Bài tập mô phỏng cho thấy các nhà khoa học cần nhiều hơn 6 tháng mới có thể chuyển hướng các tiểu hành tinh.
NASA hợp tác với các cộng sự trên khắp thế giới tổ chức một “bài tập” vào tháng trước nhằm xác định các nhà khoa học cần bao nhiêu thời gian để tìm hiểu và tìm cách chặn đứng tiểu hành tinh chuẩn bị đâm vào Trái Đất. Bài tập đặt ra một tình huống giả định: một tiểu hành tinh lạ đang bay về phía Trái Đất và còn cách chúng ta 56,3 triệu km, dự kiến 6 tháng sau sẽ đâm sầm vào hành tinh xanh. Các nhà khoa học cùng nhau bàn luận bắt đầu từ 26 tháng 4 nhằm lên kế hoạch ngăn chặn hoặc chuyển quỹ đạo của tiểu hành tinh tưởng tượng có tên là 2021 PDC.
Dùng thiết bị hạt nhân chặn đứng thiên thạch có thể giảm thiểu thiệt hại - Ảnh: Pixabay/Mastertux
Mỗi ngày, các nhà khoa học sẽ được cung cấp thêm các đặc điểm của tiểu hành tinh, đại diện cho lượng thông tin có thể thu thập được trong một tháng ngoài thực tế. Kích cỡ tiểu hành tinh được xác định trong khoảng từ 35 đến 700 m.
Vào ngày thứ 2, họ xác định được vụ va chạm sẽ diễn ra 6 tháng tới và sẽ ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn gồm Châu Âu và Bắc Phi. Đến cuối tuần mô phỏng, họ kết luận chắc rằng tiểu hành tinh sẽ đâm vào khu vực giữa Đức và Cộng hoà Séc.
Các nhà khoa học cuối cùng nhận định hiện tại chưa có công nghệ nào đủ sức ngăn thảm hoạ diệt vong do tiểu hành tinh có kích thước lớn như thế gây nên. Theo họ, để có thể chuyển hướng quỹ đạo, thời gian chuẩn bị cần phải nhiều hơn 6 tháng.
Họ cho biết nếu tình huống giả định này xảy ra thật thì “chúng ta không thể nào phóng bất cứ thứ gì lên không trung trong một thời gian ngắn như thế với công nghệ hiện hành”.
Họ cũng cho biết sử dụng chất nổ hạt nhân để chặn đường tiểu hành tinh có thể giảm thiểu thiệt hại ngay cả khi ta chưa hiểu rõ về các đặc tính của nó. Tuy nhiên các thiết bị hạt nhân hiện nay chưa đủ sức đương đầu với các tiểu hành tinh lớn như thế khi chúng đến gần Trái Đất như vậy.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)