Công nghệ 6G là thế hệ tiếp nối 5G, thu hút nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng.
Việt Nam đã sẵn sàng phát triển 6G - Ảnh: danviet.vn
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành lập nhóm phát triển 6G với sự góp sức của ba doanh nghiệp lớn Viettel, VNPT, MobiFone cùng nhiều đơn vị trực thuộc bộ.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Nhiệm vụ của nhóm là rà soát hệ thống văn bản pháp lý thúc đẩy tiến trình phát triển, đánh giá, và thử nghiệm các thiết bị 6G; đồng thời đề xuất các quy định quản lý, thanh tra, đánh giá, thử nghiệm các thiết bị nhằm phát triển mạng lưới 6G.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn học hỏi kinh nghiệm từ những nước đã triển khai 6G, từ đó đưa ra đề xuất phù hợp nhằm phát triển thiết bị 6G tại Việt Nam. Nhiệm vụ khác của nhóm là giám sát tiến trình nghiên cứu và phát triển 6G trên toàn thế giới, chủ yếu về các mặt kiểu loại thiết bị, băng tầng hỗ trợ, giá cả, và tình hình chuẩn hóa. Để thực hiện những mục tiêu trên, nhóm sẽ tham dự các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế về phát triển, đánh giá, kiểm tra, và thử nghiệm thiết bị 6G; đồng thời hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và thiết bị 6G.
Trước đó, Bộ TT&TT cũng thành lập ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin di động 6G với nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, đề xuất chiến lược, cơ chế, và chính sách tạo môi trường pháp lý phù hợp, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị và dịch vụ di động 6G tại VIệt Nam.
Ban chỉ đạo cũng phải theo sát các hoạt động nghiên cứu, phát triển 6G do các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên toàn thế giới thực hiện, từ đó đề xuất lộ trình nghiên cứu, sản xuất, và thương mại hóa các thiết bị, dịch vụ 6G, cũng như sáng tạo giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.
Bộ TT&TT nói trên thế giới hiện có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều quốc gia đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ 6G. Việt Nam hy vọng có thể bắt kịp với xu hướng này, sẵn sàng tiến hành phát triển 6G ngay khi Bộ đã thiết lập đầy đủ các tiêu chuẩn. Được biết nhiều đại học và viện nghiên cứu cũng đã bắt đầu khởi động các dự án nghiên cứu 6G.
Đại diện Viettel nói doanh nghiệp này đã bắt đầu nghiên cứu dây chuyền phát triển thiết bị 6G và tiến hành mua lại các bằng sáng chế liên quan. Còn VNPT tập trung tìm hiểu, phát triển hệ sinh thái 6G.
Bộ tiêu chuẩn 6G và tiến trình thương mại hóa công nghệ này dự kiến sẽ khởi động vào năm 2028, nhắm đến phát triển đại trà vào năm 2030. Con người và máy móc là đối tượng chính của mạng 6G, với các dịch vụ tiên tiến như thực tế nâng cấp, hình 3D di động với độ chính xác cao, bản sao kỹ thuật số.
Giới nghiên cứu dự tính sẽ triển khai đại trà nhà ở thông minh một khi thiết bị thông minh đủ khả năng kết nối và điều khiển từ xa. Giao thông thông minh với hệ thống điều khiển và phương tiện giao thông tự động như taxi bay là những điều khả dĩ khi đã có mạng công nghệ 6G đủ vững mạnh.
Theo báo cáo doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023, Viettel đã khuyến khích người dùng chuyển từ công nghệ 2G, 3G sang 4G, làm tăng nhanh lượng thuê bao đăng ký mạng 4G. Doanh nghiệp này cũng đã thử nghiệm 5G tại 55 tỉnh thành khắp Việt Nam và đánh giá chất lượng dịch vụ. Viettel cho biết sẽ đảm bảo đúng tiến độ phát triển mạng lưới công nghệ này, dự kiến vào quý 3 năm 2023 sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G đại trà.
Trong khi đó, báo cáo của VNPT và MobiFone cho 6 tháng đầu năm cũng như kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2023 vẫn chưa đề cập gì đến các hoạt động phát triển công nghệ 5G.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)