Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Start-up Việt Nam cần những giải pháp mới và mang tính đột phá

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đã có buổi trả lời phỏng vấn về tình hình phát triển của các start-up trong nước nói chung và tại TPHCM nói riêng.



Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - Ảnh: Gia Loc

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển của các start-up Việt trong vòng 5 năm trở lại đây?

Đề án của Chính phủ về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đột phá và sáng tạo và các chính sách của TPHCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các start-up tiếp cận với hợp tác quốc tế nhìn chung đã mang lại hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều start-up đã và đang phát triển những giải pháp đột phá, chất lượng cao, những công nghệ mới cho thị trường toàn cầu và thu hút được vốn đầu tư từ nhiều nhà đầu tư.

Chỉ tính riêng năm ngoái, các start-up đã thu hút được tổng vốn đầu tư đạt hơn 900 triệu USD, gấp 3 lần tổng số vốn của năm 2017 và 6 lần của năm 2015. Trong đó, chỉ tính riêng các start-up tại TPHCM đã thu hút được hơn 300 triệu USD.

Năm nay, Việt Nam vinh dự được xếp hạng 42 trên tổng số 129 nền kinh tế và hạng 3 trong khu vực ASEAN trên bảng xếp hạng Chỉ số Đột phá Toàn cầu của năm 2019, sau Singapore và Malaysia. Trong nhiều cuộc thi dành cho các start-up, các start-up Việt Nam cũng giành được nhiều giải thưởng.

Đây là tín hiệu tốt cho cộng đồng start-up cả nước nói chung và tại TPHCM nói riêng. Các bạn trẻ với hoài bão lớn và luôn mong muốn xây dựng sự nghiệp kinh doanh cho riêng mình. Đất nước cũng mong muốn phát triển các start-up có những giải pháp mới, chất lượng, công nghệ mới có khả năng thu hút vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước.

Tại các nước trên thế giới, nhà chức trách luôn chú trọng cung cấp nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực, bao gồm các chuyên gia nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần xây dựng một thế hệ mới các doanh nghiệp dựa trên công nghệ đột phá, tạo nên lực chuyển mới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Thưa ông, những khó khăn nào mà các start-up đang phải đối mặt với? Và Chính phủ đã làm gì để tháo gỡ những khó khăn cho các start-up?

Các start-up khó có thể phát triển độc lập. Họ đều cần một hệ sinh thái để phát triển. Hệ sinh thái thường bao gồm các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt các start-up phát triển; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đại học và viện nghiên cứu; thị trường tài chính và nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Đây là các thành tố không thể loại bỏ.

Chính phủ nên đưa ra các chính sách thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ cũng như “văn hóa chia sẻ và hợp tác” giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển các start-up. Mối liên kết đã chặt chẽ hơn trong vòng 3 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy, tạo sự bền vững hơn nữa cho mối liên kết này.

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM làm gì để hỗ trợ cho các start-up?

Sở vẫn đang chờ Chính phủ ban hành các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, thành phố cũng có những chính sách riêng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của các start-up. Chẳng hạn, năm ngoái, thành phố đã ban hành chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các dự án start-up với các chuyên gia nước ngoài và thị trường tài chính, cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các start-up tham gia các sự kiện gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán