Chúng ta đều hiểu rằng thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”) là một trong những sắc thuế gần gũi với đời sống của chúng ta nhất. Nó hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày và nó luôn đồng hành từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ. Hầu hết mọi đối tượng trong xã hội sẽ phải chịu thuế GTGT. Việc đánh thuế trên phạm vi lãnh thổ với mọi đối tượng thể hiện sự công bằng của thuế. Đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các loại tiêu dùng trong xã hội. Đối với trường hợp cần khuyến khích tiêu dùng hoặc hạn chế việc trả tiền thuế của người tiêu dùng, Nhà nước sẽ không đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp nhất. Chính vì thế, thuế GTGT cũng luôn là sắc thuế được nhà nước đặt sự quan tâm rất lớn trong điều hành chính sách tài khóa quốc gia. Đặc biệt là trước bối cảnh Covid-19 như hiện nay, một loạt các văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó quy định về một số thay đổi đáng kể đối với thuế GTGT nhằm hỗ trợ các Doanh nghiệp, cá nhân chịu tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, tưởng gần gũi, dễ hiểu mà cũng không kém phần phức tạp trong cách hiểu và áp dụng thuế giá trị gia tăng do sự chồng chéo của quy định cũng như chưa rõ ràng trong từ ngữ của các văn bản, vì vậy, Doanh nghiệp, người tiêu dùng không tránh khỏi việc bị “loạn” dẫn tới việc không tuân thủ quy định về thuế hoặc tuân thủ chưa kịp thời và những khoản phạt đáng tiếc.
Để giúp cho Doanh nghiệp tránh được những nhầm lẫn không nên có trong quá trình thực hiện và tuân thủ thuế GTGT, đội ngũ Tư vấn thuế của RSM Hà Nội sẽ mang đến cho Quý độc giả cái nhìn tổng quan về thuế GTGT cũng như giải đáp một số vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây để Quý độc giả thêm phần tự tin với các quyết định tài chính của mình.
A. SƠ LƯỢC VỀ THUẾ GTGT
Thuế GTGT là gì?
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008: “thuế giá trị gia tăng là “thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng” và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo trị giá hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế.
Cách tính thuế GTGT
Căn cứ tính thuế GTGT là giá tính thuế và thuế suất theo công thức sau:
Thuế GTGT = Giá tính thuế x Thuế suất thuế GTGT
Phương pháp tính thuế giá gia tăng
Bàn về phương pháp tính thuế GTGT, theo quy định hiện hành có 2 phương pháp là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Việc phân loại phương pháp kê khai xuất phát từ đặc thù ngành nghề kinh doanh, cách thức tổ chức công tác kế toán của doanh nghiệp. Trong đó:
Phương pháp khấu trừ thuế: áp dụng ở các doanh nghiệp với đa dạng mô hình kinh doanh khi doanh nghiệp thoả mãn điều kiện: thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ đồng thời thoả các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ – thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.
Thuế giá trị gia tăng đầu vào bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng đầu ra = giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra x với thuế suất thuế giá trị gia tăng cuảhàng hoá, dịch vụ đó.
Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = giá trị gia tăng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế x với thuế suất thuế giá trị gia tăng loại hàng hoá, dịch vụ đó.
Giá trị gia tăng = giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ bán ra – giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.
B. QUY ĐỊNH HIỆN TẠI VỀ THUẾ GTGT
1. Quy định chung
Tới thời điểm hiện tại, văn bản hợp nhất số 67/VBHN-BTC được hợp nhất từ 10 Thông tư là văn bản quy phạm đang bao trùm về thuế GTGT. Văn bản này hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, một loại các văn bản ở các cấp khác như Luật, Nghị định, thông tư, quyết định, công văn v..v… cũng quy định và hướng dẫn chi tiết về thuế GTGT.
2. Quy định mới nhất
Gần đây, chắc hẳn người tiêu dùng và các Doanh nghiệp không còn xa lạ với Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP, và mới đây nhất là Công điện số 02/CĐ-TCT do Tổng cục thuế ban hành nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định của Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Tinh thần chung của các văn bản này về giảm thuế suất thuế GTGT và quy định về chi phí được trừ, cụ thể như sau:
• “Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP”.
• “Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP”.
• “Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022”.
Tuy nhiên, từ khi các quy định nêu trên được ban hành, RSM đã quan sát và nhận được được rất nhiều băn khoăn từ phía độc giả, khách hàng về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định nói trên, tiêu biểu có thể kể đến như:
• Các mặt hàng của chúng tôi có được giảm thuế GTGT không?
• Hàng hóa, dịch vụ thực hiện trong tháng 1/2022 nhưng xuất hóa đơn tháng 2/2022 có được giảm thuế GTGT không?
• Trường hợp đã xuất hóa đơn và chưa thu tiền, nhưng sau 1/2/2022 khách hàng trả lại hàng bán thì xuất hóa đơn thuế suất bao nhiêu?
Như vậy có thể dễ dàng nhìn thấy, quy định giảm thuế GTGT này tưởng chừng rất đơn giản, hỗ trợ các Doanh nghiệp và người tiêu dùng rất nhiều, nhưng nếu Doanh nghiệp thiếu đi một sự nghiên cứu chuyên sâu và tư vấn từ bộ phận chuyên nghiệp tư vấn về thuế GTGT thì việc Doanh nghiệp bị truy thu, nộp phạt là rất dễ hiểu.
C. MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP.
Để giải quyết tường tận từng câu hỏi liên quan tới việc áp dụng quy định, cần phải có sự nghiên cứu chuyên sâu từng trường hợp của từng Doanh nghiệp, thậm chí từng trường hợp của từng mặt hàng trong cùng một Doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn dày dặn cũng như quan sát, trao đổi chuyên môn với các cơ quan nhà nước, RSM Việt Nam – VP Hà Nội sẽ mang đến giải đáp cho những câu hỏi tiêu biểu của Quý độc giả. Các câu trả lời trên được đưa ra dựa trên kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của đội ngũ tư vấn viên cũng như tham vấn từ các cán bộ Nhà nước có liên quan. Việc áp dụng những quy định này sẽ được điều chỉnh linh động trong từng trường hợp cụ thể.
Hỏi: Hàng hóa đã bán ra và lập hóa đơn 10% trước ngày 1/2/2022 nhưng trong tháng 2 người mua trả lại hàng bán thì lập hóa đơn thuế suất bao nhiêu phần trăm?
Trả lời: Theo quy định, trong trường hợp này người mua phải lập hóa đơn thuế xuất 8% vì hoạt động trả lại hàng bán là hoạt động phát sinh và diễn ra sau thời điểm quy định giảm thuế suất thuế GTGT có hiệu lực.
Hỏi: Nghiệp vụ kinh tế hoàn thành trước tháng 2/2022 nhưng sang tháng 2/2022 mới xuất hóa đơn thì có được giảm thuế GTGT không?
Trả lời: Đối với hàng hóa đã bán/dịch vụ đã hoàn thành việc cung cấp trước ngày 01/2/2022 thì không được áp dụng thuế suất 8% (bao gồm cả trường hợp sang tháng 2/2022 người nộp thuế mới lập hoá đơn cho hàng hóa, dịch vụ đã bán/cung cấp trước 01/2/2022). Nghiệp vụ kinh tế đã hoàn thành trước 1/2/2022 nhưng sang tháng 2/2022 mới xuất hóa đơn thì không được giảm thuế GTGT theo nghị định số 15/2022/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh bị xử phạt với hành vi xuất hóa đơn chậm.
Đối với các hoá đơn đã lập trước ngày 01/2/2022 nhưng kể từ ngày 01/2/2022 mới phát hiện sai sót, người nộp thuế lập hoá đơn điều chỉnh/ thay thế thì vẫn áp dụng thuế suất tại thời điểm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do hàng hóa dịch vụ được bán/ cung ứng tước ngày 01/2/2022.
Đối với các cơ sở kinh doanh lập hóa đơn sai mức thuế suất mà người nộp thuế không thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh/ thay thế thì khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý theo quy định.
Hỏi: Hàng tồn kho đáp ứng điều kiện giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã mua hang trước tháng 2/2022 nhưng sang tháng 2/2022 mới bán ra thì có được giảm thuế GTGT không?
Trả lời: Hàng hóa tồn kho đáp ứng điều kiện được giảm thuế đã mua trước 1/2/2022 nhưng sang tháng 2/2022 mới bán ra thì vẫn được áp dụng thuế suất 8%.
Hỏi: Hoạt động xây dựng có thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT không?
Trả lời: Hoạt động xây dựng đang áp dụng mức thuế suất 10% và không thuộc Danh mục PL I, II, III của nghị định 15/2022/NĐ-CP, nhưng đầu vào lại vừa có hàng hóa thuế suất 10% vừa có thuế suất 8% thì hoạt động xây dựng vẫn được giảm thuế theo quy định.
Hỏi: Những dịch vụ tư vấn nào thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT trong năm 2022?
Trả lời: Nhóm các dịch vụ tư vấn thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT trong năm 2022 sẽ được xác định căn cứ vào phụ lục I Nghị định 15/2022/NĐ-CP.