Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Chuyên gia cảnh cáo cẩn thận với chiêu lừa vắc-xin Covid bán trên Darknet

Cơ quan quản lý của Úc cho biết mua vắc-xin Covid trực tuyến có thể không an toàn hoặc không hiệu quả và tiền hoặc thông tin cá nhân của người mua sẽ bị đánh cắp.



Các nhà nghiên cứu tại công ty bảo mật toàn cầu Kaspersky đã tìm thấy quảng cáo trên darknet về việc cung cấp vắc-xin vi-rút Corona với giá dao động từ 250 AUD đến 1.200 AUD một liều - Ảnh: rimom/Alamy

Một bản phân tích 15 thị trường trực tuyến cho hay hiện có 3 loại vắc-xin Covid-19 đang được rao bán trên darknet - một phần của Internet chỉ truy cập được bằng các phần mềm chuyên dụng, không xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm thông thường.

Các nhà nghiên cứu tại công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky tìm thấy nhiều mẩu quảng cáo vắc-xin Pfizer, AstraZeneca, và Moderna, cùng nhiều loại vắc-xin chưa được kiểm nghiệm khác.

Hầu hết các quảng cáo đều bắt nguồn từ bên bán tại Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Giá thành mỗi liều dao động từ 250 đến 1.200 AUD (đô Úc), trung bình khoảng 500 USD.

Theo bảng phân tích: “Thông tin liên lạc được trao đổi qua các ứng dụng nhắn tin như Wickr và Telegram, còn việc thanh toán được thực hiện bằng tiền ảo, chủ yếu là Bitcoin. Phần lớn những người bán chui đã thực hiện khoảng từ 100 - 500 giao dịch, chứng tỏ nhiều thương vụ đã hoàn tất nhưng thông tin về người sử dụng darknet mua được số vắc-xin này vẫn còn là bí ẩn. Với những dữ kiện hiện tại, các chuyên gia Kaspersky không thể khẳng định chắc chắn trong các vắc-xin được rao bán, đâu là thật và đâu chỉ là trò lừa đảo.”

Nhà nghiên cứu quy định pháp luật và quản trị toàn cầu tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), GS. Roderic Broadhurst, cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu tương tự vào tháng 4 năm ngoái nhằm kiểm chứng các dụng cụ bảo vệ và “phương pháp điều trị” Covid-19 được rao bán ở 20 chợ đen trên darknet.

Nghiên cứu cho thấy có 12 chợ đen rao bán những mặt hàng liên quan đến Covid-19, và 3 trong số đó chiếm 85% thị phần, với 645 sản phẩm. Tại thời điểm đó chưa có vắc-xin nào được kiểm chứng nghiêm ngặt, nhưng Broadhurst lại tìm được liều vắc-xin có giá lên đến 24.598 AUD. Các loại vắc-xin được quảng cáo là hàng tuồng từ Trung Quốc cũng đắt đỏ, với mức giá 23.000 USD.

Broadhurst cho biết phần lớn các vắc-xin rao bán trên darknet đều là lừa đảo, khiến người mua mất tiền hoặc chỉ nhận được các lọ nước muối. Ông nói các bình luận khen ngợi sản phẩm nhiều khả năng cũng là giả; bởi cùng một đánh giá nhưng lại xuất hiện trên nhiều sản phẩm khác nhau. Nhiều người bán còn lợi dụng giao dịch để đánh cắp thông tin cá nhân.

Broadhurst chia sẻ: “Đa số mọi người sẽ mất tiền cho những trò lừa đảo này. Nhưng trà trộn trong số chúng rất có thể là vài liều vắc-xin thật. Không thể loại trừ khả năng đó bởi có một số ít người có quan hệ với bên cung ứng hoặc tìm kiếm được những liều vắc-xin bị thất thoát hay bị rơi khỏi xe vận chuyển.”

Dmitry Galov, chuyên gia an ninh mạng tại Kaspersky, không ngạc nhiên khi có người lợi dụng các chiến dịch tiêm phòng để kiếm tiền.

Broadhurst cho biết: “Hiện tại không chỉ có vắc-xin mà cả hồ sơ tiêm chủng - giấy chứng nhận bạn đã tiêm vắc-xin và được phép đi lại tự do giữa các nước - cũng được bày bán. Người dùng cần tỉnh táo trước những ‘món hời’ liên quan đến đại dịch và nên nhớ mua vắc-xin từ darknet không bao giờ là ý tưởng hay.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán