Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Mẫu tên lửa Starship của SpaceX nổ tung

Nguyên mẫu tên lửa Starship của hãng SpaceX thất bại trong quá trình thử nghiệm.



Ảnh: vietnamnet.vn

Nguyên mẫu tên lửa Starship của hãng SpaceX thất bại trong quá trình thử nghiệm vào hôm thứ Tư (04/12/2019).

Một video từ hiện trường vụ thử nghiệm diễn ra tại Texas cho thấy phần thân trên của tên lửa đã nổ tung trong quá trình thử nghiệm.

Lượng phóng xạ được bơm vào tên lửa tại thời điểm diễn ra thử nghiệm cũng bị loang ra khắp nơi trong vùng thử nghiệm tại Boca Chica, tạo thành một đám mây khổng lồ.

Các công ty Mỹ liệt kê Starship vào danh sách các hệ thống giao thông đa năng trong tương lai. Starship được kỳ vọng trở thành phương tiện vận chuyển người và hàng hóa tới những vùng ngoài Trái Đất cũng như mọi nơi khác trên toàn thế giới.

Nguyên mẫu Mk-1 cũng sẽ bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm tại độ cao 20km trong vài tuần tới.

Trong một tweet, giám đốc điều hành của SpaceX - Elon Musk cho biết sẽ không tiến hành thêm các vụ thử nghiệm với mẫu tên lửa này nữa.

Thay vào đó, hãng đã triển khai và đang tập trung phát triển một mẫu tên lửa khác - nguyên mẫu Mk-3.

"Mk-1 đã hoàn thành được vai trò mở đường của mình, nhưng việc thiết kế chuyến bay trong thực tế lại là một chuyện khác", ông Musk nói với người hâm mộ của mình trên mạng xã hội.

Theo một tuyên bố khác do SpaceX đưa ra: "Mục đích của việc thử nghiệm là nhằm tạo áp lực tối đa lên toàn hệ thống, vì vậy kết quả trên hoàn toàn không gây bất ngờ".

Ông Elon Musk cũng thông tin khá thường xuyên về kế hoạch triển khai Starship, lần gần đây nhất là vào tháng 9, khi ông có bài thuyết trình chuyên môn khá dài về thiết kế tên lửa cũng như các ứng dụng khả thi của tên lửa.

Cũng theo ông, sản xuất nguyên mẫu Mk-3 mất ít thời gian hơn so với nguyên mẫu Mk-1. Khả năng đi vào quỹ đạo của Mk-3 cũng cao hơn.

Giống như tên lửa đời trước của SpaceX - Falcon-9, Starship được thiết kế để có thể tái sử dụng. Hơn nữa, trên thực tế, tàu Falcon-9, chỉ có khoang đẩy thấp được thiết kế hạ cánh trở lại Trái Đất sau mỗi chuyến bay; khoang trên của tàu sẽ bị bỏ lại.

Nhưng với tàu Starship, bản thân tàu và khoang đẩy của tàu, gọi chung là Super Heavy, sẽ cùng hạ cánh có kiểm soát sau mỗi nhiệm vụ bay.

Starship được quảng cáo sẽ là đối thủ cạnh tranh với dự án tên lửa mới do cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) triển khai, có tên gọi Hệ thống phóng không gian (Space Launch System - SLS). Dự án SLS của NASA dự định sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng và Sao Hỏa.

Cho đến nay, NASA vẫn chỉ coi Starship là một chuyên cơ vận tải tiềm năng, dùng để vận chuyển hàng hóa lên bề mặt Mặt Trăng.

SpaceX cũng phải hứng chịu nhiều rắc rối liên quan đến phần cứng, đã được công khai trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ việc hồi tháng Tư, tàu không gian Dragon của hãng đã phát nổ dữ dội trên bục thử nghiệm.

Nhưng hãng cũng cho hay sẽ không để những thất bại này làm nhụt chí, SpaceX tự tin vào quy trình lặp đi lặp lại "xây dựng, thử nghiệm và lặp lại".

Các phương thức và thành tựu đã đạt được của SpaceX - khiến cho phần còn lại của ngành công nghiệp tên lửa ra sức chạy đua để bắt kịp, hãng tin BBC cho hay.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán