Cẩm Vân _ Siu
Có thể nói, đại dịch covid tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, thu nhập,.. Gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều doanh nghiệp (dn) và nhiều ngành nghề trên toàn cầu. Tại việt nam, với đặc điểm 96,7% (chu thanh hải, 2020) là các dn vừa và nhỏ, đại dịch dường như trở thành áp lực lớn chưa từng có đối với các dn này, thực tế cho thấy số lượng dn việt nam rút khỏi thị trường ngày càng tăng, bởi không thể trụ được với những khoản chi phí phát sinh ngoài dự toán và sự sụt giảm doanh thu. Trong bối cảnh đó, công việc kế toán đứng trước những thách thức cho việc ghi nhận, lập và trình bày báo cáo tài chính khi mà nhiều tình huống xét đoán của kế toán theo quy định trước đây không hoặc chưa từng phát sinh.
Trước hết, xem xét nguyên tắc phù hợp, theo nguyên tắc này thu nhập và chi phí của đơn vị kế toán phải được ghi nhận một cách tương ứng trong cùng kỳ nhằm đảm bảo việc xác định kết quả của kỳ kế toán được chính xác và tin cậy. Trong khi đó, những chi phí phát sinh do việc giãn cách xã hội như chi phí cách ly tập trung hoặc điều trị covid cho các chuyên gia nước ngoài, chi phí tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh, chi phí hỗ trợ cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh, chi phí phát sinh do quay trở lại vận hành sau một thời gian ngừng hoạt động,.. Là những chi phí bất thường không thể xác định và ghi nhận theo từng hoạt động tương ứng tạo ra thu nhập.
Nguyên tắc thứ hai đó là nguyên tắc hoạt động liên tục, theo nguyên tắc này báo cáo tài chính (bctc) phải được lập trên cơ sở giả định là dn đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần. Nghĩa là dn không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh, nhiều dn có nguy cơ giải thể hoặc phải ngừng, thu hẹp một số lĩnh vực hoạt động nguyên tắc này sẽ không còn phù hợp.
Đối với nguyên tắc thận trọng, nguyên tắc này yêu cầu không đánh giá cao hơn giá trị của tài sản và các khoản thu nhập, tuy nhiên trong thời gian tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, tài sản dn có thể bị suy giảm, do đó khi lập bctc cần xem xét việc ghi nhận giá trị tài sản bị sụt giảm trên bctc sao cho không cao hơn giá trị có thể thu hồi, đây là một điểm bất cập cho kế toán bởi không có quy định hướng dẫn cụ thể cho tình huống này.
Tiếp theo đó, một trong những khó khăn mà kế toán phải đối mặt khi xác định các khoản mục cần điều chỉnh trước khi lập bctc đó là việc ghi nhận các ước tính kế toán, chẳng hạn, các khoản lập dự phòng phải thu khó đòi theo thông tư 48/2019/tt-btc có quy định cụ thể mức lập dự phòng theo từng thời gian nợ để lập dự phòng phải thu khó đòi, tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, quy định lập dự phòng theo các khoản thời gian này sẽ không còn phù hợp bởi nguy cơ dn rút khỏi thị trường là rất lớn, hay nói khác hơn tài sản của dn sẽ bị thất thoát. Ngoài ra, dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng đặc biệt là những sản phẩm có hạn dùng hoặc sản phẩm theo vụ mùa sẽ dễ suy giảm giá trị, chính vì vậy việc đánh giá hàng tồn kho trước sự kiện covid cần phải được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Song song đó, những chi phí có nguy cơ phát sinh trong tình hình dịch bệnh như những khoản phạt do vi phạm hợp đồng mua bán, tiến độ giao hàng chậm, không thực hiện cam kết mua hàng ,…cũng cần được xem xét.
Tóm lại, trong tình hình dịch covid để đảm bảo việc ghi nhận, lập và trình bày bctc đáp ứng yêu cầu thích hợp (nhu cầu ra các quyết định kinh tế của người sử dụng) và đáng tin cậy, về phía cơ quan quản lý cần xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho kế toán trong thực hiện công việc. Riêng đối với cá nhân những người làm kế toán, cần kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí phát sinh trong thời gian xảy ra dịch bệnh, cắt giảm những nguồn chi phí không tạo được giá trị, đề xuất phương án tập trung vào thị trường nội địa nhằm bình ổn doanh số và tồn tại trong thời kỳ dịch, tuân thủ việc ghi nhận theo quy định của các cơ quan quản lý để kiểm soát tốt hoạt động dn.