Các nhà khoa học của Học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã thành công trong việc tổng hợp phức chất platin, loại chất có thể phá hủy tế bào ung thư và có tiềm năng chữa trị bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đã đánh giá độc tính tế bào in vitro của phức hợp bạch kim trên tế bào ung thư biểu mô ở người và tế bào ung thư vú - Ảnh: vast.ac.vn
Việc nghiên cứu đã được công nhận là một công trình nổi bật và được chấp thuận bởi hội đồng thẩm định của VAST ngày 18 tháng 6.
“Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực trong việc sản xuất thuốc chống ung thư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư vẫn còn cao”, ông Nguyễn Quang Trung, Viện Hóa học của VAST và là tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết.
Bài báo khoa học với tiêu đề “Synthesis, characterization and In Vitro Cytotoxicity of Palatinum (II) complexes with Some Tetradentate Salen Ligands” (Sự tổng hợp, đặc tính và tính chất phá hủy tế bào của các phức chất Platin với một vài phối tử Tetradentate Salen) được xuất bản trên Tạp chí Science Journal of Chemistry vào ngày 01 tháng 7 năm ngoái.
Cisplatin là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi trên thế giới để điều trị các bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ung thư buồng trứng và ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, nó có tác dụng phụ nghiêm trọng và kháng thuốc.
Các nhà nghiên cứu sinh hóa đang tìm hiểu cách vượt qua những khó khăn này bằng việc phát triển phức chất Platin mới với nhiều cấu trúc và khả năng phản ứng khác nhau.
Ông Trung và các cộng sự đã cố gắng tạo ra phức hợp platin có tác dụng điều trị ung thư nhưng hạn chế tối đa tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Trong quá trình nghiên cứu, họ đánh giá đặc tính phá hủy của phức chất platin lên tế bào ung thư biểu mô và tế bào ung thư vú. Kết quả cho thấy các phức chất có tác dụng tích cực lên các tế bào ung thư.
“Những kết quả nghiên cứu này đã củng cố và phát triển hướng nghiên cứu hóa sinh vô cơ ở Việt Nam, góp phần nâng cao kỹ năng tổng hợp phối tử và phức chất cho các nhà nghiên cứu”, ông Trung nói.
Ông cũng cho biết nó sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu đặc tính của phức hợp bạch kim, đặc biệt là độc tính tế bào đối với tế bào ung thư.
Vân Anh
(Lược dịch)