để “trị”

Thay vì bắt tay vào làm một mạch và ôm đồm nhiều thứ, hãy chia nhỏ những đầu việc bạn cần làm ra. Điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng kiệt sức.

Những đầu việc nhỏ gọn hơn sẽ cho bạn cảm giác làm chủ được tình thế. Và vì chúng chỉ là những việc nhỏ, bạn sẽ không cảm thấy chúng quá sức nữa.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán