Kế toán quản trị môi trường (Environmental Management Accounting – EMA) là một bộ phận của kế toán doanh nghiệp và là một công cụ quản lý giúp các nhà quản trị kiểm soát chi phí kinh doanh tối ưu liên quan đến kinh tế và môi trường. EMA đã áp dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Trung Quốc,… Những năm gần đây, EMA cũng dần dần xâm nhập vào nhu cầu quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên mức độ này chưa sâu chưa nhiều, chủ yếu ở những doanh nghiệp lớn.
Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC,2005): “EMA là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thục tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường”
Theo hoiketoanhcm.org.vn, Nhật Bản là quốc gia có chương trình hạch toán môi trường phát triển nhất trong các quốc gia Châu Á. Tại Nhật Bản, sự phát triển của EMA được thể hiện trong sự phát triển của Kế toán môi trường (Environmental Accounting – EA) nói chung với mục đích phục vụ cho nội bộ doanh nghiệp (DN).
• Năm 1997, Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) đã tiến hành những dự án nghiên cứu đầu tiên về EA.
• Năm 1998 Viện Kế toán công chứng Nhật Bản đã công bố báo cáo sử dụng thông tin chi phí môi trường để quản trị các vấn đề môi trường. Tháng 12/1998, Báo cáo này đã chỉ ra rằng kế toán công cũng chủ động ghép nối với EA.
• Năm 1999 được coi là năm đầu tiên về EA tại Nhật. Hướng dẫn đo lường và báo cáo chi phí môi trường được thông qua bởi ủy ban môi trường vào tháng 3/1999 đã thu hút được sự chú ý của các DN Nhật Bản. Tháng 9/1999 lễ ra mắt của ủy ban EA thuộc Bộ Công nghiệp và Thương nghiệp (METI) đã được thực hiện. Văn phòng chính của ủy ban là Hiệp hội quản trị môi trường cho công nghiệp (JEMAI). Hiệp hội đã tiến hành dự án nghiên cứu trong 3 năm để phát triển công cụ EMA cho phù hợp với các DN Nhật Bản.
• Năm 2000, Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) công bố hướng dẫn EA nhằm mục đích khuyến khích các công ty Nhật Bản công bố thông tin EA cho công chúng một cách tự nguyện thông qua các Báo cáo môi trường. Hướng dẫn này đã chỉ ra được chức năng quản trị của EA nhưng nó vẫn đặt trọng tâm hơn vào công bố các báo cáo môi trường ra bên ngoài. Bên cạnh hướng dẫn EA, năm 2001 MOE còn công bố hướng dẫn Báo cáo môi trường tự nguyện áp dụng cho các DN Nhật Bản.
• Đối với bộ phận tư nhân, Hiệp hội quản trị Nhật Bản đã thành lập nhóm nghiên cứu về EA từ 7/1999 với sự tham gia của 12 công ty dẫn đầu của Nhật. Nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp EA với mục đích sử dụng cho nội bộ DN thực chất đó chính là EMA. Tháng 5/2000 nhóm đã công bố hướng dẫn thực hành “Kế toán chi phí môi trường” cho các DN Nhật Bản. Cuốn sách này được xây dựng dựa trên “Hướng dẫn kế toán chi phí môi trường” được công bố bởi Bộ Môi trường Đức.
Thông qua quá trình phát triển EMA tại Nhật Bản cho thấy một số đặc điểm nổi bật trong quá trình áp dụng tại các DN như sau:
• Thứ nhất: Sự phát triển EA tại Nhật Bản có sự thúc đẩy lớn của các cơ quan Chính phủ cụ thể là những hành động của MOE và METI. Trong khi những hoạt động của MOE đặt tầm quan trọng hơn vào EA cho mục đích công bố thông tin phục vụ các đối tượng bên ngoài (Kế toán tài chính môi trường) thì METI nhấn mạnh đến chức năng quản trị của EA trong các công ty (EMA). Trong giai đoạn đầu các dự án của METI được tiến hành ở các công ty có quy mô lớn sau đó METI tập trung vào nghiên cứu và phát triển các phương pháp đơn giản cho các DN nhỏ vừa.
• Thứ hai: Là nước đi sau trong nghiên cứu và áp dụng kế toán môi trường nói chung và EMA nói riêng, Nhật Bản đã có sự vận dụng tối đa kinh nghiệm của Mỹ và Đức Đặc biệt, phương pháp kế toán dòng vật liệu (MFCA) có nguồn gốc phát triển từ Đức nhưng được vận dụng rất thành công tại Nhật. Tuy nhiên, sự vận dụng này có tính đặc thù là tại Nhật Bản, MFCA chỉ tập trung vào 1 sản phẩm hoặc một quá trình sản xuất do vậy cho phép phân tích chi tiết quá trình cải tiến sản phẩm.
• Thứ ba: Trong EA nói chung và EMA nói riêng chi phí môi trường bị giới hạn trong chi phí bảo vệ môi trường và không bao gồm chi phí vật liệu và chi phí xã hội. Tại Nhật Bản, EMA được áp dụng trong các DN không chỉ phục vụ cho mục đích kiểm soát chi phí, trợ giúp cho quyết định chiến lược về thiết kế và phát triển sản phẩm, lựa chọn dự án đầu tư dài hạn mà còn phục vụ cho việc lập báo cáo môi trường bao gồm báo cáo môi trường thường niên bắt buộc theo quy định và báo cáo môi trường tự nguyện của DN.
EA nói chung và EMA nói riêng đã được áp dụng khá phổ biến ở các DN Nhật Bản. Năm 2001, trong số 1203 DN cổ phần và niêm yết trên thị trường tài chính (không bao gồm các công ty tài chính) hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô, điện tử, giấy, cao su, thiết bị vận tải, hóa học, dệt may, thực phẩm, điện và gas… thì có 208 công ty đã lập báo cáo môi trường của mình trong BCTC, có 140 công ty đã thực hiện công khai hạch toán chi phí môi trường trong đó có tập đoàn Toyota và tập đoàn Canon là 2 tập đoàn hàng đầu tại Nhật thực hiện hạch toán chi phí môi trường có hiệu quả. áp dụng EMA đã giúp các DN Nhật Bản thu được lợi ích hàng tỷ Yên mỗi năm do cắt giảm năng lượng và vật liệu sử dụng, giảm thiểu chi phí xử lý chất thải và lựa chọn công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường. Điển hình cho những thành công trong việc áp dụng EMA có thể kể đến tập đoàn Canon. Canon là tập đoàn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy ảnh, thiết bị nghe nhìn, máy phôtô và thiết bị máy tính cũng như các thiết bị văn phòng khác đã áp dụng MFCA vào hoạt động từ năm 2001 dưới sự tài trợ của MOE và METI qua đó cắt giảm các chất thải (cũng là cắt giảm chi phí môi trường) và làm tăng sản phẩm có ích từ 78% năm 2003 lên 90% năm 2007. Đầu tiên, Canon tiến hành MFCA cho một dây chuyền sản xuất cho một loại thấu kính máy ảnh tại nhà máy chính. Mặc dù, quá trình sản xuất mục tiêu được xem như là sản xuất không rác thải trước khi áp dụng MFCA. Những phân tích MFCA đã khởi điểm cho một loạt sự cắt giảm trong cả những ảnh hưởng môi trường và chi phí phân loại lại rác kính như là hao hụt (phí tổn) vật liệu. Trước đó rác thải kính được coi như kết quả không thể tránh được của quá trình sản xuất và không thể ngăn chặn. Dựa trên phân tích MFCA, Canon đã giới thiệu vật liệu kính mới mỏng hơn trong mối quan hệ với nhà cung cấp kính. Sau những thành công ban đầu, Canon đã mở rộng mô hình MFCA trong toàn bộ tập đoàn.