Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Hội chứng FOMO

Bạn cảm thấy các mối quan hệ xã hội của mình đang trở nên bền chặt hơn nhờ có Facebook hay bạn lại cảm tệ hơn mỗi khi trót “lướt” Facebook quá lâu?

Có thể bạn sẽ tìm thấy một phần câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Sự cô lập bắt buộc trong những ngày giãn cách do đại dịch COVID làm suy giảm đáng kể các cơ hội gặp gỡ xã hội. Những sinh hoạt quan trọng hàng ngày như đi học hay đi làm cũng bị gián đoạn. Do đó, mạng xã hội trở thành phương tiện kết nối chúng ta với xã hội và kết nối chúng ta với những giá trị cốt lõi của bản thân hiệu quả hơn bao giờ hết. Thậm chí, trong một nghiên cứu năm 2020, giáo sư Tâm lý học Brenda K Wiederhold đã cho rằng, mạng xã hội chính là một công cụ để giảm bớt lo lo âu trong đại dịch bằng cách cho phép các cá nhân cảm thấy rằng, họ không đơn độc mà vẫn luôn là một phần của cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội có khả năng đi kèm với mối đe dọa lâu dài hơn. Một trong vấn đề nổi cộm đó chính là HIỆN TƯỢNG SỢ BỊ BỎ LỠ, hay được với cái tên phổ biến là FOMO [Fear of Missing Out].

1. HIỆN TƯỢNG SỢ BỊ BỎ LỠ LÀ GÌ?

FOMO không phải là một chứng rối loạn tâm lý, tuy nhiên những hệ quả tâm lý nó để lại là có thật. Về cơ bản, FOMO xuất phát từ việc liên tục so sánh cuộc sống của chúng ta với cuộc sống của người khác và tin rằng bất cứ điều gì họ đang trải nghiệm đều tốt hơn những gì chúng ta đang có. FOMO khiến ta muốn duy trì kết nối liên tục với những gì người khác đang làm để từ đó ta có thể luôn luôn trải nghiệm những điều tốt đẹp mà chúng ta đang hằng ao ước. Đặc biệt, trong thời gian mỗi tỉnh thành và mỗi quốc gia đang có kế hoạch giãn cách khác nhau, mong ước được kết nối và trải nghiệm của của ta trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

2. FOMO ẢNH HƯỞNG TỚI NGƯỜI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

Những người mang nỗi sợ bị bỏ lỡ cảm thấy mạng xã hội có một sự thu hút đặc biệt. Họ quan tâm quá mức đến các nhóm cộng đồng chia sẻ trải nghiệm hoặc những trang cá nhân của người khác.

Việc dành quá nhiều thời gian mạng xã hội không chỉ làm ảnh hưởng đến những hoạt động xã hội khác, bao gồm công việc, học tập, mối quan hệ giữa các cá nhân hiện có trong gia đình mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và cả hạnh phúc của riêng của mỗi “người dùng [user]" khi họ liên tục so sánh mình, có thể theo một cách vô thức, với những người thậm chí mình không hề quen biết.


Thậm chí, một nghiên cứu của tiến sĩ Moria Burke còn chỉ ra rằng, việc sử dụng Facebook trong vô thức còn có mối tương quan tới việc gia tăng các triệu chứng liên quan trầm cảm".

Thực tế, mạng xã hội là điểm nhấn trong cuộc sống của mỗi người, không phải là sự phản ánh toàn diện trải nghiệm hằng ngày của họ. Khi bạn nhìn thấy khoảnh khắc đẹp nhất của ai đó trong ngày (nó có thể đã được chọn lọc rất kỹ lưỡng, thậm chí đôi khi là được chủ ý tạo ra), bạn có thể tự động nghĩ về thực tế trần trụi trong cuộc sống hằng ngày của chính mình.

Rất ít người thích đăng tải những hoạt động tầm thường trong căn nhà không mấy gọn gàng, những bữa ăn không hề đẹp mắt, hay những gương mặt mộc với làn da không đều màu, ngay cả khi những tình huống đó chiếm hầu hết thời gian trong ngày của họ. Trên thực tế, mọi người thường điều chỉnh bài đăng của họ dựa trên cách họ muốn xuất hiện - không chỉ với bạn mà còn với chính họ.

Với tất cả sự chú ý vào những gì chúng ta không có hay không được trải nghiệm, FOMO làm giảm giá trị bản thân của mỗi chúng ta. Từ đó, nó có thể làm gia tăng trạng thái lo âu và trầm cảm, khiến chúng ta quay trở lại phương tiện truyền thông xã hội với mưu cầu tiếp tục được “giải trí" và kết nối. Một vòng lặp đang được tạo ra trong chính cuộc sống của chúng ta, càng lo sợ bỏ lỡ càng liên tục sử dụng xã hội, và càng liên tục sử dụng mạng xã hội chúng ta càng lo sợ bị bỏ lỡ.

Những ảnh hưởng tiêu cực này hoàn toàn đối lập với những mong muốn ban đầu của chúng ta khi sử dụng mạng xã hội - mong muốn được kết nối, mong muốn được học hỏi hay mong muốn được giải trí.

3. VẬY, TA CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ LẤY LẠI SỰ TỰ CHỦ VÀ TỰ TIN KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI?

FOMO là một tín hiệu cho thấy bạn khao khát được kết nối với người khác và với chính những giá trị cốt lõi của bản thân mình. Bởi vậy thay vì tìm cách đáp ứng những nhu cầu này bằng việc dành thời gian trên mạng xã hội một cách vô thức, dưới đây là bốn chiến lược khoa học bạn có thể thực hiện ngay:

- Thực hành lòng biết ơn và trân trọng bản thân mỗi ngày

Có thể, chúng ta đã từng nghe nói về nhật ký về lòng biết ơn, liệt kê những điều tốt đẹp mỗi ngày và chỉ ra đầy đủ những điều ta cảm thấy trân quý ở bản thân mình. Nghiên cứu của giáo sư Philip Charles Watkins đến từ đại học phía Đông Washington, Mỹ và cộng sự của ông cũng đã chỉ ra rằng lòng biết ơn không chỉ làm cho bạn hạnh phúc hơn mà nó còn có mối liên hệ với việc giảm mức độ căng thẳng và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn.

- Tận hưởng những gì bạn có trong những hơi thở sâu

Theo Giáo sư tâm lý học Paul E. Jose, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc sống là một thói quen đem lại sự hạnh phúc. Bằng cách chủ động sử dụng tất cả các giác quan để trải nghiệm cách hoạt động thường ngày, bạn đang cho vùng não trước một cơ hội nghỉ ngơi sau những khoảng thời gian dài liên tục suy nghĩ.

- Thiết lập ranh giới lành mạnh với phương tiện truyền thông mạng xã hội

Kết quả của một nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ đại học Pennsylvania vào năm 2018 cho thấy, hạn chế sử dụng mạng xã hội khoảng 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần, bao gồm sự cô đơn, trầm cảm và lo âu. Bạn có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội với các gợi ý sau:

+ Đặt báo thức trên điện thoại trong vòng 30 phút để giới hạn tình trạng "lướt liên tục".

+ Đặt điện thoại vào một phòng khác trong nhà hoặc một nơi kín đáo để giảm cảm giác. muốn lướt nó ngày đầu tiên khi ngủ dậy hay trước khi đi ngủ

+ Thiết lập một ngày "không mạng xã hội" trong tuần hoặc tháng.

- Cân nhắc trò chuyện với người hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp

Đại dịch đã khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn, căng thẳng ở mức cao nhất từ trước đến nay, và có lẽ những chiến lược ứng phó đang tin cậy của bạn giờ chỉ là những ký ức buồn vui lẫn lộn về cuộc sống trước COVID.

Nếu mọi thứ quá khó khăn, hãy nhớ rằng bạn không cần phải chiến đấu với nó một mình.

Một người hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp như chuyên gia tham vấn trị liệu có thể giúp bạn học những phương pháp mới để ứng phó với những tình huống lạ lẫm này.


SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán