Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ và tác động đến Việt Nam

Theo các chuyên gia, xung đột giữa Nga – Ukraine còn khó đoán định, dịch vụ tài chính có thể leo thang và dòng chảy đầu tư có sự thay đổi, mà trong đó, Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Dịch vụ tài chính sẽ leo thang

Theo ông Đào Huy Giám, Nguyên Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại WTO, diễn biến xung đột Nga - Ukraine chưa biết sẽ đến đâu, nên yếu tố chính sách với tính ổn định, rõ ràng được xem là quan trọng nhất đối với nền kinh tế, còn sự chắc chắn trong tương lai là chưa thể nói trước.

Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm thay đổi cấu trúc một số lượng cung ứng liên quan đến Việt Nam, mặc dù nếu xét về mặt chỉ số thương mại, thì cả Ukraine và Nga cộng lại không quá 1,25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại trực tiếp với hai nước, nhưng có hai điểm rất quan trọng là dịch vụ vận tải có khả năng tăng nhiều, tăng liên tục đến một mức nào đó, thậm chí thêm 10-15% và dịch vụ tài chính cũng tương tự. Trong bối cảnh càng hỗn loạn, thì biên độ dự phòng càng cao, người sử dụng dịch vụ đó thậm chí không những lấy biên độ dự phòng chung, mà còn cộng thêm với biên độ dự phòng riêng của từng đơn vị kinh doanh, nên việc quản lý rủi ro buộc phải tăng cường. Do đó, dịch vụ liên quan đến nguồn vốn, tài chính sẽ tăng rất cao trong thời gian tới.

“Song, trong thách thức thì luôn luôn có cơ hội, trong khó khăn sẽ có thời cơ. Ví dụ với diễn biến như hiện nay, với một số nước có quan hệ thân thiết với Nga hay Ukraine sẽ giảm bớt quan hệ giao thương, thì sẽ mở ra không ít cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở đó, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước Ukraine đang khó khăn về nguồn cung, đồng thời thiếu đối tác, bạn bè,... Tôi cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu thời điểm này giảm, nhưng trung hạn có thể sẽ tăng và trước mắt thì chưa thể đánh giá được, vì vẫn còn mơ hồ về quy mô của xung đột đến đâu, tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây thế nào. Hiện nay, các lệnh trừng phạt công bố rõ ràng vẫn chưa sâu như thời điểm Việt Nam bị cấm vận những năm 1975-1990.

Hiện nay, kinh tế vĩ mô có rất nhiều yếu tố nghi ngờ và hỗn loạn, chuỗi cung ứng, vật giá, dịch vụ tài chính,... sẽ ảnh hưởng sâu rộng, thậm chí chúng ta còn phải chuẩn bị tinh thần không phải chỉ ngắn hạn, trung hạn, mà những biện pháp cấm vận một khi được thực hiện, thì hai bên còn giằng co nhau có thể kéo dài đến 5-10 năm hoặc trên một thập kỷ. Từ đó, sẽ hình thành ra một cơ cấu trao đổi thương mại mới, một phần dựa vào theo cách cũ, còn một phần là theo cách mà ngay trong vấn đền về thanh toán, có thể thực hiện theo phương thức hàng đổi hàng. Đặc biệt, niềm tin rất quan trọng nếu Chính phủ củng cố được quy mô, cũng như xác định lạm phát có thể tăng để có các biện pháp phù hợp.

Lúc này, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt những cơ hội sẽ có lợi rất lớn và sẽ hình thành sự phân hóa rõ nét như doanh nghiệp lớn doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp biết làm giàu và doanh nghiệp bị thua thiệt”, ông Đào Huy Giám nhận định.

Thế khó... trong thu hút đầu tư

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, vấn đề khó dự đoán nhất hiện nay trước cuộc xung đội này chính là tiền tệ và đầu tư. Trước mắt, đồng USD đang có vẻ thắng thế, vì công luận có vẻ đứng về phía Mỹ, thậm chí các đòn trừng phạt Nga còn làm cho nhiều quốc gia “thích thú”, nên trong ngắn hạn, đồng USD trong một chừng mực nào đó giảm giá nhẹ rồi sau đó đã tăng trở lại.

Nhưng trong dài hạn, theo tôi dự đoán, đồng USD sẽ mất giá, mức độ mất giá còn phụ thuộc vào một số hành vi khác của Nga và Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc tái cấu trúc lại nợ trái phiếu Mỹ từ dài hạn trở thành ngắn hạn, vì phải đề phòng khi có vấn đề gì thì có thể rút nhanh, khi đó Mỹ sẽ có vấn đề và đồng USD bị ảnh hưởng rất mạnh, chưa nói đến việc có khả năng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ.

Cùng với việc Mỹ tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá cùng đà tăng lãi suất đó, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đồng USD sẽ sụt giảm. Chắc chắn, Nga và Trung Quốc sẽ có những phản đòn về mặt kinh tế với thị trường. Đồng USD mất giá có lợi cho xuất khẩu của Mỹ, do các đối tác nhập khẩu của Mỹ cũng không chịu như vậy mà phải phá giá theo để giữ được thặng dư thương mại tương đối, từ đó, tiền cứ như vậy leo thang. Khi mỗi quốc gia phá giá một ít để tái lập lại quan hệ thương mại bình thường, hoặc để ổn định tỷ giá hối đoái thì rất có thể dẫn đến chiến tranh tiền tệ. Lúc này, dòng đầu tư trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng, mọi người sẽ nghĩ nên đầu tư vào chính quốc gia của mình, hoặc Ngân hàng Trung ương một số nước như Mỹ, châu Âu sẽ kiểm soát dòng đầu tư chặt chẽ hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, với dòng đầu tư gián tiếp, năm ngoái trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 3,1 tỷ USD. Nhưng số tiền đó vẫn treo tại tài khoản của họ ở Việt Nam chứ không chuyển ra nước ngoài, đây là niềm hy vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi số tiền này quay trở lại thị trường và giúp thị trường chứng khoán đứng vững hơn sau khi các nhà đầu tư F0 của Việt Nam tháo chạy vì thua lỗ.

“Đến lúc này, chúng tôi thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu do dự, vì hai lý do: Thứ nhất, không biết cuộc chiến giữa Nga - Ukraine còn kéo dài tới đâu và hậu quả tài chính sẽ như thế nào. Thứ hai, rất có thể Mỹ tăng lãi suất thì đầu tư về Mỹ sẽ hay hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Liên quan đến dòng chảy đầu tư, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới bổ sung thêm rằng, với tình thế của thế giới hiện nay, kể từ sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì đây đã là một cuộc đấu tranh địa chính trị, địa kinh tế. Cho đến khi thêm cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã tạo ra sự phân rã của thế giới, với một bên là Mỹ - phương Tây và một bên là Trung Quốc, thêm cả Nga, thì về mặt kinh tế sẽ rất rõ ràng kéo theo dòng đầu tư thay đổi, chuỗi cung ứng thay đổi, dòng thương mại cũng thay đổi theo.

“Chuỗi cung ứng đó, phần nào có tính chất quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia và có tầm chiến lược thì sẽ phải đưa về nước chủ nhà hoặc đưa sang các nước đồng minh thân thiết. Còn các chuỗi không quan trọng, hoặc các phần không quan trọng của chuỗi thì mới để lại ở những nơi nào không có đủ tin cậy về độ an toàn. Trong khi đó, Việt Nam lại rơi vào hoàn cảnh “éo le” về mặt kinh tế, vừa muốn có Mỹ và phương Tây để có chỗ dựa phát triển, nhưng về mặt chính trị lại có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Chính vì thế đó sẽ tạo ra cảm giác không có độ tin tưởng 100%, nên về mặt dài hạn, Việt Nam vẫn thu hút được FDI, nhưng các chuỗi có giá trị cao hoặc các phần có giá trị cao trong chuỗi là không thể.

Mặt khác, kể cả khi muốn đặt tại Việt Nam, thì chúng ta cũng chưa đủ điều kiện, như nền tảng cơ sở hạ tầng yếu, không có sân bay, bến cảng lớn, trong khi Trung Quốc sở hữu tới 7 siêu cảng; Hệ thống đường xá chưa đủ, logistics vẫn còn non yếu, chi phí cao, môi trường kinh doanh chưa cảm thấy thoải mái, vẫn còn rắc rối và nguồn lao động công nghệ cao chưa đủ...

Do đó, dù lợi thế Việt Nam có, nhưng có được hưởng hay không lại phải do chúng ta làm như thế nào. Nếu muốn làm được sẽ phải có một kế hoạch chiến lược chủ chốt, trong đó nhắm thẳng đến việc thu hút những loại đầu tư nào và khi vào thì sẽ phải làm những gì, như cơ sở hạ tầng, sân bay ở đâu, kết nối với logistics ra sao. Thêm nữa là, chúng ta vẫn còn hơi chậm, vẫn chưa làm gì trong khi các đối thủ xung quanh như Malaysia, Indonesia, Thái Lan họ rất ráo riết. Nhất là Indonesia họ đã gọi chuyên gia nước ngoài đến tư vấn, khi được khuyến cáo thì bắt tay vào làm luôn, điển hình là thống nhất lại Luật lao động, hạ thuế từ 27% xuống 20%, thấp hơn các nước trung bình; Về xây dựng, quốc gia này đã gọi Dubai Holding để xây dựng siêu cảng và sẵn sàng lập đặc khu, tạo ra một quy chế thuận tiện”, ông Sơn lý giải.

Nguồn: Nguy cơ chiến tranh tiền tệ và tác động đến Việt Nam (tapchitaichinh.vn)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán