Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động xã hội hóa nói chung và xã hội hóa giáo dục đào tạo nói riêng. Trong đó chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập là giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo.
Ưu đãi đầu tư là một trong những chính sách quan trọng trong việc thu hút đầu tư của Việt Nam nhằm tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi cho nhà đầu tư qua đó nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình thu hút vốn đầu tư để đẩy nhanh phát triển kinh tế cũng như thực hiện việc chuyển dịch tích cực về cơ cấu đầu tư giữa các ngành, vùng, miền. Cùng với việc phát triển cơ sở giáo dục công lập những năm qua nhà nước quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập ở các cấp học, góp phần tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Hệ thống giáo dục này đang từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng góp phần đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động xã hội hóa nói chung và xã hội hóa giáo dục đào tạo nói riêng. Trong đó chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập là giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo. Chính phủ và các Bộ, ngành đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cụ thể: Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; trong đó quy định chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng để khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện.
Trong nhiều năm qua, các chính sách của Nhà nước giáo dục luôn là một ngành nghề được ưu đãi đầu tư. Tại khoản 2 điều 15 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư:
“2. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này”
Tại điểm i khoản 1 điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư:
“1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm:
.... i) Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học”.
Bởi vì là một ngành, lĩnh vực được ưu đãi đầu tư nên cũng như các ngành khác giáo dục – đào tạo được áp dụng các hình thức đầu tư quy định tại khoản 1 điều 15 Luật Đầu tư năm 2020:
“1. Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư:
a) Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
c) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất”.
Có thể thấy rằng theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020 thì Việt Nam có 3 hình thức thức ưu đãi đầu tư gồm:
a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
Với ba hình thức ưu đãi đầu tư trên bài viết sẽ phân tích chi tiết từng hình thức ưu đãi đầu tư để làm rõ hơn về những chính sách ưu đãi mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng, cụ thể:
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì hình thức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có các hình thức sau:
- Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:
Căn cứ khoản 7 điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 ( sửa đổi, bổ sung điều 13 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008) quy định:
“1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường;
c) Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;
d) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt mười nghìn tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có doanh thu;
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên ba nghìn lao động.
2. Áp dụng thuế suất 10% đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường;
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật nhà ở;
c) Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản;
d) Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm;
đ) Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trừ thu nhập của hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.
3. Áp dụng thuế suất 20% trong thời gian mười năm đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển ngành nghề truyền thống.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được áp dụng thuế suất 17%.
4. Áp dụng thuế suất 20% đối với thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 17%.
5. Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm không quá mười lăm năm.
6. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại Điều này được tính từ năm đầu tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu; đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao”.
Đối với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường là 20%. Nhưng thuế suất thuế ưu đãi được áp dựng tương đương ba mức là 10% đối với lĩnh vực đặc biệt ưu đãi; 15 % hoặc 17% đối với lĩnh vực ưu đãi. Tùy theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư mà thời gian được hưỡng ưu đãi thuế suất có thể kéo dài 15 năm và có thể được gia hạn một lần không quá 15 năm. Một số dự án việc gia hạn thời gian ưu đãi bắt buộc phải có sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ. Với nhưng quy định này có thế cho rằng giáo dục – đào tạo là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi (hưởng thuế suất 10%) điều này chứng tỏ rằng giáo dục đang được nhà nước đặc biệt quan tâm.
2. Miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định.
Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo quy định tại Điều 16 Luật thuế nhập khẩu thì có 23 trường hợp được miễn thuế nhập khẩu trong đó quy định ưu đãi đầu tư đối với miễn thuế nhập khẩu được quy định tại khoản 11 cụ thể như sau:
“Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm:
a) Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi Tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi Tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị;
b) Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án;
c) Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.”
Ngoài ra còn có các ưu đãi thuế nhập khẩu đối với một số lĩnh vực đặc thù riêng như hoạt động khai thác dầu khí, sản xuất trang thiết bị y tế, giáo dục, nội nghiệp công nghệ cao, …… được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạo tài sản cố định….
3. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất
Theo quy định Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 46/2014/ND-CP (một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2016/NĐ-CP) có ba hình thức miến tiền thuê đất bao gồm; miễn tiền thuê đất trong suốt quả trình dự án; miễn tiền thuê đất trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản; miễn tiền thuê đất sau quá trình xây dựng cơ bản.
Theo đó có 10 trường hợp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê, cụ thể:
“1. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp, khu chế xuất được Nhà nước cho thuê đất hoặc thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư không được tính chi phí về tiền thuê đất vào giá cho thuê nhà.
3. Dự án sử dụng đất xây dựng ký túc xá sinh viên bằng tiền từ ngân sách Nhà nước, đơn vị được giao quản lý sử dụng cho sinh viên ở không được tính chi phí về tiền thuê đất vào giá cho thuê nhà.
4. Đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đất thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ, trồng rừng lấn biển.
5. Đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công; đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp khoa học và công nghệ nếu đáp ứng được các điều kiện liên quan (nếu có) bao gồm: Đất xây dựng phòng thí nghiệm, đất xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đất xây dựng cơ sở thực nghiệm, đất xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm.
6. Đất xây dựng cơ sở, công trình cung cấp dịch vụ hàng không trừ đất xây dựng cơ sở, công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ hàng không.
7. Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
8. Đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng) phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng theo quy định của pháp luật về vận tải giao thông đường bộ.
9. Đất xây dựng công trình cấp nước bao gồm: Công trình khai thác, xử lý nước, đường ống và công trình trên mạng lưới đường ống cấp nước và các công trình hỗ trợ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước (nhà hành chính, nhà quản lý, điều hành, nhà xưởng, kho bãi vật tư, thiết bị).
10. Đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
Đồng thời trong quá trình xây dựng cơ bản được miễn tiền thuê đất không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.
Đối với miễn tiền thuê đất sau thời gian xây dựng cơ bản được quy định như sau:
“a) Ba (3) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.
b) Bảy (7) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
c) Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
d) Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.”
Ngoài ba hình thức trên thì Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP còn quy định 7 trường hợp cụ thể được miễn tiền thuê đất. Như vậy, Luật đất đai quy định chi tiết các trường hợp được miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư.
Với chủ trương từng bước nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục. Do vậy, đầu tư về lĩnh vực giáo dục ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp có dự định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cần nắm được những chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước để tận dụng những ưu đãi đầu tư, đảm bảo hiệu quả cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Nguồn: Thư viện pháp luật