Chính phủ đã ban hành NĐ số 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126) quy định chi tiết một số điều Luật quản lý thuế 2019, NĐ 126 này có hiệu lực từ ngày 06/12/2020, bao gồm 9 chương, 44 điều, và có các điểm chính cần lưu ý như sau:
1. Quy định mới về tổ chức phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân
NĐ 126 bổ sung một số trường hợp mà các tổ chức phải kê khai và nộp thuế thay cho người nộp thuế như sau:
- Công ty chứng khoán, ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi cá nhân có vốn góp phải thay mặt cá nhân kê khai và nộp thuế TNCN phát sinh từ các khoản cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, lợi tức ghi tăng vốn, góp vốn của các cá nhân bằng bất động sản/phần vốn góp/chứng khoán;
- Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho các hộ/cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì phải kê khai và nộp thuế TNCN thay cho các hộ/cá nhân kinh doanh này.
Ghi chú:
Tuy nhiên, NĐ 126 chưa có hướng dẫn về mức thuế suất cụ thể mà tổ chức kê khai và nộp thuế TNCN thay cho các hộ/cá nhân kinh .doanh này khi chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ nêu trên.
2. Quy định về thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử
NĐ 126 hướng dẫn chi tiết hơn một số điều của Luật quản lý thuế 2019 đối với hoạt động Thương mại điện tử, cụ thể là về trách nhiệm của các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi tắt là “Tổ chức thanh toán tài chính”) như sau:
- Tổ chức thanh toán tài chính có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế hàng tháng cho các doanh nghiệp nước ngoài có thực hiện các hoạt động thương mại điện tử và có thu nhập phát sinh từ Việt Nam nhưng không đăng ký nộp thuế tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Nhà thầu nước ngoài”). Tổng Cục Thuế sẽ thông báo danh tính và địa chỉ trang web của các Nhà thầu nước ngoài không đăng ký nộp thuế tại Việt Nam cho ngân hàng và Tổ chức thanh toán tài chính để thực hiện;
- Tổ chức thanh toán tài chính cũng có trách nhiệm theo dõi và cung cấp cho Tổng Cục Thuế về các dữ liệu nếu Nhà thầu nước ngoài và các cá nhân ở Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán mà theo đó việc khấu trừ nêu trên không thể thực hiện được.
Ghi chú:
NĐ cũng giới thiệu về việc cấp mã số thuế 10 chữ số cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng có trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (ví dụ: nhà thầu nước ngoài hoạt động thương mại điện tử)
3. Siết chặt các hình thức xử phạt, bao gồm điều khoản về chống tránh thuế đầu tiên của Việt Nam
Bổ sung một số trường hợp thuộc quyền hạn ấn định thuế của cơ quan thuế, bao gồm:
- Người nộp thuế thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải trình và chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh “bản chất hoạt động” doanh nghiệp theo nguyên tắc đã được nêu trong Luật quản lý thuế 2019;
- Người nộp thuế sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ ngay cả trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ là có thật và nghĩa vụ thuế liên quan đã được kê khai (Ví dụ: trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từ các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký);
- Người nộp thuế không tuân thủ quyết định kiểm tra và thanh tra thuế;
- Người nộp thuế không chấp hành quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết;
Ghi chú:
Cơ quan thuế có thể hoãn xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nếu công ty chưa nộp thuế đầy đủ;
Cơ quan thuế được phép công khai thông tin người nộp thuế đối với các trường hợp không nộp tờ khai thuế, không nộp thuế trong vòng 90 ngày kể từ ngày đến hạn; không chấp hành các quyết định hành chính thuế như không nộp các khoản bị truy thu theo quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế theo kết luận của thanh tra, kiểm tra.
4. Các thay đổi đáng lưu ý khác về thủ tục hành chính về thuế
Ngoài ra NĐ 126 có hướng dẫn thêm một số điểm mới như sau:
- Với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, NĐ quy định một số nội dung mới đối với việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế;
- Với các doanh nghiệp không nằm trong diện phải lập báo cáo tài chính quý, việc tính toán số thuế TNDN tạm nộp hàng quý đòi hỏi phải cẩn trọng hơn và được xác định dựa trên kết quả hoạt động, kinh doanh hàng quý (thay vì báo cáo tài chính quý) và quy định pháp luật về thuế;
- Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng tổng số thuế TNDN tạm nộp trong 3 quý đầu của năm tính thuế phải cao hơn hoặc bằng 75% tổng nghĩa vụ thuế TNDN được quyết toán trong năm đó. Trong trường hợp nộp thiếu thuế so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm, doanh nghiệp sẽ chịu phạt chậm nộp. Số tiền chạm nộp được tính trên số thuế nộp thiếu kể từ tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế của quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu ( áp dụng cả các hãng vận tải nước ngoài nộp thuế tại Việt Nam theo cơ chế thuế nhà thầu nước ngoài);
- Đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại các tỉnh khác với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, mà thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính đối với các hoạt động đó thì phải kê khai thuế (thuế TNDN và các loại thuế khác như thuế GTGT) tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số thuế phải nộp tại các tỉnh tương ứng, kể cả thuế GTGT. Trước đây, việc kê khai thuế tập trung tại trụ sở chỉnh áp dụng với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ghi chú:
NĐ này không áp dụng đối với:
- Một số lĩnh vực nhất định như vận tải, bảo hiểm, xây dựng;
- Các doanh nghiệp có các đơn vị phụ thuộc hoặc địa điểm kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Trường hợp này, doanh nghiệp cần xác định riêng số thuế TNDN phải nộp (không được phân bổ);
- NĐ 126 cũng bổ sung thêm một số quy định và hướng dẫn doanh nghiệp về việc lập tờ khai thuế, các trường hợp kê khai thuế theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh, và nơi nộp tờ khai thuế.
Nguồn RSM