Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Những công ty công nghệ của Việt Nam với xu thế hướng ra thế giới

Khi trò chơi điện tử dành cho máy vi tính, Điện Biên Phủ 7554, được tung ra thị trường cách đây 6 tháng thì những người phát triển game của Emobi Games có cảm giác rằng họ sẽ gặt hái được nhiều thành công. Điện Biên Phủ 7554 là trò chơi điện tử đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với đồ họa 3D.



Một cảnh trong trò chơi Điện Biên Phủ 7554

Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc của Emobi Games nói: “Cho đến bây giờ, phần lớn là công ty của chúng tôi nhập khẩu những game của nước ngoài, sau đó Việt hóa để sử dụng cho thị trường nội địa. Mục tiêu của chúng tôi là muốn làm sao để những người chơi game Việt Nam chỉ yêu thích và chơi những trò chơi điện tử do người Việt Nam thiết kế và phát triển.”



Nguyễn Tuấn Huy: “Người Việt vẫn chưa có nhiều niềm tin đối với những sản phẩm nội địa”

Ông Huy và đội thiết kế của ông phải mất hai năm để phát triển trò chơi Điện Biên Phủ 7554, trò chơi lấy cốt truyện từ trận chiến Điện Biên Phủ nổi tiếng giữa Việt Nam và Pháp năm 1954. Trong trò chơi này, người chơi sẽ nhập vai những chiến sĩ Việt Nam chiến đấu để giải phóng cho đất nước của mình.

Mặc dù trò chơi thành công trong việc kết hợp công nghệ 3D hiện đại với việc mang đến cho người chơi lòng tự hào dân tộc nhưng nó đã thất bại trong việc mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Emobi Games chỉ bán được 500 bản trong thị trường nội địa và 500 bản ra thị trường hải ngoại, và tổng thu nhập mà công ty thu về chỉ được 1 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 6% vốn đầu tư.

Ông Huy phải thừa nhận: “Cộng đồng người Việt vẫn chưa có nhiều niềm tin đối với những sản phẩm nội địa”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng đối với cá nhân ông và đội thiết kế của mình thì trò chơi là một sự thành công lớn. Ông Huy nói thêm: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng người Việt Nam là những người biết áp dụng những cái mới nhưng vẫn giữ được truyền thống của dân tộc”. Hiện tại, công ty Emobi Games đang trong quá trình phát triển một sản phẩm game khác nhưng lần này sẽ là một sản phẩm game trực tuyến.

Quá trình hình thành

Nguyễn Tuấn Huy và đội thiết kế của ông là đại diện cho thế hệ doanh nghiệp người Việt mới, những người không ngại thử thách và luôn bắt kịp xu thế toàn cầu. Việt Nam đã phải tiến những bước dài từ một nền công nghệ tù túng để trở thành một trong những thị trường IT phát triển nhanh chóng.

Nguyễn Thịnh, cựu giám đốc điều hành tại Thung lũng Silicon, đã làm việc tại Việt Nam trong một thập kỷ qua, cho biết những thay đổi trong công nghệ tại Việt Nam thực sự là đáng kinh ngạc. Thịnh rời Việt Nam năm 1975 sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng sau đó anh đã quay trở lại để mở công ty Pyramid Software Development tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2002. Anh hiện đã bán công ty và đang làm việc như một nhà tư vấn.



“Việc thiếu đầu tư và thiếu nguồn nhân lực
chất lượng là rào cản trên con đường tiến đến thành công của Việt Nam”

Anh nói: “Cách đây 10 năm, bạn có thể đếm được những công ty IT tại Việt Nam trên đầu ngón tay”. Nhưng hiện tại, Việt Nam có hơn 750 công ty phần mềm và trong số đó có 150 công ty chuyên nhập linh kiện công nghệ. Điều này lý giải tại sao Việt Nam hiện đang nằm trong top 5 những nước chuyên nhập linh kiện trong khu vực châu Á. Hiện tại, các công ty Việt Nam đang phát triển phần mềm và các trò chơi điện tử cho những công ty nước ngoài và bắt đầu xuất khẩu những ứng dụng điện thoại di động ra các thị trường hải ngoại.

Charles Speyer, đồng sáng lập của Glass Egg Digital Media, một công ty gia công phần mềm điều khiển trò chơi, cho biết: “Môi trường tại Việt Nam rất thân thiện cho các công ty phần mềm. Chúng tôi nhận được giấy phép trong vòng chưa đầy một tuần”.

Trần Đình Phú
(Lược dịch)
Nguồn: www.bbc.co.uk

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán