Trái tim được làm từ công nghệ in 3D đầu tiên với mô và mạch máu của con người đã được công bố bởi các nhà khoa học. Thành tựu này được xem là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực y tế, mở đường cho những ca cấy ghép không cần người hiến.
Trái tim chỉ có kích thước của một quả cherry, được chế tạo từ mô của bệnh nhân. Loại mô này cũng được sử dụng để tạo ra một loại mực sinh học.
Ảnh: JACK GUEZ AFP
Trái tim được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv với kích thước tương đương trái tim của một con thỏ. Đây là lần đầu tiên bất cứ ai ở bất cứ nơi nào đều có thể chế tạo thành công và in toàn bộ trái tim với các tế bào, mạch máu và tâm thất.
Các nhà nghiên cứu phải làm cho trái tim nhân tạo hoạt động như quả tim thật. Hiện tại, các tế bào chỉ có thể co bóp chứ chưa thể bơm máu. Nhưng họ hy vọng có thể ghép trái tim nhỏ vào động vật vào năm tới.
Ảnh: ODED BALILTY AP
Giáo sư Tal Dvir, người đứng đầu dự án cho biết, trong 10 năm nữa sẽ có các máy in nội tạng ở các bệnh viện tốt nhất trên thế giới và các quy trình này sẽ được tiến hành thường xuyên.
Có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tim và các bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn ở Anh và 152.000 người tử vong mỗi năm. Đối với nhiều người, ghép tim là lựa chọn duy nhất nhưng số lượng người hiến thì hạn chế.
Ngay cả khi có trái tim của người hiến, cơ thể có thể đào thải và bệnh nhân phải được đặt thuốc để làm giảm hệ thống miễn dịch khiến họ có nguy cơ bị nhiễm trùng và biến chứng.
Ảnh: JACK GUEZ
Tuy nhiên, trái tim được làm từ công nghệ in 3D sẽ được phát triển từ chính bệnh nhân. Tiến sĩ Dvir cho biết sử dụng mô của bệnh nhân là rất quan trọng vì nó có thể loại bỏ nguy cơ bị đào thải.
Nhóm nghiên cứu hiện đang tìm hiểu cách thức để phát triển đủ tế bào của con người để họ có thể tạo ra một trái tim có kích thước giống con người. Các máy in 3D hiện tại cũng bị giới hạn bởi kích thước độ phân giải của chúng, vì vậy nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra cách để tạo ra các mạch máu rất nhỏ.
Đình Phú
(Lược dịch)